Di dời bộ ngành: Đừng để thế hệ sau lại phải sửa sai!
(Dân trí) - Quỹ đất các bộ ngành để lại sau khi di dời tuyệt đối không dùng để xây nhà ở, bởi việc di dời là giảm tải nội đô thì không có lý do gì lại xây nhà ở để gia tăng sức ép dân số ở khu vực này.
Nguyên KTS trưởng TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, ông Đào Ngọc Nghiêm đã nói vậy khi trao đổi với PV Dân trí về việc di dời trụ sở các bộ ngành.
Lưu ý việc di dời bộ ngành hiện nay, ông Nghiêm cho rằng hiện tại việc di dời các bộ ngành TW hiện nay là đang giải quyết những khó khăn của thế hệ trước để lại do không có kế hoạch tổng thể, định hướng rõ ràng vị trí các bộ ngành. Và với việc di dời bộ ngành hiện nay, đừng để 30 năm nữa thế hệ sau phải giải quyết những khó khăn như hiện nay.
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy Hoạch Kiến trúc Hà Nội, cho rằng phải có kế hoạch tổng thể trong việc di dời trụ sở các bộ ngành.
Thưa ông, việc di dời trụ sở các bộ ngành TW được đặt ra hoàn cảnh nào?
Với chức năng là thủ đô lịch sử, việc bố trí các bộ ngành của Hà Nội là công việc đã diễn ra từ nhiều năm. Kể từ bắt đầu quy hoạch năm 1998 đã đạt ra vấn đề di dời trụ sở các bộ ngành. Trước khi Hà Nội mở rộng, đã di dời được 4 trụ sở các bộ ngành TW là Nội vụ, Bộ KH và CN, Thanh tra Chính phủ, Bộ TN và MT.
Đến nay 8 trụ sở di dời. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, có một điểm không ổn trong việc di dời là theo định hướng của Thủ tướng nêu trong quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội chỉ là rà soát lại một số các bộ ngành ở cơ quan TW để di dời ra khỏi nội đô TP Hà Nội.
Vậy Thủ tướng nêu rõ, chỉ rà soát di dời một số bộ ngành chứ không phải nhiều bộ như đang làm.
Như ông vừa nói thì quan điểm của Chính phủ chỉ là rà soát di dời một số các bộ ngành. Có thể hiểu quan điểm này và thực tế di dời bộ ngành hiện nay như thế nào?
Muốn thực hiện di dời một số các bộ ngành thì đầu tiên phải xây dựng tiêu chí những bộ ngành phải di dời. Phải làm rõ tiêu chí di dời, di dời một phần hay toàn bộ, có những bộ nào cần phải di dời, có những bộ nào cần giữ lại khai thác.
Lần này Hà Nội có đưa ra danh sách 19 bộ ngành di dời, đây là những bộ ngành nằm trong vành đai 2 chứ không phải nội đô lịch sử. Phải xác định tiêu chí rà soát và làm tổng thể việc di dời này để chúng ta bố trí thích hợp theo Thủ tướng chứ không phải chia khu vực ra rồi di dời tất cả trong khu vực đó.
Việc di dời trụ sở bộ ngành là việc hệ trọng và tốn kém. Bởi vậy cần xây dựng đề án tổng thể để tránh dồn lại những khó khăn cho thế hệ sau. Như chúng ta hiện nay hiện nay đang phải giải quyết khó khăn của thế hệ trước do thiếu quy hoạch bố trí tổng thế trung tâm hành chính.
Việc di dời bộ ngành lâu nay được hiểu nhằm nâng cấp trụ sở cũ đã xuống cấp và giảm tải sức ép dân số nội đô. Việc di chuyển trụ sở 19 bộ ngành lần này theo ông có đạt được mục đích đề ra?
Theo dự kiến di dời 19 bộ ngành, với diện tích mới 77ha. Muốn đạt được mục tiêu giảm sức ép dân số, ách tắc giao thông trong nội đô thì cần phải thống nhất quan điểm là các bộ ngành thực hiện việc di dời không chỉ là chuyển nơi làm việc mà phải thêm bố trí cuộc sống mới của cán bộ các bộ ngành để làm giảm tác động tới khu trung tâm thành phố.
Phải xác định quyết liệt rằng, di dời các bộ ngành để làm giảm ác tắc giao thông trong nội đô, giảm ô nhiễm môi trường và lấy khoảng diện tích các bộ để lại để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nội đô.
Với 19 bộ ngành thì số lượng công chức này phải được đảm bảo được thuận tiện về di chuyển. Không thể để số lượng lớn công chức các bộ này có nhà trong nội đô nhưng lại đi làm tại Mễ Trì và tây Hồ Tây được. Làm vậy sẽ tạo ra giao thông con lắc, nội đô ách tắc thêm ách tắc hơn vì phần lớn các cán bộ này có ô tô.
Qua vấn đề này, cần làm rõ mục tiêu di dời để làm gì để tổ chức nơi đến cho hiệu quả chứ không phải chỉ là giải quyết nơi làm việc. Vấn đề này cần được xem xét thấu đáo mà các bộ chưa bàn đến.
Trụ sở các bộ ngành sau khi di dời sẽ được sử dụng vào mục đích gì đang là câu hỏi được dư luận quan tâm
Sau khi các bộ ngành di dời sẽ để lại diện tích rất lớn trong nội đô. Đây là những khu đất vàng của Hà Nội. Việc sử dụng nhưng khu đất này đang rất được dư luận quan tâm. Theo ông, các khu đất này nên được ưu tiên vào những mục đích gì?
Có thể kể ra vô số khó khăn, hạn chế liên quan tới chất lượng sống của người dân nội đô hiên nay do thiếu đất. Nguyên tắc mà nói, trong nội thành hiện nay đang chịu rất nhiều áp lực về hạ tầng xã hội, lợi ích cộng đồng.
Cụ thể, thứ nhất là không gian xanh công cộng, chỉ đạt 1,09 m2/người, nếu muốn phấn đấu lên 5 - 5,5 m2 cây xanh/ người thì rõ ràng cần diện tích rất lớn.
Thứ 2, trường học hiện nay rất thiếu, để trường học có chất lượng cao như mong muốn thì phải đạt tiêu chuẩn 15m2 đất/học sinh nhưng hiện nay nội thành Hà Nội không đạt nổi 5m2 đất/học sinh. Quận Hai Bà Trưng có những trường không có địa điểm xây dựng, có phường thiếu mẫu giáo và trường cấp một. Và có khu vực học sinh học trái tuyến rất nhiều.
Một thiếu gay gắt nữa là chỗ đỗ xe, dân số nội đô hiện nay 1,2 triệu dự kiến tới 2030 giảm xuống 0,8 triệu người, tuy nhiên diện tích đỗ xe chỉ đáp ứng được 10% diện tích theo yêu cầu. Theo yêu cầu chúng ta cần 3% diện tích đất cho đỗ xe nhưng hiện nay chỉ mới 0,3%.
Phải đặt mục tiêu dứt khoát không được bố trí nhà ở, vì trong kế hoạch chúng ta đang giảm dân số đi nên không thể bố trí nhà ở được.
Trong cuộc họp mới đây giữa Bộ Xây dựng và các cơ quan ban ngành về việc di dời trụ sở vẫn chưa thống nhất được việc xây dựng dựng trụ sở mới do TP Hà Nội hay Bộ Xây dựng. Như ông vừa nêu rất nhiều những khó khăn về đất của Hà Nội, theo ông có nên để Hà Nội chủ trì việc xây dựng trụ sở mới và được phép sử dụng diện tích các bộ ngành sau di dời?
Đất bộ ngành là công sản của Nhà nước được các bộ thuê và được trao quyền quản lý dài hạn. Cho nên việc thu hồi đất này không thuộc thẩm quyền của TP Hà Nội.
Để khắc phục điểm này, trong dự thảo Luật Thủ đô, Hà Nội có xin cơ chế đặc thù để di dời các bộ ngành TW.
Để Hà Nội làm được việc này thì phải chuẩn bị quỹ đất sạch để di dời bộ ngành, đừng để bộ ngành phải thành lập ban quản lý làm. Tất cả mọi việc như giải phóng mặt bằng, thỏa thuận với từng người dân, Hà Nội phải làm trước.
Nếu như vậy Hà Nội phải được quản lý diện tích đất sau khi di dời để cân đối với các định hướng tổng thể để giảiquyết khó khăn của mình chứ không phải để các bộ tự đề xuất vị trí đến và tự đề xuất sử dụng đất sau khi di dời.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Thông Chí