Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn
(Dân trí) - Hội thảo khoa học “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn (1969-2019)” được tổ chức ngày 14/8 tại Hà Nội nhân dịp 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hội thảo do Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam phối hợp tổ chức. Tham gia hội thảo có hàng trăm nhà khoa học, nhà giáo dục và quản lý.
Các tham luận tại hội thảo khái quát bối cảnh, cách đây nửa thế kỷ, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, chiến sỹ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đã yên nghỉ lúc 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969. Di chúc của Người đã được Bộ Chính trị cho xuất bản và công bố ngay trong ngày quốc tang. Bản Di chúc lịch sử được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết từ năm 1965 đến năm 1969 và được Người sửa chữa, bổ sung qua các năm. Bản Di chúc chưa đựng những nội dung mà Người trù tính thấu đáo, vừa cụ thể, vừa bao quát toàn bộ công việc, từ việc riêng cho đến những việc trọng đại của quốc gia, dân tộc, nhân dân.
Trong 50 năm qua, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những giá trị tư tưởng to lớn và đặc sắc đã trở thành cương lĩnh hành động của toàn Đảng, toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sỹ Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh khẳng định, trong những di sản quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng, cách mạng và dân tộc Việt Nam thì Di chúc là một văn kiện lịch sử có giá trị lý luận, thực tiễn không chỉ cho giai đoạn cách mạng đã qua mà còn cho cả những chặng đường sắp tới. Đó là những lời căn dặn đầy tâm huyết của một tấm gương suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân về khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước; về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh; về chiến lược con người; về kế hoạch xây dựng lại đất nước sau chiến tranh; về tình đoàn kết quốc tế…
Tiến sỹ Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.
"Bản Di chúc là tác phẩm được Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị trong thời gian tương đối dài, từ năm 1965 đến năm 1969, trong đó tổng kết những quan điểm, tư tưởng, đồng thời thể hiện rõ những trăn trở, suy tư cũng như mong mỏi, hy vọng của Người" - Tiến sỹ Hà đánh giá.
Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ những giá trị lý luận và thực tiễn của bản Di chúc từ thực tế lịch sử cách mạng Việt Nam 50 năm qua. Trên cơ sở đó tiếp tục khẳng định giá trị thực tiễn của bản Di chúc lịch sử và rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Từ đó, hội thảo góp phần vào việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TƯ ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Các đại biểu thảo luận một số chủ đề lớn như: bối cảnh ra đời, quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh viết, sửa chữa, bổ sung bản Di chúc, quá trình công bố và xuất bản; công tác trưng bày, tuyên truyền và phát huy giá trị của Di chúc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và hệ thống bảo tàng, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước. Các đại biểu cũng làm rõ giá trị lý luận và thực tiễn những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đề cập trong Di chúc…
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định, các ý kiến đóng góp, tham luận, thảo luận của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học tại hội thảo đã một lần nữa khẳng định những giá trị trường tồn của bản Di chúc - văn kiện lịch sử vô giá, di sản văn hóa, quốc bảo của Đảng, nhân dân và dân tộc ta. Đồng thời, hội thảo cũng góp phần làm sáng tỏ nhiều khía cạnh mới trong nhận thức về nội dung, ý nghĩa của Di chúc trong tiến trình đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng và Nhà nước ta.
Nguyễn Dương