1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Đi buôn tiền giả

“Đi Bằng Tường chơi không sư phụ hà?”. Một người đàn ông chạy taxi không “mũ”, nói tiếng Việt sõi từng dấu, mời chào tôi đi Bằng Tường du hí với giá chỉ 40 tệ (đồng nhân dân tệ).

Tuy nhiên, khi leo lên cái xe áng chừng bằng tuổi tôi và được khuyến mãi ngay chiếc quạt tay cáu bẩn, tôi mới hiểu giá này cũng chẳng rẻ chút nào. Quanh co vài câu, tôi thử bập: “Kiếm chút tiền giả được không?”. Tay tài xế tên Ching, nheo nheo mắt nhìn tôi qua kính chiếu hậu. Vẫn trong vai khách du lịch, tôi hạ giọng: “Kiếm chút bạc giả về nước gỡ vốn đi chơi thôi, không buôn bán gì đâu.”.

Nhập vai

Ching vẫn im lặng cảnh giác. Tuy nhiên, vào đến cửa ngõ Bằng Tường gã lại đề nghị: “Ông cần nhiều không hà?”. “Mươi triệu hay hơn cũng được, nhưng hôm nay giá đổi bao nhiêu?”. Gã vẫn cảnh giác: “Tôi không biết đâu hà. Ông cứ ngồi uống nước, chờ tôi hỏi giùm cho hà.”… Thu 40 tệ cước xe cộng thêm 100 tệ công hỏi giùm, tay tài thả tôi ở cổng chợ Bằng Tường rồi dấn ga phóng mất.

Một giờ trôi qua, tôi uống hết ba chai hồng trà và đang nghĩ bị lừa 100 tệ, thì Ching bất ngờ vỗ vai tôi từ phía sau: “Ông lên xe bàn chuyện”.

Theo thông tin từ Tổng cục Cảnh sát, từ năm 2000 đến nay, chỉ riêng lực lượng công an các cấp đã phát hiện khoảng 1.500 vụ phạm tội liên quan đến tiền giả.

Còn theo Ngân hàng Nhà nước VN, số tiền giả thu vào cũng ngày càng tăng (năm 2000: 7.853 triệu đồng, năm 2003: 15.221 triệu đồng), và hiện nay các loại tiền giấy polymer hiện đại cũng đã bị làm giả.

Nhiều nguồn tin cho biết nguồn tiền giả này chủ yếu được các tổ chức tội phạm “xuất xưởng” từ Hong Kong, Đài Loan và một số tỉnh miền núi Trung Quốc. Ngoài tiền đồng VN giả, còn có cả đôla Mỹ, nhân dân tệ… bị làm giả tinh vi đến mức qua mặt được cả các loại máy soi thông thường. 

Lần này thì gã nói thẳng là có người quen biết chuyện này. Giá đổi hôm nay là 25% vì đang bị cảnh sát của cả hai bên “bố” quá. Nếu tôi muốn mua 10 triệu đồng tiền giả loại giấy bạc cũ thì phải trả 2,5 triệu đồng tiền thật. Còn mua 20 triệu đồng giả thì giảm xuống chỉ còn 4,5 triệu tiền thật. Riêng loại tiền polymer giả tôi phải trả thêm 10% nữa vì “kỹ thuật làm giả tiền mới này rất phức tạp” …

Nhìn gương mặt tôi đăm chiêu, Ching trấn an: “Ông yên tâm đi hà. Mối này giả nhưng mà giả xịn, dễ xài. Còn in ấn lem nhem thì muốn đổi tỉ lệ 15% cũng có đầy…”. Tôi hỏi lấy ở đâu thì Ching lại cảnh giác: “Thật sự tôi chỉ giới thiệu giùm thôi, không dính líu vụ này đâu hà”. Tôi mới làm ăn lần đầu, chưa đủ để đối tác tin tưởng ra mặt.

Tiền để sẵn trong một quán cà phê ở khu “chợ tình”. Tôi phải vào cái bàn cuối cùng phía bên trái. Bỏ 2,5 triệu đồng thật vào túi xốp màu đen đặt dưới gầm bàn, rồi lấy túi xốp màu vàng để sẵn bên dưới. “Bảo đảm đủ 10 triệu tiền giả “xịn”. Họ còn khuyến mãi thêm 1 triệu tạo niềm tin”. Ching nói mạnh miệng như chính gã là đối tác của tôi.

