1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bắc Ninh:

Di tích nghìn tuổi kêu cứu trước nạn “cát tặc”

(Dân trí) - “Cát tặc” hoành hành suốt nhiều năm qua là nguyên nhân “bức tử” cụm di tích nghìn tuổi đền Phấn Động và đền Miễu tại Tam Đa - Yên Phong - Bắc Ninh. Người dân đã đổ máu giữ di tích...

Di tích chênh vênh bên bờ… cổ tích

Đền Phấn Động và đền Miễu là hai di tích thuộc cụm di tích Phòng tuyến sông Như Nguyệt lừng lẫy suốt cả nghìn năm, nơi ghi dấu ấn muôn đời bởi chiến công oanh liệt của vị tướng tài ba Lý Thường Kiệt trong trận đánh chống quân xâm lược nhà Tống 1075 - 1077 đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1980.

Quan sát dọc theo đoạn sông Cầu dài trên dưới 3km chạy qua khu vực 2 di tích tại xã Tam Đa, chúng tôi thấy hàng chục chiếc thuyền hút cát với những “tua vòi” lỏng chỏng trên khoang, nằm im lìm bao vây 2 ngôi đền cổ như lũ thủy quái gian xảo đang rình rập con mồi, chực chờ ăn đêm. 

Di tích nghìn tuổi kêu cứu trước nạn “cát tặc”  - 1
Đền Phấn Động ghi dấu ấn trong tâm thức người Việt bởi chiến công oanh liệt của danh tướng Lý Thường Kiệt chống quân xâm lược nhà Tống 1075 - 1077. (Ảnh: Anh Thế)

Có mặt tại đền Phấn Động trong buổi chiều mưa tầm tã, chúng tôi được tham gia vào câu chuyện còn nóng bỏng về sự an nguy của ngôi đền giữa các cụ cao niên và ban quản lý di tích đền. Cụ Trần Thọ Lan - Trưởng ban quản lý di tích đền Phấn Động thắc thỏm nhìn ra cơn mưa tầm tã ngoài trời vừa thở dài lo lắng: “Đền Phấn Động nằm trên cả một doi đất lớn được bồi đắp suốt cả nghìn năm nay mà thành nên vô cùng vững chãi. Vậy mà chỉ có 3,4 năm nay, lũ "cát tặc" tua vòi luồn sâu vào di tích hút rỗng cát, tạo ra những cái “hàm ếch” khổng lồ. Có thể một ngày nào đó, bất thình lình cả doi đất đổ sập, mất sạch dấu vết dưới dòng nước lớn. Vì thế mà mỗi khi trời mưa, chúng tôi lo thắt ruột, đứng ngồi không yên”. 

Di tích nghìn tuổi kêu cứu trước nạn “cát tặc”  - 2
Những chiếc thuyền hút cát nằm in lìm rình rập đợi đêm xuống tấn công di tích.
 
Di tích nghìn tuổi kêu cứu trước nạn “cát tặc”  - 3
Di tích lưu giữ dấu ấn chiến tích hào hùng của cha ông liệu có còn giữ được?!

Cụ Lan rầu rĩ kể lại, đoạn sông Cầu chạy qua khu di tích từ ngày tóc cụ còn để chỏm đến cách đây vài năm vẫn bình lặng như ngàn xưa. Nước sông Cầu lơ thơ chảy. Lũ trẻ trâu tíu tít tắm sông mỗi khi chiều về. Bãi bồi thoai thoải vàng rực một thứ hoa cải như cổ tích. Đã có nhiều đoàn quay phim về lưu trú lại đây để lấy bối cảnh.

Thế nhưng cách đây vài tháng, vào đúng ngày 1/4, dòng sông Cầu hiền hòa cuộn sóng cướp đi sinh mạng của một cháu bé hơn 10 tuổi ngay trước cửa đền Phấn Động khiến cả xóm làng bàng hoàng. Và ai cũng xa xót nhận ra rằng, chính những cái hố sâu hoăm hoắm như hố bom lồi lõm khắp dưới lòng sông mà mùa cạn nước vẫn trơ ra chính là những cái bẫy chết người của cát tặc. 

Di tích nghìn tuổi kêu cứu trước nạn “cát tặc”  - 4
Rặng tre bảo vệ ngôi đền Phấn Động đang nằm trên một "hàm ếch" khổng lồ không biết khi nào đổ sập.
 
Di tích nghìn tuổi kêu cứu trước nạn “cát tặc”  - 5
Người dân bức xúc với những "thủy quái" bức tử di tích.

Ngày trước, ngôi đền Phấn Động được bao bọc bởi mấy lớp vành đai là những rặng tre kiên cố. Thế nhưng, rặng tre vành đai 3 giờ đã thành cổ tích. Một rặng tre duy nhất quanh đền cũng đang chênh vênh trơ rễ trên những hàm ếch khổng lồ. Cụ Lan xót xa chỉ những ngọn cây gẫy ngổn ngang quanh vườn bởi trận bão vừa quét qua khi không còn được những rặng tre đan xít vững chãi bảo vệ.

