1. Dòng sự kiện:
  2. Sập cầu Phong Châu
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Dị nhân Sài Gòn “mình đồng da sắt” 66 năm không mặc áo

Ông được mọi người mệnh danh là “mình đồng da sắt”, chưa bao giờ biết đến ốm đau, thuốc men, thức hay ngủ, nóng hay lạnh đến mấy đều cởi trần.

Dị nhân Sài Gòn “mình đồng da sắt” 66 năm không mặc áo

Bức ảnh này, một chủ rừng trồng ở Dầu Tiếng, Tây Ninh chụp cách đây hơn 10 năm, lúc ông Hồng đang nhận đốn tỉa những cây bị sâu ăn, mục hỏng.

 

Từ nhỏ đến nay, ông chẳng bao giờ mặc áo, chỉ “diện” mỗi cái quần xà lỏn, chân mang dép lê, ngủ chỉ nằm võng, ăn thì cả kýlô gạo… và làm một nghề cũng rất “độc” là đốn củi giũa chốn đô thị phồn hoa nhộn nhịp nhất nước - TPHCM. Người ta thường gọi ông là Hồng “râu” hay Hồng “củi”.

 

Tuổi thơ dữ dội

 

Tôi phải nhiều lần hẹn ông mới có dịp được gặp, vì ông rất bận, rất nhiều việc… đốn củi, chặt cây và chuyên di dời cây cối ngay giữa chốn thành thị. Nhất là đang vào mùa mưa, gió ở TPHCM hiện nay, cây cối đổ ngã, hư hỏng rất nhiều tại các hộ gia đình, Cty, xí nghiệp, trường học… Ông túi bụi hết chỗ này kêu, chỗ kia gọi, có nơi thì réo rắt vì chờ ông đến chặt cây có nguy cơ đổ vào nhà, đe dọa tính mạng gia đình họ. Gặp được ông, tìm hiểu bà con khu phố và cả những người quản lý tại địa phương, mới thấy, mới biết về ông lão quả đúng là “mình đồng da sắt”.

 

Tên thật của ông là Lữ Tấn Hồng (66 tuổi, ngụ số 656/68/87 đường Quang Trung, phường 11, quận Gò Vấp, TPHCM). Kể về gia đình mình, ông Hồng nghẹn lời, hồi tưởng về một quãng thời gian có thể nói là “tuổi thơ dữ dội”. Ông bà nội ông sống tại Thông Tây Hội, huyện Củ Chi. Bố ông là Lữ Lâm Cơ (biệt danh là Ba “ky”), là biệt động Sài Gòn thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ba “ky” trong thời gian hoạt động cách mạng, đem lòng yêu thương một cô gái đẹp Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Nhưng ngặt nỗi, bố mẹ Ba “ky” đều phản đối quyết liệt.

 

Nhưng mối tình đầu ấy đã cho ra kết quả là ông Hồng. Tuy phản đối mối tình của cậu con trai, nhưng bố mẹ Ba “ky” khi biết cô gái Phan Thiết sinh hạ cháu trai, cả ông bà đều chấp nhận con dâu và cháu nội, nhưng họ “bằng mặt chứ không bằng lòng”, chỉ thương mỗi mình cậu cháu trai đích tôn! Biết vậy, mẹ ông Hồng đã ra đi, sang tận bên Lào sinh sống rồi biền biệt xứ người. Ông Hồng lớn lên trong vòng tay yêu thương đùm bọc của ông bà nội, còn Ba “ky” thì mải miết hoạt động cách mạng, ít khi về nhà.

 

Ông Lữ Tấn Hồng.
Ông Lữ Tấn Hồng.

 

Ông Hồng sinh ra cũng không làm được giấy khai sinh, vì bố mẹ không làm kết hôn thời bấy giờ. Lúc đó ông chưa có tên. Sau đó, Ba “ky” lấy vợ, là mẹ sau của ông Hồng, sinh ra một cậu em trai, làm giấy khai sinh là Lữ Tấn Hồng. Nhưng sau đó, người em này mất, thế là ông bà nội lấy giấy khai sinh của người em gán luôn cho ông Hồng, do vậy ông mang tên khai sinh của người em cùng cha khác mẹ của mình.

 

“Suốt đời tôi một tay làm nên sự nghiệp gia đình hôm nay, rất vất vả, cơ cực, nhưng nghĩ lại thời tuổi thơ của mình quả là khốn khó, đó là không mẹ không cha, tôi bơ vơ giữa phố chợ, lăn lộn kiếm sống ngay từ thuở nhỏ”, ông Hồng tâm sự. Mới lên 6 tuổi, ông bà nội đều mất, Ba “ky” hoạt động biệt động bị lộ, do bị chỉ điểm, thế là phải ra miền Bắc. Thế nhưng, trên đường vừa chuẩn bị tập kết, ông trúng nhóm phục kích của quân Mỹ tại Củ Chi, Ba “ky” hy sinh, lúc đó ông Hồng còn bé tí. Bơ vơ giữa dòng đời Sài Gòn thời bấy giờ, ông tự lăn lộn một mình từ khi mới 6 tuổi, từ đi làm thuê làm mướn, đến vừa làm vừa học nghề không công cho một hãng chuyên sửa chữa ôtô ở Sài Gòn. Ngày học nghề, cứ mỗi buổi đến cơm, ông lại ra cái quán vỉa hè xin cơm cháy ở đáy nồi ăn qua bữa. Thương cậu bé mồ côi, bà chủ quán cho thêm tí canh, chút mắm, ông ăn cơm cháy riết thành quen.

 

Cũng do cái nghèo, phận mồ côi, nên ông Hồng cũng chẳng bao giờ mua nổi cái áo cho mình. Cậu bé chỉ mặc độc cái quần đùi cũ nát, lăn lộn học nghề và ăn cơm cháy. Cảnh đời éo le đã như vậy mà cũng chưa yên thân, vì có bố là biệt động thành, nên cậu bé bị bọn Mỹ - Ngụy truy lùng ráo riết, thế là ông Hồng phải xin theo một “đội quân” vào rừng tận Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh và sang cả bên Campuchia, Lào… để khai thác củi mang về bán ở Sài Gòn.

 

10 tuổi, cậu bé Hồng đã lăn lộn trong rừng sâu, nước độc kiếm cái ăn, suốt ngày đốn củi bất kể nắng hay mưa, trời lạnh, giá rét nơi rừng sâu, làm hay ngủ, cậu bé 10 tuổi vẫn mặc độc chiếc quần đùi. Hành nghề đốn củi ở rừng diễn ra suốt thời gian dài, từ trước giải phóng, cho đến năm 1980, ông mới trở lại Sài Gòn, hành trang của ông cũng chỉ độc cái quần đùi và đôi dép lê.

 

“Mình đồng da sắt” đốn củi nơi thị thành

 

Về Sài Gòn, ông vẫn làm cái nghề chẳng giống ai, nghề đốn củi ở thành phố. Yêu cầu chặt hạ cây chết, cây gãy hỏng, bứng dời những cây cổ thụ từ nơi này sang nơi khác, ông đều nhận tuốt. Mấy chục năm làm cái nghề độc này ở TPHCM, ông Hồng khá nổi tiếng, vì rất nhiều người dân cần đến ông. Nhiều cây cổ thụ quý hiếm, gia chủ muốn dời sang chỗ khác mà vẫn giữ cho cây sống khỏe mạnh, hay cây nằm ở thế khó cỡ nào, tay nghề của ông Hồng đều khắc phục hoặc di dời được hết, do vậy rất nhiều người cậy nhờ đến ông là vậy. Ông Hồng kể: “Lúc từ rừng về, tôi cũng đi xin làm công nhân, nhưng cứ mặc cái áo vào là tôi chịu không được, thế là cởi phăng ra, đành phải nghỉ việc. Tôi quay lại nghề đốn củi”.

 

Vậy lúc ông đi tán tỉnh những cô gái, cho đến lúc cưới vợ thì sao? Ông Hồng cười phúc hậu: “Lúc tán gái thì tôi mặc áo, nhưng vẫn mặc quần đùi. Khi vào nói chuyện được với cô gái rồi, thì tôi lại cởi áo ra. Có cô thấy thế cứ hiểu nhầm chuyện khác, hết hồn…”. Cũng bởi cái kiểu không mặc áo, mà đến năm 40 tuổi ông mới lập gia đình. Cũng may cho ông, cô gái chấp nhận lấy ông cũng thông cảm và hiểu cho ông, người đàn ông không bao giờ mặc áo. Lúc làm lễ gia tiên trước bàn thờ ông bà, thì ông Hồng mặc áo vào, nhưng chỉ vài phút, vừa lễ xong, ông lại mình trần trùng trục. Lúc đãi tiệc bà con họ hàng bên gái, thì mọi người nhìn chẳng biết ai là chú rể!

 

Cũng chuyện đốn củi nơi thành phố, có lần được gọi vào một doanh trại quân đội để bứng cái cây cổ thụ to lớn sang chỗ khác, ông Hồng vào đến cổng bị lính gác chặn lại vì… không mặc áo. Ông Hồng bảo: “Nếu không cho tôi vào, thì tôi về, còn bắt tôi mặc áo để làm, thì đành chịu thua”. Cuối cùng, chỉ huy phải xuống can thiệp, để ông Hồng cởi trần vào dời cây bên trong đơn vị.

 

Chuẩn bị máy cưa, lên đường đốn củi ở Sài Gòn
Chuẩn bị máy cưa, lên đường đốn củi ở Sài Gòn.