Gã tài xế cười tươi như hoa quay đầu xe với giá cước đắt gấp đôi lần đi. Còn tôi thì lại lo! Cả người bạn công an lẫn “kênh” trong giới buôn lậu biên giới đều e ngại khi biết ý đồ của tôi. Họ nói bọn buôn tiền giả hay trở mặt làm bậy khi gặp con mồi không phải là “đối tác” lâu dài, nhưng ngại nhất lại là đặc tình của cảnh sát...

Tuy nhiên, để Ching khỏi nghi ngờ, tôi vẫn ghé lại một tiệm tạp hóa, mua bao xốp đen và bỏ 2,5 triệu đồng tiền thật vào trước mặt gã. 3 giờ chiều, xe về đến Pò Chài, rảo vài vòng rồi dừng xịch trước một quán cà phê không tên ở khu “chợ tình”.

Tất cả quán xá ở đây đều buôn bán xác thịt là chính, nên tôi không khó khăn lắm để tìm thấy ngay cái bàn cuối cùng đã có sẵn gói xốp màu vàng cuộn ở dưới gầm. Chinh lùi xe ra góc phố ngồi đợi. Tôi tiến vào, nhưng chỉ ngồi ở bàn kế. “Kịch bản” được chính dân trong nghề tư vấn là trong trường hợp nào cũng không nên tiếp cận ngay mục tiêu. Nó có thể là bẫy nguy hiểm.

Cô gái mặc áo hai dây ỏn ẻn ra chào “hàng”, và hình như cũng không biết gì gói xốp vàng. Lúc này, tôi mới để ý thấy hai người đàn ông đang ngồi rỉ rả uống bia trong góc kín. Tôi lắc đầu, bước ra trong ánh mắt bực bội của cô gái.

Ching rà xe đến, ngạc nhiên thấy tôi vẫn cầm gói xốp của mình. “Để lần khác, chưa tin tưởng nhau hay sao mà mấy ổng lảng vảng kỹ quá”. Tôi làm mặt giận. Ching đòi tôi thêm 40 tệ tiền “xe chờ” và giả lả: “Cẩn thận vậy cũng hay. Lần sau có muốn cứ tìm tôi hà”…

Cả trên đường chính thức lẫn các “kênh” cửu vạn biên giới, tôi tiếp tục thử đặt vấn đề mua tiền giả ở Pò Chài, Bằng Tường và “cánh gà” các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị. Thực tế không quá phức tạp như tôi hình dung ban đầu. Thậm chí, qua một vài tên tuổi trong giới làm ăn đường biên “bảo chứng”, tôi còn được giới buôn tiền đề nghị thiết lập  “thương vụ” lâu dài.

Chuyến “hàng” đầu chúng sẵn sàng cho không, nếu tôi chứng minh khả năng tiêu thụ trót lọt thì tỉ lệ đổi thật lấy giả các chuyến sau cũng chỉ khoảng 15-25%. Ngoài lý do “chia xẻ” phần lời để tôi gầy thêm các đầu mối tiêu thụ trong nước, đó còn là chiêu cạnh tranh giữa các đường dây cung cấp tiền giả ở biên giới. Đ “bạc”, một tay buôn, kể có những vụ đường dây này “thổi lỗ tai” cho cảnh sát bắt đường dây kia …

Sa lưới

Thượng tá Vi Đình Diệm, trưởng Phòng trinh sát biên phòng Lạng Sơn, không bất ngờ khi nghe tôi đặt vấn đề mua bán tiền giả và chuyến thâm nhập thực tế của mình. “Chỉ trong năm 2004, riêng lực lượng chúng tôi đã bắt 32 vụ với 39 đối tượng và thu giữ hơn 1 tỉ đồng tiền giả. Còn sáu tháng đầu năm này cũng đã bắt được bảy vụ với hơn 135 triệu đồng”.

Đi buôn tiền giả - 1
 
  

Chỉ cần 15% tiền thật là mua được 100% tiền giả

Ông Diệm khẳng định thủ đoạn buôn bán tiền giả ở biên giới rất phức tạp, và thừa nhận không thể ước tính được số lượng lọt lưới dù biết chắc là nhiều. Theo ông, tình trạng càng đáng ngại hơn khi những người tay ngang hám lợi cũng có thể nhảy vào buôn tiền giả như buôn rau, buôn cá …

Một buổi chiều cuối năm 2004, đường biên khu Nam Quan, Lạng Sơn nhòe nhoẹt trong mưa phùn và sương mù lạnh lẽo. Một phụ nữ có gương mặt trái xoan và vóc dáng mảnh mai lầm lũi theo đường mòn từ bên Trung Quốc về lại VN. Khí sắc điềm tĩnh trên gương mặt ả đổi màu xám xịt khi những người lính biên phòng trong tổ kiểm soát cơ động của đồn Hữu Nghị bất ngờ xuất hiện.

