Đi “buôn” ấn vua!

(Dân trí) - Đã gửi mối cho một “đường dây” mua bán “ấn vua” nên 7 giờ tối ngày 14/1 âm lịch, đoàn của anh Hùng, chủ một công ty vận tải hành khách tư nhân mới túc tắc rời khỏi Hà Nội về đền Trần, Nam Định nhận “hàng”.

Suốt dọc đường đi, anh Hùng nhận được điện thoại liên tục từ bạn bè gửi gắm mua hộ. Con số “ấn vua” mà anh Hùng đặt ban đầu là 12 đã lên đến con số gần 50. Giá ban đầu của mỗi “ấn” vua là 25.000 đồng đã bị ông chủ “đường dây” ép giá lên đến 30.000 đồng vì ly do càng gần đến thời điểm khai ấn, ấn càng khan hiếm lắm, nhà đền đóng mỏi tay cũng không kịp!

Dự lễ khai ấn Đền Trần lần đầu tiên vào năm 2005, anh Hùng phải mướt mồ hôi mới chen “cướp” được một vài “ấn” giữa biển người ào ào xô lên phía trước! Làm ăn kinh doanh quen, tỏ ra khá nhậy cảm, anh hiểu ngay rằng nếu cứ tiếp tục như vậy sẽ không ổn vì sẽ càng ngày càng có nhiều người muốn có “ấn vua” hơn nên sau đó anh đã phải vội vã tìm ngay đến nhà một người họ hàng xa ở Nam Định để nhờ đặt "mối".

Có "mối" có khác, năm nào anh cũng túc tắc về đổi “ấn” cũ, lấy “ấn” mới và thêm một thú vui khá tai quái là đứng cầm một nắm “ấn” trong tay và chứng kiến người người tranh cướp nhau mua “ấn”!
 
Đi “buôn” ấn vua! - 1

Ngộp thở xếp hàng mua "ấn vua" (Ảnh: Lê Châu)

Anh Hùng không muốn tiết lộ cho chúng tôi về người cung cấp “hàng” mà chỉ nói nhát gừng: “Nếu muốn mua hộ thì anh sẽ giúp. Anh còn phải giữ cửa lâu dài chứ!”

Cũng theo anh Hùng, "ấn vua" đó hiệu nghiệm lắm. Người làm nghề kinh doanh vận tải, điều hành hơn 300 xe ô tô lớn nhỏ các loại, ngày cũng như đêm phơi mặt trên đường như anh, có miếng “ấn” của Đức Thánh Trần như là một lá bùa hộ mệnh! Anh Hùng khẳng định như vậy. Nhưng “ấn vua” không thể mua bừa bãi ở những tay “cò” nhan nhản ở đây vì đó chỉ là ấn giả, không thiêng!

Có nhiều "ấn vua", anh dùng nó để biếu tặng cho bạn làm ăn, họ hàng. “Ấn vua" dùng để dán trước cửa nhà cũng là một “lá bùa” có tính năng trấn trạch rất “linh”!

Lễ Khai ấn đền Trần được diễn ra theo trình tự sau:

 

Từ đền Cố Trạch cách nơi cử hành lễ khoảng 200m là nơi lưu giữ con dấu, những người cao tuổi của họ Trần và người cao tuổi của làng Tức Mặc trong khăn mũ chỉnh tề dâng hương làm lễ xin con dấu rước sang đền Thiên Trường.

 

Tại trung tâm trong cung đền Thiên Trường, lễ xin khai ấn được cử hành trong không khí đặc biệt tôn nghiêm theo đạo Phật. Tiếng chuông đồng, khánh đá đồng loạt được gióng lên trong khói hương trầm nghi ngút.

 

Chủ lễ là lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định đọc lời xin được khai ấn. Sau đó, các bát son đỏ, thiệp giấy vàng được đưa ra để các cụ cao tuổi in ấn.