Cùng chung số phận với đền Phấn Động, đền Miễu cũng đang bị “bức tử” bởi hàng chục chiếc thuyền hút cát hoạt động về đêm. Những di tích còn hiện hữu cả nghìn năm vậy mà chỉ mấy năm nay đã dần đi vào câu chuyện dĩ vãng như Gò Gươm, nơi xưa kia Lý Thường Kiệt dùng làm nơi cất giữ vũ khí cho quân sĩ, giờ trở thành một... hoang đảo nhỏ nhoi, nhấp nhô giữa dòng sông đã trơ đáy không biết bị cuốn đi khi nào.

Hay như Bãi Miễu, nơi mà danh tướng Lý Thường Kiệt đã đọc bài thơ Nam quốc sơn hà giữa đêm khiến quân giặc kinh hồn bạt vía, nơi mà quân ta sẵn sàng nghênh chiến lũ giặc Tống giờ cũng đã đang đi dần vào ký ức.

Người dân đổ máu, chính quyền bất lực và di tích sắp “trôi sông”

Bác Vũ Xuân Sắc - Thủ từ đền Phấn Động bức xúc: “Vào lúc cao điểm, quanh khu vực đền Phấn Động liên tục có hàng chục thuyền hút cát đâm vòi sục sạo. Ban đêm cả khúc sông sáng rực. Tiếng động cơ xình xịch khiến quãng sông cuộn sóng quặn thắt. Và đêm nào cũng vậy, dù mưa rét cắt da cắt thịt, các cụ cao niên dẫn con cháu trong làng đứng dọc mom sông “chiến đấu” với cát tặc. Nhiều khi bọn côn đồ hút cát dưới sông hung hãn đáp gạch chống trả rồi mang hung khí lên tận bờ hành hung người dân”. 

Di tích nghìn tuổi kêu cứu trước nạn “cát tặc”  - 6
Con đường "máu" các cụ cao niên và người dân trong làng mở để hàng đêm tuyên chiến với "cát tặc".
 
 
Hơn 1 năm trước, anh Trần Thọ, một người dân trong làng, đã bị lũ côn đồ hành hung đến gẫy tay, bác Hoàng Duy Trường bị “cát tặc” dưới lòng sông ném gạch đá đến vỡ đầu. Không đấu tranh trực diện được, người dân bàn nhau lấy gạch đá, mảnh chai, giẻ rách vứt xuống ven bờ sông cho “vòi rồng” của “cát tặc” bị tắc nhưng cùng với cát, tất cả công sức của bà con cũng bị chúng hút sạch.

Thế nhưng cuộc chiến với cát tặc của người dân Tam Đa thì chưa bao giờ nguôi tắt bởi người dân Tam Đa biết rằng không phải họ đang đổ máu chỉ để giữ những doi đất mà họ đổ máu để giữ chính hồn cốt cha ông, đổ máu để giữ cho con cháu muôn đời những tài sản tinh thần vô giá vốn góp dựng nên cả một nền văn hóa Kinh Bắc tài hoa. 

Di tích nghìn tuổi kêu cứu trước nạn “cát tặc”  - 7
Di tích nghìn tuổi kêu cứu trước nạn “cát tặc”  - 8
Người dân đã đổ máu, chính quyền vào cuộc nhưng "cát tặc" vẫn hoành hành.

Bác Nguyễn Văn Tú - thủ từ đền Miễu bày tỏ: “Niềm mong mỏi lớn nhất của người dân Tam Đa bây giờ là làm sao có kinh phí để kè đá dọc đoạn sông thuộc khu vực di tích đền Miễu và đền Phấn Động. Chứ cứ như thế này thì trước sau gì cũng mất hết mà thôi”.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Danh Bắc - Phó Phòng Tài nguyên môi trường huyện Yên Phong - cho biết: “Chúng tôi đã thành lập tổ công tác liên ngành thường xuyên đi tuần tra, ráo riết vây bắt và xứ lý “cát tặc” nhưng chúng thường chỉ hoạt động về đêm nên rất khó khăn.

Lực lượng quá mỏng, trang thiếu bị thiếu và đặc biệt chế tài xử phạt “cát tặc” chỉ là xử phạt hành chính với mức phạt tối đa cấp huyện được phép chỉ lên đến 30 triệu đồng thì không “nhằm nhò” gì khi chỉ vài đêm hút lén lút cát tặc đã thu lại vốn. Chính vì vậy, chúng tôi cũng rất cần có sự chỉ đạo và phối hợp của chính quyền các cấp trong việc xử lý triệt để nạn cát tặc, bảo vệ di tích”.

Anh Thế

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm