1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đi “săn” hàng sale-off

Dạo quanh các cửa hàng, siêu thị, khu buôn bán để tìm hàng giảm giá “rinh” về nhà, không chỉ là thói quen mua sắm mà cũng là một cách thư giãn ưa thích của nhiều người. Nhưng cũng không ít người đã "sập bẫy" sale off của các nhà kinh doanh.

Các “con nghiện sale - off”

 

Ở TPHCM, những khu vực bán hàng sale off (bán hạ giá) không thiếu, và đã là cư dân TP cũng không ai lạ gì hàng sale off, nhưng có lẽ khu vực tập trung nhiều loại hàng sale off nhất có thể kể đến các tuyến đường Hai Bà Trưng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, 3 Tháng 2... với mặt hàng quần áo, đồ lót, túi xách... chiếm đa số. Hồ Xuân Hương, Lý Chính Thắng... lại thiên về mặt hàng giày dép. Và hiện nay nhiều trung tâm thương mại, siêu thị cũng thường xuyên tổ chức bán hàng thanh lý, trong đó có cả các mặt hàng đắt tiền như tivi, tủ lạnh, máy giặt. Vì vậy hàng sale off càng trở nên hấp dẫn.

 

Nhiều người dù chưa có ý định đi mua sắm thế nhưng bất ngờ gặp một điểm bán sale off 50%- 70%, hoặc đọc được một mẩu tin trên báo giới thiệu khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn là cứ như một ma lực, thế nào cũng phải “tấp vào” xem.

 

Chị Thanh Vân, nhà ở quận 3, nói vui: Đã “tấp vào” rồi thì thế nào cũng phải mua thứ gì đó dù chưa thật sự có nhu cầu. Có người vào cửa hàng chỉ để mua chiếc khăn tắm, nhìn thấy ở trên kệ hàng trưng bày chiếc váy “sale off 40%” là mua, mặc dù màu sắc và kiểu dáng không được ưng ý lắm...

 

Nhiều cửa hàng, siêu thị nắm được tâm lý “nghiện” hàng sale off của khách nên luôn bố trí quầy giảm giá, khuyến mãi ở những chỗ nhiều người qua lại nhất. Người “nghiện” mua sắm, nhất là khách hàng có nhu cầu “bất chợt” sẽ dễ dàng sa đà vào những “cái bẫy” ngọt ngào đó.

 

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người tìm mua hàng sale off đều là ngẫu hứng. Rất nhiều người luôn chọn các phố hàng sale off để mua hàng trong đó có học sinh, sinh viên, những người lao động thu nhập thấp. Chị Liên, chủ cửa hàng giày Thanh Liên (Q.10), cho biết trong suốt 4 năm bán hàng chị đã có nhiều mối “ruột” chuyên đi “săn” hàng sale off ở cửa hàng chị. Thậm chí khi nào cửa hàng giảm giá các mẫu mới là chỉ điện thoại cho “mối ruột” đến mua.

 

Gần đây, nhiều trung tâm điện máy cũng bắt đầu thực hiện các chương trình bán hàng giảm giá với quy mô lớn. Hàng giảm giá là các mặt hàng kim khí điện máy, kể cả tivi, tủ lạnh vốn là hàng treo mẫu nay đã hết mốt, hàng khách dùng thử trả lại, kể cả hàng tồn kho, khó tiêu thụ. Mức giảm giá có khi đến 30% - 40%.

 

Chị Ngọc (nhà ở 23 Lý Tự Trọng, Q.1), cũng là một “khách hàng thân thiết” của hàng sale off kể, mới đây khi biết Siêu thị Metro An Phú (Q.2) có chương trình bán máy giặt hiệu Samsung 5,5 kg giảm giá còn 1.990.000 đồng, từ 5 giờ sáng, chị đã phóng xe đi nhưng khi đến siêu thị chị mới tá hỏa vì cả một “rừng người” đã có mặt đang nôn nóng chờ siêu thị mở cửa.

 

6 giờ, khi cửa siêu thị vừa hé mở, đã có cả trăm người xô nhau chen vào gian hàng trưng bày máy giặt. Chỉ loáng một cái, toàn bộ số máy giặt trưng bày đã được mua sạch, có người đứng vịn hai tay hai máy chờ người thân đến “tiếp cứu”. Những người chậm hơn vài bước chân chỉ còn biết đứng ngẩn ngơ nhìn, rồi năn nỉ mua lại của những người có hai máy với giá cao hơn 50.000 đồng-100.000 đồng. Thấy quá nhiều người có nhu cầu, ban quản lý siêu thị đành đưa hết số hàng trong kho dự định sẽ bán trong tuần lễ khuyến mãi, bán sạch chỉ trong một buổi sáng.

 

TPHCM đang có chương trình “Tháng bán hàng giảm giá” do Sở Thương mại TPHCM tổ chức, nhiều cửa hàng siêu thị tham gia chương trình này. Dẫu mức giảm giá còn khiêm tốn, chỉ từ 5%-20%, nhưng cũng đã thu hút nhiều khách hàng. Chỉ tính riêng hệ thống Co.op Mart, sức mua tăng gấp đôi so với những ngày thường.

 

“Siêu rẻ” thành “xếp xó”

 

Chị T.A (ngụ quận 1) kể mới đây chị có ghé một điểm bán sale off ở quận 4, chọn mua một đèn trang trí tủ kính với giá 40.000 đồng. Đèn khá đẹp, giá rẻ (ở các nhà sách thướng bán 150.000 đồng), lại đúng sở thích nên chị mua ngay nhưng cũng cẩn thận đề nghị người bán cắm điện kiểm tra. Người bán làm theo yêu cầu và đặt đèn trên bàn tay cho chạy thử. Đèn hoạt động tốt, tỏa sáng rất đẹp, chị đồng ý mua hàng. Thế nhưng về nhà kiểm tra lại chị mới phát hiện đèn chỉ tỏa sáng mà không xoay; phích cắm bị nghiêng nên không thể đặt đèn trên mặt phẳng. Loay hoay sửa chữa chồng chị làm gãy chốt cắm. Thế là hàng “siêu rẻ” đành “xếp xó”.

 

Chuyện của bà Phạm Thị Đào (ngụ quận 5) cũng tương tự. Trên đường đi làm về, bà bị hấp dẫn bởi điểm bán thớt me với giá chỉ có 4.000 đồng (điểm bán đặt ngay một gốc me vừa bị đốn hạ). Bà nhẩm tính, cũng món hàng này nếu mua ở siêu thị giá hơn 20.000 đồng/ cái. Bà mua luôn 3 cái dự định cho người thân.

 

Về nhà, thớt chưa hề sử dụng thì kiến đã lũ lượt bò ra. Tiện tay, bà bóc miếng mác dán trên thớt mới thấy một đường nứt dài đã được người bán khéo léo ngụy trang dán mác đè lên. Phần xung quanh gỗ đã mục ruỗng. Quẳng đi 3 cái thớt, bà tiếc 12.000 đồng thì ít mà bực vì bị lừa thì nhiều.

 

Theo Ngọc Mai - Nguyên Hạnh
Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm