Đi khám bệnh khổ quá!
“Tôi than đau, bác sĩ lấy cái búa gõ gõ 2-3 cái vào đầu gối, kéo hai ngón tay áp út rồi thôi. Bác sĩ chẩn đoán bệnh rồi kê toa thuốc...”. Có thử đi khám bệnh mới thấy hết nỗi khổ của bệnh nhân thời “bệnh viện quá tải”: Bị “ép” chi nhiều khoản, lê lết chầu chực để được khám bệnh qua quít, bị mua hàng đống thuốc giá cao...
Tội nghiệp bệnh nhân!
8h sáng 17/4, chúng tôi đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM. Lúc này khu vực phòng khám đông nghẹt người. Mọi người chen chúc nhau trong cái nóng hầm hập.
Không biết đăng ký khám bệnh ở đâu, chúng tôi hỏi nhân viên thu viện phí nhưng chẳng ai trả lời. Tôi đành hỏi một bệnh nhân và được chỉ ra bàn hướng dẫn phía ngoài. Tại đây, một nhân viên đưa mảnh giấy, nói trống không “ghi họ tên vào” rồi phất tay ra hiệu vào phía trong. Lát sau, nhân viên thu viện phí đưa ra quyển sổ khám bệnh và biên lai thu tiền khám, không hướng dẫn gì thêm. Tôi và nhiều bệnh nhân khác ngơ ngác không biết đi đâu.
Một anh bảo vệ thấy vậy mới hướng dẫn chúng tôi trở lại bàn đăng ký ban đầu. Anh nhân viên hồi nãy bảo chúng tôi điền tên họ, địa chỉ vào sổ và hỏi bị làm sao. Tôi kể bệnh và được chỉ đến phòng số 7.
Tại phòng số 7, nhiều bệnh nhân đứng nhìn chiếc máy bấm số tự động và lao xao hỏi nhau: “Bấm cột sống hay bấm khớp?”. Tôi nhìn chiếc máy bấm số, một bên ghi “cột sống”, một bên ghi “khớp”. Nhiều bệnh nhân không biết mình bị bệnh gì để bấm số cho đúng. Tôi bấm số khám cột sống. Lấy số xong, tôi nhìn khắp nơi nhưng không còn một ghế trống nào để ngồi. Nhiều người mỏi quá ngồi bệt xuống nền gạch. Không chỉ phòng khám số 7 mà các phòng khám chi trên, chi dưới, cột sống B... đều đông nghẹt bệnh nhân. Mồ hôi ai cũng túa ra như tắm. Sau gần một giờ rưỡi chờ đợi, cuối cùng cũng đến lượt tôi vào khám.
Phòng khám số 7 rộng khoảng 5-6m2, đặt hai bàn khám với bốn bác sĩ. Bác sĩ Đ.A.C hỏi tôi bị làm sao. Tôi kể bệnh, bác sĩ ghi mấy chữ vào phiếu bảo đi chụp X-quang. Trước tôi, các bệnh nhân khác cũng chỉ được hỏi bệnh gì và cho đi chụp, hoàn toàn không khám. Cùng bàn với bác sĩ này còn một bác sĩ khác cũng “khám bệnh” như vậy.
Tội nghiệp nhất bệnh nhân Nguyễn Thị Thái, 63 tuổi, ở tận Đắc Lắc đến khám. Khi bác sĩ bảo đi chụp hình, bà hỏi chụp ở đâu, bác sĩ Đ.A.C bảo ra ngoài chụp. Bà đi ra rồi lại lơ ngơ đi vào hỏi lại. Vị bác sĩ này gắt gỏng: “Đứng trong phòng làm sao mà thấy?”.
Tôi đóng 180.000đ tiền chụp X-quang, nhưng đóng xong cũng không biết phải vào phòng nào vì bệnh viện có nhiều phòng chụp. Tôi hỏi nhân viên thu tiền và nhận được cái ra dấu phất tay về hướng cuối hành lang. Gần 11h trưa cũng đến lượt tôi. Một kỹ thuật viên bảo tôi cởi hết áo ra, mặc áo của bệnh viện vào, cởi quần dài đến đầu gối dù không hề chụp gì ở phía trên và cửa phòng chưa đóng kín.
11h15, tôi nhận kết quả và quay lại phòng khám số 7. BS Đ.A.C cầm phim giơ lên trước mặt xem qua quít và ghi toa. Vừa ghi vừa hỏi: “Chị có muốn chụp MRI không? Hai triệu đồng!”. Tôi hỏi lại rằng bệnh của tôi có cần chụp không. Bác sĩ phán: “Cần chứ. Không chụp biết chị bệnh gì?”. Tôi nói tôi có bảo hiểm y tế, xin giấy chuyển viện về bệnh viện, rồi bác sĩ cho chụp được không. BS Đ.A.C cười: “Bảo hiểm y tế ai cho chụp MRI!”.
Tôi phải than thở đau chỗ này, tê mỏi chỗ khác bác sĩ mới lấy cái búa gõ gõ 2-3 cái vào đầu gối, kéo hai ngón tay áp út rồi thôi. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị bệnh lý tủy cổ, kê toa thuốc uống một tuần với giá 394.000 đồng. Tuy có hai loại thuốc có nhiều tác dụng phụ gây chóng mặt, buồn nôn, buồn ngủ, nhà sản xuất khuyến cáo không nên chạy xe khi sử dụng thuốc nhưng chẳng dặn dò câu nào.
Đợi nửa ngày, khám 2 phút!
Biết điều thì nhanh, tốt!
Theo phản ảnh của nhiều BN đến điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, ngoài việc phải khốn khổ vì quá tải, họ còn bị một số nhân viên y tế lợi dụng sự quá tải để làm khó. Anh L (quê ở Bến Tre), bị bệnh ung thư xương đã bị cắt cụt một chân, cho biết phải chờ đợi gần hai tháng mới đến lượt xạ trị. Anh và nhiều bệnh nhân kể khi vào xạ trị đều phải “biết điều” với kỹ thuật viên.
Để kiểm chứng việc “bồi dưỡng” kỹ thuật viên xạ trị, 19h tối 24/4, trong vai một người nhà đưa BN vào xạ trị ở khu vực xạ trị máy Cobalt, chúng tôi được nhiều BN cho biết lần nào vào xạ trị cũng phải chi tiền cho kỹ thuật viên từ 10.000 - 20.000đ tùy số lần chiếu xạ nhiều hay ít. Ai cũng khẳng định nếu không cho tiền sẽ không được xạ trị cẩn thận hoặc không được ưu tiên vào sớm.
Cách đây không lâu, một đồng nghiệp của chúng tôi cho biết đã phải chi tiền cho một bác sĩ để cha vợ bị ung thư phổi được xạ trị sớm. Khi chưa cho tiền, vị bác sĩ này bảo phải đợi khoảng hai tháng mới đến lượt xạ trị. Sau khi gửi phong bì, hôm sau cha vợ anh được xạ trị ngay. |
Chờ, chờ hết lần này đến lần khác là nỗi ám ảnh của hầu hết bệnh nhân đến khám bệnh tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM.
Trước nhất là chờ “xin số”. 3h sáng 26/4, hàng trăm bệnh nhân đã chờ trước cổng bệnh viện để làm mỗi việc: lấy một tờ giấy ghi tên họ, năm sinh, địa chỉ, có nhu cầu khám bệnh gì và đặt ở quầy đăng ký khám bệnh. Nộp giấy xong, họ tiếp tục ngủ dật ngủ dựa trên các băng ghế, hành lang để chờ. 7h, những bệnh nhân chầu chực nộp giấy từ đêm trước mới bắt đầu được phát những số đầu tiên. Nộp giấy từ 5h sáng, đến 7h30 tôi mới được gọi lấy số 94 tại phòng khám số 6, chuyên khám bướu giáp.
Sau khi lấy số, hàng ngàn bệnh nhân tiếp tục chờ trước cửa các phòng khám. Khoảng 1.000 người chen chúc trong không gian hầm hập nóng, rộng chưa đầy 200m2. Nhiều người ngồi bệt cả xuống lối đi. Mới đầu buổi sáng mà nhiều người đã mệt mỏi, ngủ gục trước phòng chờ. 8h, cửa phòng hé mở. Những người “giành” được những số đầu tiên nhấp nhổm chờ gọi tên.
Qua hai giờ ngáp ngắn ngáp dài chờ, 9h30 cũng đến lượt tôi được vào khám bệnh. Trong phòng khám, không kể một người tiếp nhận giấy tờ và một người lưu hồ sơ, chỉ có hai bác sĩ khám bệnh. Sau khi tôi cho biết muốn khám xem cổ tôi có “vấn đề” gì không, vị bác sĩ trẻ bảo tôi ngước cổ lên, nuốt nước bọt mấy cái. Bác sĩ ấn ấn vào cổ tôi mấy cái. Và trong vòng chưa đầy hai phút, bác sĩ kết luận tôi bị phình giáp và cho toa thuốc uống trong hai tháng!
“Ám ảnh” chuyện khám bệnh
Bị xơ tuyến vú, phải tái khám hằng tháng ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cô Trần Thị Kim Tài (cán bộ hưu trí - ở P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức) nhắc đến chuyện đi khám bệnh như một nỗi ám ảnh: “Mỗi lần khám mất hết hơn một ngày. Một ngày phải chờ xin số 4-5 lần. Lần chờ “kinh dị” nhất là chờ siêu âm, ít nhất phải chờ 7-8 giờ. Lần nào cũng vậy, đi khám từ sáng sớm nhưng luôn bị hẹn siêu âm ngoài giờ vào buổi chiều tối. Xong hết các thủ tục, 21h tôi mới rời BV để về nhà”.
Vợ ông Kim Học, một bệnh nhân đang làm thuê ở Bình Dương, cũng than thở: “Xin chủ nghỉ làm một hôm, chúng tôi đi từ khuya để mong khám sớm, về sớm trong ngày. Chồng tôi được BS ở phòng khám khám xong lúc 9h sáng và chỉ định đi siêu âm. Tôi đến phòng đăng ký siêu âm ngay nhưng họ hẹn đến 16h mới siêu âm?! Tôi không biết gì chuyện siêu âm trong giờ ngoài giờ. Họ bảo sao tôi làm vậy!”. Kết quả là đến 21h ông Học mới được siêu âm và đọc kết quả xong. Đêm đó, hai vợ chồng đành ngủ lại hành lang bệnh viện.
Thật vậy, mặc dù trước khu siêu âm có thông báo tiếp nhận hồ sơ lúc 7h30 và bắt đầu siêu âm lúc 8h, nhưng chỉ đến 9h45 sáng, hầu hết BN đăng ký vào giờ này trở đi đều được hẹn đến siêu âm từ sau 15h. Từ giờ này, bệnh viện sẽ siêu âm lấy giá ngoài giờ! Nếu giá siêu âm màu trong giờ là 60.000 đồng thì giá ngoài giờ là 100.000 đồng. Giá siêu âm trắng đen trong giờ là 25.000 đồng thì giá ngoài giờ là 30.000 đồng. Lý do các nhân viên này đưa ra là do quá tải, thời gian siêu âm trong giờ đã chật kín bệnh nhân.
Chị Lê Minh Thành (ở Thủ Đức) cùng nhiều bệnh nhân khác cho biết khi đăng ký lấy số siêu âm, nhân viên cũng không hỏi chọn khám trong giờ hay ngoài giờ. Nhiều người sau khi được hẹn cũng không biết đến 15h-16h bệnh viện đã lấy phí theo giá dịch vụ.
15h, chúng tôi quay lại khu siêu âm. Lại là cảnh những bệnh nhân lúc sáng xếp hàng dài chờ... Nhiều người ở tỉnh xa đành ngủ lại hành lang bệnh viện.
Theo Lê Thanh Hà - Yến Trinh
Tuổi Trẻ