1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bình Định:

Dẹp nạn ăn xin, gom người lang thang, cơ nhỡ

(Dân trí) - Tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, nhất là người ăn xin xuất hiện nhiều tại TP Quy Nhơn (Bình Định), ảnh hưởng xấu đến văn minh đô thị, môi trường du lịch… Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Bình Định đã lên phương án nhằm giải quyết tình trạng trên.


Sau Tết Nguyên đán, người ăn xin xuất hiện nhiều ở TP Quy Nhơn (Bình Định)

Sau Tết Nguyên đán, người ăn xin xuất hiện nhiều ở TP Quy Nhơn (Bình Định)

UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt Đề án Giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện.

Theo UBND tỉnh Bình Định, trong 5 thực hiện giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, ăn xin trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Bình quân hàng năm có khoảng 58 đối tượng bị tập trung. Việc tập trung người lang thang ăn xin đã giảm đáng kể, số người lang thang ăn xin giảm tại các khu di tích, khu danh lam thắng cảnh, chợ, bến xe,… trên địa bàn tỉnh giảm, góp phần tạo cảnh quan môi trường văn minh, lịch sự và mỹ quan đô thị.

Tuy nhiên, do công tác tập trung người lang thang, cơ nhỡ, ăn xin chưa được thực hiện liên tục mà chỉ thực hiện các đợt cao điểm lễ hội, tết… Đối tượng lang thang, ăn xin tuy giảm song vẫn còn tồn tại. Đặc biệt, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, người ăn xin xuất hiện nhiều ở TP Quy Nhơn, vào nhà hàng, quán cà phê xin tiền du khách không chỉ ảnh hưởng đến văn minh đô thị mà còn gây tâm lý khó chịu cho khách du lịch.

Người ăn xin thường lợi dụng các lễ hội, tết để ăn xin
Người ăn xin thường lợi dụng các lễ hội, tết để ăn xin

Trong 5 năm (2011 - 2015), các ngành chức năng tỉnh Bình Định đã thực hiện 21 đợt tập trung cao điểm và tập trung thường xuyên, trong đó có 1 đợt tập trung đột xuất do UBND tỉnh Bình Định. Qua đó, các địa phương đã chuyển giao cho tỉnh 289 đối tượng (165 nam, 124 nữ, 59 trẻ em). Trong đó, đối tượng lang thang, cơ nhỡ, ăn xin là 250 người và các đối tượng khác là 39 người. Nơi cư trú, trong tỉnh 154 đối tượng, ngoài tỉnh 135 đối tượng, có 12 đối tượng tập trung 2 lần trở lên.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt Đề án Giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020.

Theo đó, Đề án đưa ra các giải pháp chủ yếu là tuyên truyền nâng cao nhận thức; Tập trung đối tượng; Thực hiện đăng ký, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, nhất là số đối tượng từ địa phương khác đến cư trú trên địa bàn; Lồng ghép thực hiện chính sách an sinh xã hội, dạy nghề, tạo việc làm và huy động sự tham gia của cộng đồng trợ giúp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội. Ngoài ra, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị các cơ sở bảo trợ xã hội. Đồng thời, thực hiện kiểm tra, giám sát, tổ chức sơ kết, tổng kết.

Mỗi sáng một cụ ông khoảng ngoài 70 đi nhiều tuyến đường phố xin tiền khách uống cà phê
Mỗi sáng một cụ ông khoảng ngoài 70 đi nhiều tuyến đường phố xin tiền khách uống cà phê
Sau buổi hành nghề cụ ông ngồi đếm tiền (ảnh chụp trưa 23/4/2016, trên đường Phạm Hùng, TP Quy Nhơn)
Sau buổi "hành nghề" cụ ông ngồi đếm tiền (ảnh chụp trưa 23/4/2016, trên đường Phạm Hùng, TP Quy Nhơn)

Việc giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn thực hiện theo quy trình từ tập trung chuyển giao đối tượng; quản lý, phân loại, chuyển đối tượng về các cơ sở bảo trợ xã hội, đến giải quyết bảo lãnh cho các đối tượng, với kinh phí sử dụng từ nguồn đảm bảo xã hội cân đối hàng năm cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), ngân sách cấp huyện, xã, từ các chương trình, kế hoạch, đề án có liên quan và huy động sự đóng góp của các đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước.

UBND tỉnh giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Đề án trên phạm vi toàn tỉnh; Tổ chức tiếp nhận đối tượng do các địa phương tập trung bàn giao về điểm tập trung của tỉnh, phối hợp với các cơ quan có liên quan lập hồ sơ phân loại và xử lý theo quy định; Kịp thời phát hiện, điều tra và phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng “chăn dắt”, tổ chức xúi dục và thuê trẻ em, người khuyết tật hoặc người già đi ăn xin để hưởng lợi. Theo dõi, tổng hợp, tổ chức sơ tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh.

Doãn Công

Dẹp nạn ăn xin, gom người lang thang, cơ nhỡ - 5