Đến “thăm” dòng kênh thối
(Dân trí) - “Nếu không phải quá nghèo khổ, không ai lại muốn để vợ con mình sống tại nơi như thế”. Nghe ông Hội đồng Khoa bức xúc, phóng viên <i>Dân trí</i> quyết định một lần đến thăm dòng kênh thối nổi tiếng của TPHCM.
Thấy tôi hỏi đường đi tới kênh Ba Bò, bác Tuấn chạy xe ôm ở ngã tư Quốc lộ 1 - tỉnh lộ 43, cho biết: “Đã lâu rồi không ai còn gọi tên đó nữa, hỏi kênh thối thì ai cũng biết. Cứ đi thẳng vào tỉnh lộ 43, nghe mùi thối thì biết gần tới”.
Đến nơi rồi, chúng tôi hiểu vì sao trong bất cứ phiên họp nào, ông Hội đồng Khoa (đại biểu HĐND Đặng Văn Khoa) cũng lớn tiếng bức xúc về kênh Ba Bò. Khi ông đưa ra những vật chứng như chiếc chuông đồng đen xì sau khi ngâm nước kênh 3 ngày, mảnh tôn gỉ sét hay những bức ảnh ô nhiễm kinh khủng…, người ta có thể nghĩ ông chọn cái xấu nhất mà trưng ra.
Trong buổi họp HĐND TP ngày 22/7, ông lại trưng ra một ổ khoá hoen gỉ đen xì và bảo nó vừa mới thay được vài tháng. Ông còn kể, đồ thờ cũng bằng đồng ở đây vừa đánh mới tinh, đem thờ ba ngày thì đen xì.
Một sáng kiến của Sở GT-VT TPHCM: dùng cống đổ đá vào bên trong làm thành hệ thống kè. Trước đó kè bằng rọ sắt và đá rất nhanh bị nước kênh ăn mòn, năm nào cũng phải thay.
Ông lo lắng: “Đồ dùng kim loại còn vậy, những lá phổi trẻ thơ sinh sống ở đó sẽ thế nào?”. Rồi ông đau lòng: “Nếu là tôi, tôi sẽ không dám để vợ con mình sinh sống ở đó. Người dân ở đó cũng không muốn vậy. Nếu không phải quá nghèo khổ, không ai lại muốn để vợ con mình sống tại nơi như thế”.
Người ta có thể vẫn nghĩ ông nói quá. Nhưng khi chứng kiến tận mắt, chúng tôi mới thấy những điều ông nói là chưa đủ. Những mảnh tôn gỉ sét mục nát, cái khoá hoen gỉ đen xì, những vật dụng kim loại bị ăn mòn cũ kỹ… ở đây đâu đâu cũng có, tạo nên một khung cảnh u ám ghê rợn. Cái mùi nồng nồng, hôi thối và không khí gay gay xung quanh đây khiến mắt tôi nóng và cay.
Bọt tung trắng xóa một đoạn kênh (không hiểu là thứ bọt gì)
Không chỉ có mùi hôi, nước bẩn… mà nguồn nước ở khu vực này cũng bị ô nhiễm trầm trọng, các giếng khoan hầu hết đều không dùng được vì nước đục và có mùi. Người dân phải đi mua nước về dùng. Vài cái giếng sâu nước còn trong và ít mùi vẫn được người dân dùng sinh hoạt, nhưng có ô nhiễm hay không thì chẳng ai biết.
Dọc dòng kênh này, 2.000 hộ dân đang sinh sống. Ông Lê Văn Lộc - Phó chủ tịch UBND quận Thủ Đức, thừa nhận: “Trong mùa khô nước rút thì khu vực ảnh hưởng chỉ có 500 hộ thôi. Nhưng nước thì đặc quánh, hôi thối, đen xì và có khi đầy màu sắc của hoá chất. Còn khi trời mưa, nước mưa hoà tan nước ô nhiễm này chảy vào nhà của cả 2.000 hộ dân”.
Bên cạnh nỗi lo về sức khỏe, sạt lở cũng là nguy cơ thường trực của bà con sống ven kênh.
Và nguy cơ kế tiếp nữa là sạt lở. Dòng kênh này ban đầu chỉ rộng 0,5m, từ lúc tiếp nhận thêm nguồn nước thải khổng lồ này, nó “mở rộng” thành 3m. Trước ít nhà thì ít nguy hiểm, nay nhà dân san sát bờ kênh, nguy cơ bị dòng kênh nuốt chửng rất lớn. Mùa mưa tháng 10/2007, gia đình bà Lê Thị Chấn bị sạt 6 căn phòng trọ và 1 gian phòng; nhà ông Đinh Văn Đằng bị sạt 1.000m2 vườn…
Vậy mà 10 năm nay, dân sống ven kênh Ba Bò kêu khản cổ mà các cơ quan chức năng đến nay vẫn còn loay hoay thiết kế dự án, loay hoay bàn tính ai làm cái gì…
Bài, ảnh: Tùng Nguyên - An Hội