TPHCM:
Đến ngày “phán quyết” số tiền 5 triệu yên
(Dân trí) - Sau khi bác đơn của nhân vật xuất hiện “phút 89” và đưa ra phương án thành lập hội đồng tư vấn để giải quyết việc trao lại tiền cho chị Hồng, thời hạn đã đến, liệu công an quận Tân Bình có đưa ra “phán quyết” cuối cùng về 5 triệu yên?
Sáng 29/5, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (36 tuổi, quê Quảng Ngãi, tạm trú phường 10, quận Tân Bình) xác nhận vẫn chưa nhận được thông báo nào từ công an quận Tân Bình xoay quanh vấn đề bàn giao lại số tiền 5 triệu yên mà chị Hồng phát hiện hơn 1 năm trước.
“Dự kiến trong hôm nay, tôi và luật sư Hà Hải (người bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ pháp lý miễn phí cho tôi) sẽ đến công an quận Tân Bình để làm rõ một số vấn đề liên quan quan đến việc trả lại số tiền 5 triệu yên cho tôi” - Chị Hồng chia sẻ.
Trước đó, chiều 18/5, công an quận Tân Bình đã bác đơn của bà Phạm Thị Ngọt (40 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) và xác định số tiền 5 triệu yên sẽ hoàn toàn thuộc về chị Hồng. Tuy nhiên, theo công an quận Tân Bình, do vụ 5 triệu yên chưa từng xảy ra nên cơ quan này gặp lúng túng trong cách xử lý. Công an quận Tân Bình cho rằng, cần lập một hội đồng tư vấn để xem xét và thảo luận hình thức và xem cơ quan nào sẽ trao trả số tiền trên cho chị Hồng, thời hạn để hội đồng tư vấn xem xét trong khoảng 10 ngày.
Dù chưa nhận được số tiền trên nhưng nhiều ngày qua chị Hồng bị khá nhiều người đến tiếp cận nhằm mục đích vay, xin tiền. Thậm chí, còn bị một người đàn ông tự xưng là giám đốc của một công ty giải pháp doanh nghiệp có trụ sở ở Hà Nội gọi điện thoại, nhắn tin để nói chị Hồng đưa toàn bộ số tiền 5 triệu yên cho ông ta.
Sau đó, người này nhờ người mang đến nhà chị Hồng bức thư kèm theo 5 triệu đồng. Trong thư nêu: “Mong chị Hồng gửi tiền cho nước Nhật để giữ thanh danh trong sạch cho người Việt Nam, không hề tham lam”.
Ông T., người trực tiếp đưa thư cho chị Hồng, khẳng định rằng mình không lừa gạt, không ép buộc mà chỉ đến nhà chị đưa thư do giám đốc một công ty có trụ sở ở Hà Nội viết và khuyên nên trả lại 5 triệu yên cho Nhật Bản.
Sáng 28/5, một phụ nữ tự nhận mình là người đã đến nơi ở của chị Hồng nhờ cầm cố sổ đỏ với số tiền 200 triệu đồng đã có cuộc trao đổi với PV Dân trí, người phụ nữ này cho rằng, do làm ăn thua lỗ, phải vay “nóng” tiền với lãi xuất “cắt cổ”. Khi thời hạn trả nợ sắp đến nên mới tìm đến chị Hồng nhờ hỗ trợ, giúp đỡ bằng việc cầm cố sổ đỏ để lấy 200 triệu đồng. “Tôi không hề có ý định lừa đảo, hay chiếm đoạt tiền của chị Hồng, chẳng qua do hoàn cảnh khó khăn đang gặp phải nên muốn nhờ sự giúp đỡ. Khi chị Hồng không đồng ý thì tôi vui vẻ ra về chứ không có ép buộc hay lợi dụng gì cả” – người này khẳng định.
Trung Kiên