1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đi săn cá lăng

(Dân trí) - Thành phố ngã ba sông Việt Trì, Phú Thọ có một đặc sản là cá lăng, nổi tiếng đến mức 4 chữ “cá lăng Việt Trì” luôn xuất hiện ở hầu hết các nhà hàng thuỷ sản khắp mọi miền. Tôi đã tìm về làng chuyên đánh bắt cá lăng ở ngã ba sông Bạch Hạc và phát hiện ra một sự thật: cái gọi là “cá lăng Việt Trì” chỉ còn là hư danh.

Làng vạn Đoàn Kết

 

Theo những gì tôi biết, thì loại cá thượng hạng này sống nhiều ở đoạn cuối sông Thao, tức là ngã ba sông Việt Trì (sông Lô- sông Đà- sông Thao). Về tới cầu Việt Trì thì đã chiều muộn. Hỏi thăm vòng vo mãi về một làng chuyên đánh cá lăng, người dân chỉ cho tôi vào làng Đoàn Kết, phường Bạch Hạc. Làng nằm bên này sông, tiếp giáp với Vĩnh Phúc, là đất cuối cùng của Phú Thọ.

 

Cả làng này vốn toàn dân chài lưới. Thật may mắn, tôi gặp được ông Nguyễn Văn Hồng ở tổ 10. Nhà ông Hồng nằm quay mặt ra sông, ông là người kỳ cựu về nghề sông nước. Biết ý định của tôi, ông cười: “Chú viết làm gì, cá lăng hết rồi”.

 

Như vậy, chẳng hoá ra “cá lăng Việt Trì” chỉ là hư danh? Ông Hồng dẫn tôi vào một ngôi nhà nom khang trang: “Cả làng này sống bám vào khúc sông trước mặt, nhưng chỉ là chuyện trước đây thôi. Còn bây giờ mọi sự đã khác”.

 

Tôi thắc mắc: “Hàng chục quán cá ven sông vẫn trưng biển “cá lăng Việt Trì” to đùng, mà đúng họ có cá lăng thật. Vậy nguồn cá ấy ở đâu?” Ông Hồng cười: “Ngay cả dân vạn chài chúng tôi cũng chẳng có cá lăng mà ăn. Cá nhập về từ Na Hang - Tuyên Quang, Thác Bà, lòng hồ Hoà Bình. Ở đây hoạ hoằn cũng có người bắt được một con. Bây giờ mỗi con cá Lăng vài cân có giá ngót nghét triệu bạc. Mỗi tháng chúng tôi chỉ bắt được 2-3 con là đã có mấy triệu trong tay, việc gì phải xoay sở sang nghề khác cho khổ”. Nghe ông nói cũng thấy có lý. Như vậy cá Lăng ở các quán đặc sản đều là cá nhập từ nhiều nơi, nhưng về đến quán là được gắn mác Việt Trì.

 

Khoảng 6-7 năm về trước, cá ở đây nhiều vô kể. Loài cá Anh Vũ huyền thoại, lúc ấy cũng còn khá nhiều. Một ngày, ông Hồng có thể đánh được hàng tạ cá các loại. Chẳng phải tự nhiên mà ông có biệt danh là Hồng “rái cá”. Ông bảo: “Cá lăng ăn rất tạp, ăn cả các loại cá khác. Khoảng tháng 11-12 Âm lịch thì về đây nhiều. Đến cuối tháng 3 đầu tháng 4 thì cá đẻ. Những buổi sớm sương mù, những lúc nắng hanh hoặc khi trở trời rét ngọt, cá nổi lên nhiều lắm. Lúc ấy đánh không xuể. Chẳng nói quá lời, tôi bắt con cá dưới sông như người ta bắt cá trong chậu. Thích cá lúc nào có lúc ấy. Con cá to 4-5kg, có tối tôi đánh hàng chục con”.

 

Từ ngày phát sinh ra “trò” đánh cá điện thì thời của cá lăng cũng chấm hết. Ông Hồng thở dài: “Ở các mạn Vạn Mộc, Bãi Bằng, Cao Đại cách đây hơn chục cây, dân đánh cá điện nhiều quá. Thành ra cá cứ hết dần. Đánh cá điện thì cả vùng sinh thái chết, chết từ cái trứng. Bởi thế cá lăng nơi khác có về, chẳng có thức ăn cũng bỏ đi. Vậy nên dân ở đây đành phải bỏ nghề cha truyền”. Tôi hỏi: “Vậy là cá lăng ở đây mất hẳn?” - ông Hồng nói: “Không! Nếu dân bỏ đánh cá điện chỉ khoảng 1 năm sau cá lại về nhiều, lại sinh sôi. Thiên nhiên là như thế. Loài cá này đặc biệt thích sống ở vùng nước ngã ba sông”.

 

Ông Hồng lấy bộ chài ra khoe tôi: “Bộ chài này ông cha tôi để lại. Nhà tôi trước sống dựa cả vào nó, giờ tôi để làm kỷ niệm”.

 

Chẳng có cá, đàn ông làng Đoàn Kết bỏ đi làm nghề khác, xoay trần kiếm sống. Người đi theo các tàu sông, người làm phụ vữa, có người lại xoay sang buôn bán, đóng gạch... Những tên tuổi như Lập “cá”, Thực “đẩy te”, Hùng “câu” cũng dần dần bỏ nghề, chỉ thỉnh thoảng vác thuyền ra sông cho đỡ nhớ. Anh Nguyễn Văn Thực ngày nào cũng đi xây trát đến tối mịt mới về, thảng hoặc anh mang bộ chài ra sông, nhưng cũng chẳng kiếm được gì ngoài mấy con tép nhỏ.