 

Dấu ấn đỏ in trên nền giấy vàng thể hiện một thời minh trị vững vàng được trao cho các thần dân đất Việt.

Bà Lan, nhà ở đường Trần Nhật Duật (Nam Định) thì năm nào cũng đến Đền Trần xin ấn cho con cái, cháu chắt. Bà bảo, có “ấn” của Đức Thánh Trần để dưới gối trẻ con sẽ xua đuổi hết vía dữ và trẻ em cũng mau ăn chóng lớn lắm.

Bà Lan cũng là một Phật tử thân thiết ở Đền Trần vì mùng một, ngày rằm nào bà cũng đến cũng lễ nên thân thiết với các sư sãi của nơi này lắm. “Nếu không có quan hệ như vậy, dù là “thổ dân” cũng đừng hòng có hy vọng xin được "ấn vua". Có mà giẫm đạp lên nhau cũng chắc gì đã có “ấn”! Bà Lan quả quyết.

Từ trước Tết, bà Lan đã đến đền Trần để khai tên tuổi, địa chỉ và số lượng ấn muốn xin, đặt 20.000đ/ ấn để người nhà Đền lưu lại. Sau lễ khai ấn, bà chỉ việc đến và nhận ấn của mình.

Còn việc mua ấn Đức Thánh Trần đối với nhiều người dân Nam Định thì họ thường “đặt” ở nhà một ông sư tên S. trên đường Mạc Thị Bưởi, TP.Nam Định. Đây là một nhà sư tại gia, ông lập am ngay trong nhà và ngày ngày khói hương cho Đức Phật.

Sư S. không bao giờ đặt giá cho người nhờ mua “ấn” mà luôn là lòng thành. Người đặt sư S. mua ấn thường không chỉ mua mỗi ấn mà còn mua thêm nhiều hoa quả, đồ lễ khác, nhìn chung giá của mỗi lễ không dưới 100.000đ...

Có mặt ở Đền Trần vào lúc 21h đêm ngày 14 tết (tức ngày 20/2). Phải còn 2 tiếng nữa mới đến giờ khai ấn nhưng Đền Trần đã chật ních người. Thời tiết giá rét ở khu vực này dường như biến mất. Đâu đâu cũng tiếng người cười nói râm ram giữa mù mịt hương trầm thơm ngát.

Không thấy “cò” bán ấn, cũng không có ấn giả bầy bán như vài năm trước. Hàng quán cũng gọn gàng hơn nhiều. Người ăn mày ăn xin có lẽ cũng bị chính quyền địa phương thu gom bớt nên không thấy bóng vật vờ la liệt như mọi năm.

Nhưng kẻ trộm ở đây thì vẫn là mối kinh hoàng của các Phật tử bốn phương. Chỉ trong nháy mắt, chiếc điện thoại của anh Đính, giáo viên trường Dạy nghề số 10 đã không cánh mà bay. Đâu đâu cũng thấy có người kêu la oai oái vì bị móc mất đồ...

Và sự mua ấn vẫn không khác nào cảnh cướp ấn như mọi năm. Tuy nhiên, sẽ không bao giờ nhìn thấy quan chức phải đi “cướp” ấn vì họ đều đã có nơi có chốn để gửi gắm hết rồi.

Như anh Hùng, chỉ là một chủ doanh nghiệp tư nhân mà cũng tìm được cho mình sự an toàn và "xông xênh" như vậy, huống hồ là...

Gian nan xin ấn vua ban trong chen lấn xô đẩy đến ngộp thở chỉ toàn là “dân đen”...

Không biết những "ấn vua" đó thực sự hiệu nghiệm đến thế nào. Chỉ biết rằng Lễ Khai ấn là một hoạt động văn hoá rất quý báu không chỉ của riêng người dân Nam Định. Tiếc là sau buổi lễ thiêng liêng này, chuyện đẳng cấp cũng được phân biệt rất rõ ràng trong chuyện đi “buôn” ấn vua!

Lê Châu