17,2 triệu đồng tiền giả được ả giấu kín trong áo ngực và 10 đôi giày bị lôi ra nhanh chóng. Sinh năm 1973 ở Phổ Yên, Thái Nguyên, Phạm Thị Lan ngược lên Đồng Đăng, Lạng Sơn theo bạn bè đi “đánh hàng” biên giới. Lần thứ nhất, một phụ nữ Trung Quốc cho ả 100.000 đồng giả về xài thử trót lọt. Lần thứ hai, ả đổi 100.000 đồng tiền thật lấy 500.000 đồng giả, rồi lần thứ ba, thứ tư… cho đến khi bị bắt. Ả khai phải bỏ ra 3,3 triệu đồng tiền thật để mua được số tiền giả đó và nguồn cung là một “người đàn bà không rõ tên”.

Tuy nhiên, so với những kẻ buôn tiền giả biên giới khác, Lan chỉ là cò con. Gần thời điểm Lan bị bắt, Phạm Văn Thiêm, 31 tuổi từ Gia Lộc, Hải Dương, lận túi 16 triệu đồng bắt xe đi thẳng Lạng Sơn mua tiền giả. Đã từng làm cửu vạn ở đây nên rành địa bàn, gã ra khu chợ cửa khẩu Tân Thanh công khai dọ dẫm hỏi mua tiền giả. Không lâu sau, một người đàn ông khoảng 40 tuổi, chạy xe máy rà theo Thiêm và mời gã đi về phía bãi xe cửa khẩu. Thiêm ngồi sau nôn nóng: “Bán tiền giả à?”. Lúc đầu, người đàn ông lắc đầu.

Nhưng qua trò chuyện và xem giấy CMND của Thiêm, ông ta lại gật gù cho biết sẵn sàng bán 100 triệu đồng tiền giả lấy 15 triệu đồng. Thấy rẻ, Thiêm mua ngay. “Thương vụ” diễn ra trót lọt lúc 4 giờ sáng, Thiêm huýt sáo gói tiền giả vào bộ quần áo đi mưa để trở về Hải Dương thì bị biên phòng Tân Thanh phát hiện. Khi tra tay vào còng, gã vẫn còn ráng vớt vát: “Em chỉ mua tiền giả để về đi buôn vải thiều!”. Lúc này, CMND của gã cũng bị phát hiện là dỏm với hình thật, tên giả…

Theo ông Nguyễn Văn Thành, phó trưởng Phòng trinh sát biên phòng Lạng Sơn, hầu hết các vụ buôn bán tiền giả qua biên giới phát hiện được đều do một cá nhân trực tiếp vận chuyển và mắt xích điều tra thường bị đứt đoạn, nhưng cũng có một số vụ họ đã lần ra được rộng hơn.

Ngày 30/6/2004, hai con buôn Nguyễn Văn Sơn và  Hoàng Văn Tân đang ôm 149 triệu đồng tiền giả về nước theo đường mòn thì bị bắt. Sơn khai đã mua số tiền này của một  người đàn ông tên A Hồng ở bên Lũng Vài, Trung Quốc với giá 1.850 USD. Theo lời khai của Sơn, số tiền giả sẽ được đưa về TP.HCM giao cho một tay chuyên tiêu thụ tiền giả tên H. có số điện thoại là 0918871…Tay này đã đồng ý mua tiền giả từ anh em Sơn với tỉ lệ 450.000 đồng tiền thật lấy 1 triệu đồng tiền giả.

Lật lại hồ sơ những vụ nổi cộm trong thời gian gần đây, ông Thành cho biết nhiều người đã bị bắt, bị án phạt rất nặng vì tội buôn tiền giả, nhưng những kẻ khác vẫn lao vào như thiêu thân.

Theo ông, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng quan trọng nhất chính là vì giá mua tiền giả ngày càng rẻ cũng như công nghệ chế biến tiền giả ngày càng “thật” hơn. Trong khi đó những đường dây in ấn, buôn tiền giả chưa bị phá vỡ tận gốc…

Theo QUỐC VIỆT

Tuổi trẻ