 

Thế nhưng, trong khi cả làng Đoàn Kết phải giã biệt nghề thì ở làng vẫn có một người hàng tháng kiếm được tới vài ba triệu bạc từ cá, vẫn khúc sông ấy. Đó chẳng phải ai xa lạ, là ông Nguyễn Văn Nụ năm nay 71 tuổi- anh trai ông Hồng. Nếu ông Hồng được biết đến với ngón quăng chài thì ông Nụ nổi tiếng với “đòn” bẫy cá có một không hai: Bẫy bằng cạp.

 

Bẫy cá

 

Nhà ông Nụ cách nhà ông Hồng vài chục mét. Bố đẻ của 2 ông là cụ Nguyễn Văn Mùi năm nay đã 99 tuổi - là người truyền cho ông Nụ ngón nghề bẫy cá trứ danh này. Tôi tới nhà ông Nụ đúng lúc ông đang sửa chữa lại mấy chiếc bẫy cạp cũ. Tôi nhìn soi vào mấy chiếc bẫy cạp, xem có “bí kíp” gì không. Chẳng có gì lạ, cái cạp hao hao giống chiếc bu gà, nhưng nhỏ hơn, hoạt động theo nguyên lý rất đơn giản. Thả cạp xuống nước, có mồi nhử bên trong. Cá vào ăn là bẫy sập xuống.

 

Đi săn cá lăng - 1

Ông Nụ: "Tôi đặt cạp thế này, sáng mai kiểu gì cũng có cá dính bẫy".

 

Ông Nụ cười khoái trá: “Chỉ có thế thôi mà làng này không ai kiếm cá được, ngoài tôi. Kiếm cá phải có kinh nghiệm, phải dò được luồng cá thì đặt cạp mới có tác dụng. Thấy lòng vật (cá lội ngược dòng làm nước đục lên -PV) thì dò tới tận hang. Tre làm cạp phải là tre đồi, dùng loại tre bóng nước là hỏng. Cạp đặt có cái sâu hàng chục mét, dùng sào đưa xuống, nhưng có cái chỉ đặt sâu 2m. Ngoài ra mồi nhử phải là bì lợn nướng thơm, xâu vào que thép rồi đặt dựng vào trong cạp”.

 

Chỉ thế thôi mà ngày nào ông Nụ cũng kiếm được ít nhất trăm bạc tiền cá. Duy có cá lăng thì thỉng thoảng mới được một con. Ông Nụ đánh cá từ năm lên 9-10, chưa bao giờ chịu về tay trắng.

 

Tôi xin theo ông xuống thuyền ra sông đặt cạp 1 lần cho biết, ông khuyến cáo: “Tôi vừa thả cạp lúc nãy, giờ ra chắc chắn không có gì. Mà lội bùn đến ngang bụng, nước xuống nên bãi lầy lắm cậu không đi được đâu”. Thấy tôi nằn nì nhất quyết xin đi bằng được, ông đành chiều lòng. Đúng là lầy thật. Thuyền cách bờ có hơn chục mét mà phải lội thì thụp mãi mới ra tới nơi. Bùn nhão nhoét, ngập tận đùi.

 

 

Đi săn cá lăng - 2

Cháu Nhung thái bì lợn cho ông đi bẫy cá

Ông Nụ khoắng chân vài cái rồi trèo hẳn lên thuyền, tôi đẩy đẩy vài bước rồi cũng tót lên. Thuyền đi chầm chậm, một vùng mênh mông sông nước. Vừa đi, ông vừa kể về làng, rằng làng này nguyên là vạn chài dưới nước, sau 1954 mới được lên bờ, rằng trên bờ ngày xưa toàn địa chủ...

 

Đống bẫy cạp ông đặt bên kia sông, chỗ cầu lấy xăng của mấy chiếc tàu hàng. Mất 20 phút thì thuyền sang tới nơi. Ông Nụ khom người buộc thuyền rồi dùng sào chọc nhẹ xuống nước, từ từ vớt chiếc cạp. Thấy tôi hồi hộp, ông cười. Cái cạp hiện lên dần dần dưới làn nước đùng đục, trống không.

 

Vớt tới vài cái nữa, cũng chẳng cái nào có. Ông Nụ nói: “Đặt qua đêm nay, sáng mai kiểm tra chắc chắn sẽ có cá. Cạp vừa đặt thì lấy đâu ra”. Tôi tin lời ông. Đã 71 tuổi, bao nhiêu con cháu, nhưng có vẻ như ông vẫn là một trong những chủ lực kinh tế của cả nhà. Lúc chúng tôi đi ra sông, cô cháu nội tên Nhung đang hí hoáy thái những miếng bì lợn khen khét, cháy nhọ nhẹm.

 

Thuyền lại chầm chậm quay về. Ông Nụ hẹn tôi nhất định phải có dịp quay lại để thưởng thức cá lăng “xịn” do chính tay ông bắt: “Cá lăng mà ướp với riềng mẻ, nướng xèo xèo trên than hoa thì rượu vào lắm, cứ là hết cả chai nếp, sau đấy lại được bát cháo tấm rắc ruốc cá nữa thì hết ý...”.

 

Buổi trưa, trời nắng gay gắt. Bụng réo cồn cào, nghe ông Nụ nói mà tôi cứ nuốt nước bọt, ừng ực mãi không thôi.

 

Bảo Trung