1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Đi chợ khó hơn làm toán”

(Dân trí) - Giá xăng tăng, việc ăn uống trong nhiều gia đình bị cắt giảm để “bù” cho việc đi lại. Bữa ăn qua bao nhiêu đợt tăng giá đã giảm, giờ tiếp tục bị “xén”… Người nội trợ thêm đau đầu mỗi khi ra chợ.

Cứ mỗi lần đi chợ, chị Phan Thị Thảo ở Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) lại vòng từ đầu đến cuối chợ nhẩm tính xem phải mua đồ ăn gì. Khi giá xăng tăng, tiền chi cho ăn uống trong gia đình phải cắt giảm, mỗi lần đi chợ là một lần... đau đầu.

Vợ chồng chị Thảo đều công nhân viên chức nhà nước, gia đình có năm người. Từ lâu gia đình chị phải tằn tiện trong các khoản chi tiêu: tiền thuê nhà, tiền ăn uống, chi tiêu hàng ngày… Theo chị Thảo, sau khi giá xăng tăng, giá cả ở chợ hầu như không biến động, chỉ một vài mặt hàng có “nhích” lên một ít. Nhưng vấn đề ở chỗ, giờ chị phải “xén” vào tiền thức ăn để bù cho tiền xăng xe đi lại, vì các khoản tiền bất di bất dịch như tiền nhà, điện, nước không thể bớt. Trước đây mỗi ngày, tiền mua thức ăn một ngày của gia đình chị dao động trong khoảng 85.000 - 90.000 đồng nhưng giờ giảm xuống 75.000 đồng.

Chị Thảo trình bày: “Cả nhà năm người, mỗi bữa chỉ có hơn 35.000 tiền thức ăn. Quay đi quay lại hôm nào cũng chỉ mua được vài lượng thịt, thêm mớ rau muống. Hôm nào mà lỡ mua “quá tay” thì hôm sau bị cắt phần. Trong đầu lúc nào cũng trứng-cá-đậu-thịt, ra chợ lại loay hoay chẳng biết thế nào cho đủ chứ nói gì đến chất lượng”.

Chị Thảo cũng không ngại ngần cho biết trước đây chị còn dám mua hoa quả này nọ nhưng giờ giỏi lắm cũng chỉ mua được cân củ đậu để tráng miệng cho mát ruột. Mỗi lần đi chợ quả thật là cực hình với chị. Từ một người thoải mái chị trở nên chi li, tính toán, mặc cả đến từng trăm lẻ khi đi mua hàng. “Nói thật, mình già đi vì chợ búa mất. Đi mua kỳ kèo chẳng hay tý nào nhưng với số tiền ít ỏi cho tiền ăn hàng ngày thì biết làm sao được”.
 
“Đi chợ khó hơn làm toán” - 1
Người nội trợ trở nên chi ly, kỳ kèo hơn mỗi lần ra chợ. (Ảnh: H.Nam)

Chẳng hơn gì chị Thảo, ngày nào chị Nhung ở Khu tập thể Bộ Đội biên Phòng (Mai Dịch, Cầu Giấy) cũng như muốn nổ tung đầu với bài toán… mua thức ăn gì cho bữa chiều.

“Tôm, cua, mực, thịt bò… những món lâu lắm rồi không có trong thực đơn của gia đình tôi” - chị Nhung phàn nàn. Ngay khi giá xăng tăng, chồng chị Nhung đã thông báo tiền nộp “thuế” cho vợ hàng tháng sẽ giảm đi 120.000 đồng để bù tiền xăng, rồi bản thân chị cũng phải “đốt” thêm gần từng đó tiền xăng. Ngoảnh đi ngoảnh lại cũng chỉ bớt vào tiền thức ăn hàng ngày.

“Nhiều hôm chán quá, gọi điện cho chồng nhờ anh đi chợ. Anh hỏi mua gì, tôi trả lời: “Mua gì cũng được!” Về nhà anh cáu ngay: “Hôm sau em đi mà mua, mấy chục nghìn chưa mua đã hết”, chị kể.

Chị Nhung làm phép tính: “Mua 5 lạng thịt sườn đã 35.000 đồng, thêm ít rau củ nữa là nửa trăm bạc. Đó là chưa kể tiền gạo, ga, gia vị… Nói thật, vợ chồng và hai đứa con ăn thế sao có thể gọi là đủ? Nhưng so với thu nhập của gia đình là “dôi” mất rồi!”.

Nói rồi chị Nhung lại thở dài: “Đi chợ khó hơn cả con mình làm bài tập toán. Toán khó đến mấy nhờ thầy hướng dẫn ắt sẽ giải được. Còn mình ngày nào cũng trong vòng luẩn quẩn “thịt, đậu, trứng, cá”… Có gia đình rồi mà việc ăn uống có hơn hồi sinh viên là mấy”.

Mỗi lần, mẹ chồng ở Hà Tĩnh ra thăm cháu, chị Nhung lại tranh thủ nhờ mẹ mang nào cá khô, tép, lạc… để làm thêm thức ăn cho gia đình.

Trong thời buổi “giá cao, lương thấp”, người nội trợ nào cũng trở nên khó tính, chi li hơn. Với số tiền có hạn dành cho việc ăn uống, họ phải cân lên đặt xuống sao cho bữa ăn đạt hiệu quả nhất. Những người bán hàng phải “đối mặt” với khách hàng cân, đo, đong, đếm từng đến từng đồng lẻ nên việc chợ búa càng thêm nặng nề.

Chị Bùi Thị Hoa, bán rau ở chợ Vương Thừa Vũ (Thanh Xuân, Hà Nội) than ngắn than dài: “Khách mua hàng càng ngày càng chi li. Trước đây, mình nói thế nào họ mua thế, giờ đến một cọng hành cũng mặc cả bằng được. Quả dưa chuột 800 đồng mà làm tròn 1.000 là không xong, họ phải đổi quả to hơn.

Mình cũng thông cảm phần nào vì ngay như mình đi lấy hàng giờ cũng kỳ kèo như thế. Nhưng nhiều lúc vẫn không tránh được cãi vã. Ai đời từ cọng hành, quả ớt đến mớ thơm khách đều đưa tay… “nhón” thêm”.

Hoài Nam