1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đi săn ong rừng

(Dân trí) - Từ khoảng cuối tháng 10 đến cuối tháng 12 hàng năm là mùa của thợ săn ong rừng đưa về thuần nuôi lấy mật. Một ngày theo chân đám thợ săn mới thấy cái nghề này cũng gian truân, không phải khi nào cũng có những thành quả ngọt ngào.

Clip cảnh thợ săn ong rừng do PV Dân trí ghi lại 
 
Sau mấy lần lỡ hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng đã có mặt tại xã Hương Xuân, Hương Trà, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) để theo đám thợ săn ngược lên xã biên giới Hương Lâm dự một cuộc săn ong rừng. Đồ đạc phục vụ cho chuyến đi săn ong rất đơn giản. Ngoài chiếc xe máy không thể thiếu, đám thợ chỉ trang bị mấy cái tổ (đám thợ săn gọi là chang), một ít nhang phảng phất mùi thơm của mật, một vài cái vợt để bắt ong và ít thuốc lá, bánh kẹo, nước uống…
 
Vừa lái xe “lão già” Trinh Xuân Đào (xã Hương Xuân), một tay tay thợ săn ong có tiếng nhất địa bàn huyện Hương Khê, vừa nói: “Thời gian săn ong rừng thường bắt đầu từ cuối tháng 10 và kết thúc vào khoảng cuối năm. Mùa này ong thường bay ra khu vực bìa rừng tìm kiếm thức ăn, đó là cơ hội của người thợ săn ong rừng như bọn tui đây”.
Những chiếc chang (tổ) được các thợ săn chở sau xe máy, chuẩn bị cho một cuộc săn ong
Những chiếc chang (tổ) được các thợ săn chở sau xe máy, chuẩn bị cho một cuộc săn ong

9h sáng, khi sương mù còn phảng phất trên những vườn đồi cũng là lúc những chiếc xe máy đã có mặt tại xã Hương Lâm. Những tưởng địa điểm săn ong rừng phải tận tít trong rừng, nhưng không, nơi mà đám thợ săn bỏ chang, bắt ong chỉ ở ngay những dãy cột điện cao thế cắm dọc theo con đường nhựa độc địa nối đường mòn Hồ Chí Minh vào các bản Rào Tre, bản Giàng của người Chứt, người Lào.

Chiếc xe vừa dừng, đám thợ săn ong cẩn thận lấy những chiếc chang xuống. Chang được làm từ thân cây khoét rỗng, dài khoảng nửa mét, hai đầu bịt kín, giữa hoặc một đầu được đục một lỗ nhỏ vừa đủ để ong chui vào. Đặng Ngời, một thợ săn có thâm niên sống bằng nghề nuôi ong gần 20 năm nay cẩn thận chỉ, thời gian săn ong bắt đầu từ khoảng 10h và kéo dài tới khoảng 13h chiều.

Anh Ngời chỉ, có hai cách để có thể gom một đàn ong. Cách thứ nhất cũng nhẹ nhàng nhất là treo chang lên cột điện chờ ong về thăm. “Chỉ cần một con vào thăm mà nó ưng tổ là coi như xong. Nó mà đã thích rồi, là chỉ ít phú sau nó bay ra gọi cả bầy về cùng chui vào tổ. Khi đó mọi chuyện quá đơn giản, mình chỉ cần bịt kín lỗ chang rồi mang ong về nhà nuôi -  anh Ngời nói.
 
Anh Ngời kể, cách bắt đó không phải lúc nào thợ săn cũng gặp may, bởi có khi ong bay về lượn quanh tổ mà chúng không chịu chui vào thăm. Những lúc như thế đám thợ săn thường thấp thỏm, mắt dõi theo ong. Ong vào chang là có hi vọng, còn nó bay lòng vòng rồi bay đi là coi như mất toi cả ngày. Để vớt vát, theo anh Ngời, không còn cách nào khác thợ săn phải dùng vợt rình bắt. “Cách này rất khó, nếu may mắn chụp được ong, người thợ săn đưa chiếc ống dưới đáy vợt đút vào lỗ của chang để ong chui vào thăm. Khi con ong chui vào, thợ săn phải lập tức bịt kín chừng 5 – 10 phút rồi mở ra. Nếu ong ưng tổ là có hi vọng, không thì mất công sức của mình” – anh Ngời nói thêm.
Thợ săn Trần Ngời cẩn thận treo chang lên cột điện
Thợ săn Trần Ngời cẩn thận treo chang lên cột điện

Hôm nay là một ngày đen đủi của đám thợ săn ong. Suốt hơn hai tiếng đồng hồ ngồi “nín thở”, nhưng ong rừng ít xuất hiện. Thi thoảng một vài con bay tới chang, nhưng nó chỉ bay lòng vòng mà không chịu chui vào thăm tổ. “Đen thật. Chúng đã về thế mà không chịu vào ” – anh Ngời nhìn đám thợ săn buồn bã rồi thốt lên. Nói đoạn, anh Ngời, anh Trung và một vài thợ săn khác rời khỏi vị trí, lần lượt tháo các chang trên cột điện xuống.

Ông Đào thở dài nói, mấy năm gần đây đàn ong rừng giảm rõ rệt do nạn phá rừng bừa bãi. Cũng vì ong ít dần mà đã không ít lần giữa các thợ săn đã xẩy ra mâu thuẩn, to tiếng, tranh dành “lãnh địa” lẫn nhau.

"Nhiều hôm bực lắm. Mình theo mấy con ong suốt cả buổi trưa không thấy chúng nó ngó ngàng gì đến chang, vậy mà khi có ong về là chúng cắt ngang đặt chang phía dưới chang của mình. Nếu ong nó chui vào thăm chang của mình còn được, đằng nay ong nó lại chui vào chang của kẻ đến sau. Rứa là anh em sinh ra mâu thuẫn, cãi cọ” - ông Đào nói trên đường trở về sau chuyến đi săn thất bại.

Văn Dũng - Xuân Sinh