Di sản văn hóa nhân loại Thành nhà Hồ, niềm tự hào của xứ Thanh
(Dân trí) - Sau 6 năm chờ đợi với bao nỗ lực của các cấp, ngành và nhân dân Vĩnh Lộc nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung, Thành nhà Hồ đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại.
Thành nhà Hồ tọa lạc giữa hai dòng sông: Sông Mã và sông Bưởi như hai con rồng khổng lồ quấn quanh vùng đất gần 10 ngàn ha. Đến nay có nhiều tên gọi khác nhau: Thành nhà Hồ, thành Tây Giai, thành An Tôn và thành Tây Đô.
Gọi là Thành nhà Hồ vì mùa Xuân năm Đinh Sửa (1397) vua Trần Thuận Tông giao nhiệm vụ cho Hồ Qúy Ly vào động An Tôn làm 5 việc lớn: Xây thành, đắp lũy, xây dựng cung điện, lập nhà miếu, nền xã, mở đường phố.
Thành nhà Hồ tuy là hình chữ Nhật, nhưng chiều dài chỉ hơn chiều rộng 13m. Chiều dài theo hướng Đông - Tây là 883,5m, chiều rộng theo hướng Nam - Bắc là 870,5m. Mỗi bức tường thành được lắp ghép 5 hàng đá phiến ở phần nổi trên mặt đất và 2 hàng chìm dưới mặt đất làm móng.
Toàn bộ cổng thành là hình thang cân theo kiểu “thượng thu hạ thách” cực kỳ vững chãi. Năm 1965, giặc Mỹ ném bom bên cạnh mà cửa thành vẫn không suy chuyển. Trong 4 mặt thành thì có 3 mặt được lắp ghép bằng các phiến đá được đẽo, gọt, gia công khá kỹ lưỡng, bề mặt phẳng lỳ. Riêng mặt tường thành phía Bắc được lắp ghép bằng các phiến đá nhỏ hơn, chưa được đẽo gọt tinh vi. Có thể mặt tường này được xây dựng sau cùng, phải làm vội vàng khi giặc Minh sắp kéo sang xâm lược (theo tư liệu của Phạm Văn Chấy - Thành nhà Hồ và Những câu chuyện xây thành đắp lũy - NXB Thanh Hóa).
Thành nhà Hồ hiện nay nằm trên địa giới hành chính 2 xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Thành nhà Hồ bao gồm vùng đề cử 155,5ha nằm trong một vùng đệm 5.078,5ha bao gồm toàn bộ tòa Thành đá, La thành, Hào thành, các di tích khảo cổ dưới lòng đất, các làng cổ, di tích chùa, đền, hang động... liên quan đến Thành nhà Hồ.
Gặp chúng tôi, anh Nguyễn Anh Sơn, xã Vĩnh Tiến hồ hởi nói: “Tôi mới xem truyền hình đưa tin Thành nhà Hồ đã được công nhận là Di sản Văn hóa của nhân loại nên thấy vui lắm. Người dân chúng tôi ai cũng trông mong cái ngày này đã lâu rồi. Vậy là từ nay trên quê hương chúng tôi có một Di sản Văn hóa mang tầm thế giới”.
Ông Nguyễn Xuân Toán, Trưởng phòng Nghiệp vụ di sản, Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ tự hào: “Tin vui Thành nhà Hồ được chính thức công nhận là Di sản Văn hóa của nhân loại không chỉ anh em chúng tôi mà người dân huyện Vĩnh Lộc nói riêng và nhân dân Thanh Hóa hết sức vui mừng và phấn khởi. Là những người con quê hương sống trên mảnh đất Vĩnh Lộc, không chỉ có niềm tự hào mà còn gắn với trách nhiệm chung bảo vệ và phát huy những giá trị vốn có của di sản Thành nhà Hồ”.
Đồng thời tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Thành nhà Hồ đến với bạn bè trong và ngoài nước. Nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân địa phương về ý nghĩa, tầm quan trọng của di sản Thành nhà Hồ, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.
Thanh Hóa sẽ phối hợp với các ban ngành Trung ương để tiếp tục nghiên cứu sâu thêm về di tích Thành nhà Hồ và các di tích phụ cận trên nhiều phương diện: Lịch sử, văn hoá, kiến trúc, khảo cổ, cảnh quan... cũng như tiếp tục có sự đầu tư thoả đáng cho công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu và phát huy giá trị của di sản để nơi đây luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa và các nhà khoa học, khảo cổ học trong nước và quốc tế.
Duy Tuyên - Triệu Sơn