1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Đi tìm “cái tình” ở chợ tình Sapa

(Dân trí) - Những tiếng khèn hay tiếng tiêu réo rắt, những đôi trai gái dập dìu, những đôi tình nhân quấn quýt nhau suốt đêm thâu và còn vô vàn điều thú vị nữa đã được người đời khắc hoạ về chợ tình. “Huy động” sự tò mò và hiếu kì, chúng tôi nỗ lực đi tìm cái “tình” của chợ tình Sapa...

Chợ tình hay… chợ tiền?

 

Thời tiết giá lạnh về đêm của Sapa cộng với những đám sương liên tục tràn xuống cũng không ngăn cản được sự háo hức khám phá chợ tình của du khách. Từ 9h tối, dòng người từ các nhà nghỉ, khách sạn đã hoà cùng dòng người từ các thôn bản tại khoảng sân bên cạnh nhà thờ. Tại đây, sức hút lớn nhất là điệu khèn của những chàng trai "nhí" người Mông. Mới chỉ 10 - 14 tuổi, những cậu bé này đã thể hiện một phong cách biểu diễn rất… chuyên nghiệp.

 

Du khách cố gắng len vào nơi có tiếng khèn, nhón chân để được tận mắt, tận tai thưởng thức. Sau mỗi lần “tấu” nhạc, nhiều vị khách tán thưởng bằng cách dúi tiền vào tay người biểu diễn…  Có rất nhiều khoảng thời gian cả tốp nhạc cùng dừng lại và khi du khách đề nghị “diễn” tiếp, các cậu bé không ngại ngùng yêu cầu: "cho tiền". Còn khi được gợi ý mời bạn gái đứng bên cạnh vào nhảy, một cậu bé đáp lại: "tiền nhiều, tiền nhiều". Hỏi về "mức" cụ thể của nhiều tiền, cậu bé nói rõ "một trăm, hai trăm "…

 

Trong khoảng sân không mấy lớn của chợ tình, các hàng bán đồ lưu niệm chen chúc nhau. Những đồng bạc, những chiếc vòng đeo tay, đeo cổ hay những chiếc mũ thổ cẩm được bày bán trong các quầy hàng này, trong khi hình thức bán rong cũng tấp nập... Một đồng bạc đánh gió được rao với giá 100 ngàn nhưng trả 30 ngàn đồng là bán liền tay, một chiếc vòng đeo tay có thể được thách gấp 6 lần giá thực.

 

Khi du khách muốn "hạ đói" sau một hồi dạo chợ thì đã có đầy rẫy các điểm bán đồ ăn vặt bao quanh bên rìa chợ. Các hàng ngô, khoai, thịt nướng nghi ngút khói, phục vụ các đối tượng từ miền xuôi lên…

 

Như thế, trước đây chữ “chợ” trong chợ tình còn khiến nhiều người băn khoăn về mặt chữ nghĩa (chợ là phải có mua bán) thì giờ đây lại có thể hiểu từ này bằng chính nghĩa đen. Điều khó hiểu nhất lại chính là chữ “tình”?

 

Theo những người đi chợ tình trước đây kể lại, những chàng trai người Dao đi chợ tình thường đút trong người một chiếc kèn lá hay chiếc tiêu. Thỉnh thoảng họ lấy ra trổ tài và quyến rũ bạn gái. Trai gái phải lòng nhau thì tìm một góc khuất, thậm chí là những chiếc lều sát chợ để tình tự.

 

Dù đã “đảo” nhiều lần trong chợ, chúng tôi cũng không được một lần nghe thấy tiếng khèn lá hay tiếng tiêu. Cố gắng căng hết “ăng ten” để đề phòng trường hợp có một cách quyến rũ nào khác trong chợ, nhưng cũng không bắt được… tín hiệu!

Đến khoảng hơn 11h, chợ đã vãn. Thử đảo qua một vài góc khuất gần chợ cũng chỉ phát hiện được duy nhất một đôi lứa kề cận. Tuy nhiên, nhân vật nữ trong cặp tình nhân này lại diện quần Jean và có mái tóc… "highlight".

 

Hỏi rất nhiều người "có thấy cái tình trong chợ?" cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Quay sang dò hỏi mấy người bán đồ lưu niệm về sự khó hiểu của chợ tình cũng chỉ nhận được những câu trả lời loanh quanh. Chỉ một người xuôi sống lâu năm tại Sapa nói thủng thẳng: nam nữ thích nhau đã "họp" trong khách sạn, còn chợ tình đã thành chợ… tiền.

 

“Lùng sục” sân sau của chợ tình

 

"Muốn biết chợ tình phải đi muộn và phải có người dẫn mới hiểu", một lãnh đạo khách sạn tuyên bố trong cuộc nhậu đêm khuya. Phải uống 4 chén rượu san lùng “cực nặng”, chúng tôi mới được vị lãnh đạo này cử một nhân viên có tên Tiến làm "hoa tiêu" cho cuộc tìm hiểu “sân sau” của chợ tình. Hơn 12h đêm, suơng giăng mịt mùng… cuộc kiếm tìm bắt đầu.

 

Người dẫn đường luôn nhắc nhở người đi cùng phải tự quan sát còn anh đã thủ sẵn cả kho chuyện phụ giúp cho chuyến đi. Anh thủ thỉ rằng, những năm gần đây, nhờ buôn bán thảo quả, cuộc sống của nhiều người khá lên đã khiến cho chợ tình có xu hướng dịch chuyển dần vào các khách sạn, nhà nghỉ. Chỉ cần có trên một trăm ngàn đã có thể qua đêm tại khách sạn, 60 ngàn đồng cho một đêm tại nhà nghỉ. Với nhà trọ bình dân, chỉ có 20 ngàn/đêm.

 

Tỉ lệ cho các cuộc tình trong nhà nghỉ, khách sạn theo anh Tiến là 1/3. Nói đến đây, như sợ người đi cùng hiểu lệch vấn đề, anh Tiến không quên trấn an: đa phần người Dao vẫn thuỷ chung với chợ tình của mình!

 

Tại điểm khảo sát đầu tiên là khu lều trại trong chợ Sapa, một đôi nam nữ đang “say sưa” trên chiếc bàn gỗ. Không hề có tiếng của họ nhưng chiếc đài bên cạnh chàng trai vẫn đều đều phát ra tiếng lào xào. Cách đó không xa, hai chiếc xe máy để cạnh nhau nhưng không hề thấy chủ nhân của chúng. Có lẽ hai người đang giấu mình sau những chiếc bàn ghế kê lổng chổng. “Đừng hỏi tôi họ làm gì trong đó”, anh Tiến tỏ vẻ bí hiểm.

 

Tạt qua khu chợ, anh Tiến dẫn người đi về phía con đường mà theo lời anh là đường “Thanh niên” của Sapa. Anh kể, các đôi trai gái ngồi la liệt bên hiên của hai dãy nhà vốn là hình ảnh quen thuộc của con đường. “Mở rộng” hơn, anh kể về chuyện những chàng trai người Dao ở các thôn bản cách Sapa tới hơn 4 chục cây số, dọc đường đi chợ tình uống hết bảy lít rượu, trong đó leo hai con dốc đã ngốn hết ba lít. Hay chuyện những đôi tình nhân say men khi dẫn nhau vào chỗ tối, lúc đầu còn rủ rỉ sau lại to tiếng cãi vã nhau để rồi lại chia hai ngả... Chuyện những đứa trẻ “mắt xanh mũi lõ” trên các thôn bản.

 

Tai đã nghe được nhiều chuyện, nhưng đôi mắt vẫn không phát hiện được một đôi tình nhân nào ở đường “Thanh niên”. Đến cuối chân dốc, anh Tiến chỉ lên phía những lùm  cây rậm rạp trên vách núi bên đường và quả quyết trên đó có những đôi đang ẩn mình. Nhưng dù có máu “tò mò” đi nữa, cũng không dễ để thể thám thính những nơi quá khó như vậy!

 

Đã hơn một giờ sáng, chúng tôi cố gắng đi thêm một vài con đường tối nữa. Nhưng những phát hiện vẫn chỉ dừng lại ở hai đôi tình nhân trong khu chợ Sapa đã gặp lúc ban đầu.

 

Sau hơn một tiếng “hợp tác”, đôi chân đã mỏi, câu chuyện đã cạn nên hai bên phải nói lời chia tay. Sau cái bắt tay, người dẫn đường vẫn không quên “gài” lại lời hứa: sẽ giúp hiểu hơn về chợ tình vào một dịp có nhiều thời gian hơn.

 

Khoảng hơn 2h sáng, dù đã thu mình trong chăn, người vừa đi “thám hiểm” vẫn còn nghĩ lan man về chợ tình. Bổng chuông điện thoại reo lên: “Anh ơi! Hình như phía nhà thờ có tiếng tiêu đấy, ra ngay đi”.

 

Chợt nghĩ, một tiếng tiêu trong chợ tình mà hiếm đến vậy!

 

Cấn Cường - Nguyễn Hằng