 

Có lần mới đây, ông Hồng vào Metro quận 12, TPHCM mua sắm, khi đang đứng tại khu cấp đông, bán hàng thịt cá, nhiệt độ như trong cái tủ lạnh ngăn làm đá vậy, thấy ông Hồng mình trần trùng trục đang đứng chọn hàng, một đại gia thấy vậy buộc miệng: “Ông không lạnh hả ?”, ông Hồng đáp tỉnh queo: “Lạnh gì đâu mà lạnh”. Thấy ông lão ngoài 60 có vẻ nói quá, vị “đại gia” liền thách đố: “Ông đứng ở đây cứ 1 tiếng tôi mất cho ông 1 triệu đồng”. Ông Hồng cười bảo: “Ông giữ lời hứa nhé”.

 

Thế là “cuộc đấu” diễn ra, vị đại gia sốt cả ruột vì đứng nhìn ông Hồng ở ngay khu vực cấp đông liền 3 tiếng đồng hồ vẫn chưa thấy “xinhê” gì cả. Nhiều nhân viên bán hàng ở Metro và khách hàng thấy ông lão này kỳ dị, nên họ xúm lại xem. Ai cũng thán phục vì sức chịu lạnh của ông. Vị đại gia đành móc túi đưa cho ông Hồng 3 triệu đồng và tươi cười bảo: “Tôi xin thua ông!”. Hôm đó, ông Hồng mua nhiều đồ ăn, thức uống đãi gia đình và nhóm làm công cho ông bằng số tiền ông thắng cược với vị đại gia nọ.

 

Ông Hồng cho biết: “Từ nhỏ đến giờ đã 66 tuổi, tôi ngủ chỉ toàn trên võng, nếu mà nằm giường là bị đau người ngay. Da của tôi có lẽ cứng chắc quá mức, nên chẳng bao giờ bận tâm đến muỗi cắn. Còn đau ốm thì trời thương tôi khổ từ nhỏ, nên tôi chẳng bao giờ tốn tiền thuốc thang”. Ông kể, có hôm, ông thấy ngứa cổ họng, ho liên tục. Tìm đến phòng khám, bác sĩ bảo phải chích thuốc. Nhưng loay hoay mãi mà vị bác sĩ kia không thể chích cho ông được vì kim tiêm không tài nào xuyên qua da ông, cây kim nào cũng bị cong queo.

 

 Cuối cùng, khỏi cần chích thuốc và cũng chẳng uống thuốc gì cả, ông Hồng tự khỏi ho. Chưa hết, hồi năm 2012, trong một lần di chuyển cây cổ thụ ở quận Gò Vấp, ông bị chiếc xe tải có gắn cần cẩu tuột thắng chèn ép ông rạn nứt xương sống bất tỉnh. Được đưa vào bệnh viện cấp cứu, bác sĩ khám xong và bắt phải mổ, nếu không ông bị liệt cả hai chân. Ông Hồng quyết không chịu mổ, rồi bỏ bệnh viện về nhà, thế là cũng tự lành. Sau vài tuần, ông lại vác máy cưa, đồ nghề đi đốn củi như thường.

 

Anh Long, Tổ trưởng dân phố, người sống gần nhà ông Hồng mấy chục năm qua tại quận Gò Vấp cho biết: “Ông Hồng là người rất tốt, là một “mạnh thường quân” xây dựng khu phố, thường xuyên giúp đỡ người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Về chuyện ông Hồng mình trần, đốn củi ở thành phố, ở đây ai cũng biết. Đúng ông này là một con người kỳ lạ, có một sức khỏe phi thường, chưa bao giờ biết đến chuyện ốm đau bệnh tật. Đặc biệt là chẳng bao giờ thấy ông mặc áo, chỉ vận mỗi cái quần đùi đi khắp nơi vậy đó”…
 

“Vợ ông Hồng thì sắm cho chồng nhiều quần áo lắm! Trong tủ có đến hàng trăm cái áo, cứ thấy chồng mình ở trần, ra chợ thấy áo đẹp lại mua cho ông. Thế nhưng mua thì mua, ông Hồng chẳng bao giờ đụng đến. Cái điều lạ, là vợ ông cũng chẳng bao giờ mua cho ông quần đùi, bởi thế nên, mỗi lần ra chợ, ông Hồng lại mua cả trăm cái quần đùi một lúc mang về xài quanh năm. Có hôm, ông mua luôn 300 cái quần đùi mang về trước sự ngạc nhiên của mọi người, cứ tưởng ông đi buôn hàng. Ông Hồng cho biết, tôi khổ từ nhỏ, cũng tự lập từ nhỏ, do vậy 2 đứa con tôi (1 gái 1 trai đã trưởng thành) đều được dạy về cách tự lập và biết thương người, đặc biệt là phải quan tâm đến người nghèo khó. Bởi cái nghèo, cái khổ thấm vào tôi ngay từ thủa nhỏ, tôi đã phải lăn lộn bôn ba khắp nơi để có cái ăn, để tồn tại. Tự lập và biết vươn lên luôn là ý chí cần thiết cho mỗi con người”.

 

 

Theo Phùng Bắc
 Lao Động