Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:
Đến lúc này phải nhận thức về "mục tiêu kép" theo hướng đổi mới hoàn toàn
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, đến lúc này chúng ta phải nhận thức về "mục tiêu kép" theo hướng đổi mới hoàn toàn.
Chiều 22/7, Quốc hội thảo luận tại tổ về các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2021 và kế hoạch phát triển 5 năm 2021-2025.
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (đại biểu tỉnh Thanh Hóa) cho biết, từ năm 2020 tới nay có những biến động mạnh. Diễn biến dịch bệnh Covid-19 đã tác động rất lớn với tình huống hoàn toàn khác trước, phức tạp và khó lường hơn.
Việc giãn cách xã hội các tỉnh, thành phố vừa qua đã được Chính phủ tính toán rất kỹ lưỡng. Ở TPHCM, dù gần hết giai đoạn giãn cách nhưng khả năng sẽ phải kéo dài hơn. Trong khi đó, các cơ sở y tế đều đang trong tình trạng quá tải.
"Thành trì vững chắc, nơi tăng trưởng kinh tế là khu công nghiệp, khu chế xuất thì dịch cũng đã tấn công. Sau Bắc Giang, Bắc Ninh thì giờ là TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai. TPHCM thì có 1,6 triệu công nhân, Đồng Nai 1,2 triệu và Bình Dương có khoảng 1,2 triệu"- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói và nhận định chỉ riêng 3 địa phương phía Nam mà "vỡ trận" thì rất nguy hiểm.
Theo ông, đến lúc này chúng ta phải nhận thức về "mục tiêu kép" theo hướng đổi mới hoàn toàn. "Trước đây mục tiêu kép là đồng thời cả 2 việc, nhưng bây giờ không thể có được. Trong hoàn cảnh như ở TPHCM bây giờ chỉ ưu tiên chống dịch hay ưu tiên phát triển kinh tế"- ông nói.
Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý hàng trăm cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy và cũng đang phải căng mình ra tìm cách chống dịch Covid-19. Mới nhất, tại Trung tâm cai nghiện Bố Lá (xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) có hơn 800 người nghiện và hơn 80 cán bộ, công chức, viên chức đã có trên 500 người cho kết quả dương tính SARS-CoV-2.
"Bây giờ bảo tách ra thì giờ họ là F1 nhưng không biết ngày mai có là F0 không. Vì thế nên nhận thức về mục tiêu kép bây giờ phải khác, phải chấp nhận tốc độ phát triển chậm lại, hi sinh một phần kinh tế để mà chống dịch vì an toàn sức khỏe của người lao động"- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ quan điểm.
Ông cho rằng muốn phát triển kinh tế tốt thì chỉ có cách sống chung với dịch, phải miễn dịch cộng đồng và do đó buộc phải có chiến lược vắc xin. Vừa qua nhiều người nói sao không cho doanh nghiệp A, doanh nghiệp B mua vắc xin, nhưng thực tế không có doanh nghiệp nào mua nổi.
"Tất cả các hãng vắc xin trên thế giới đều đi tới thống nhất với nhau chỉ hợp tác với Chính phủ. Hợp tác ở đây là hợp tác không có điều kiện. Hiện đã đặt mua được 140 triệu liều của các hãng khác nhau rồi nhưng phải chấp nhận những tình huống vô cùng khó, có những cái phải vượt luật, bởi vì sử dụng trong tình huống cấp bách, đặc biệt"- ông Dung thông tin.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dự báo trong bối cảnh dịch dã như thế này chúng ta không thể đạt được miễn dịch cộng đồng trong năm 2021.
Đề nghị phân phối nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp
Theo đại biểu Lê Thanh Vân (tỉnh Cà Mau), nếu nước ta đạt được miễn dịch cộng đồng 60-70% thì yên tâm phát triển kinh tế, nhưng đến giờ đang phải căng mình ra chống dịch. Vì vậy phương hướng, kế hoạch từ nay đến cuối năm 2021 chỉ là câu chuyện xoay quanh chuyện dập dịch.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) thì đưa ra hai mặt sáng - tối của bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 mà ông băn khoăn: Trong điều kiện dịch bệnh một số ngành công nghiệp, nông nghiệp có mức tăng trưởng tốt nhưng ngành dịch vụ lại tăng trưởng âm. Cán cân xuất nhập khẩu bắt đầu thâm hụt. Có 67.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm nhưng kèm theo đó là hơn 70.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Các thông tin cho hay những tháng đầu năm 2021 đại dịch tác động tới 80% doanh nghiệp nhưng nhiều doanh nghiệp khác niêm yết trên thị trường chứng khoán lại có lợi nhuận cao…
Ông Hiếu cho rằng tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 này rất khác so với những lần khác. Từ đó ông đề nghị phân phối nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp thực sự cần thiết và có thể sống sót được, không dành nguồn lực cho các doanh nghiệp đương nhiên rút khỏi thị trường, dù không có đại dịch Covid-19 xảy ra vẫn không thể sống nổi.
Ngoài ra, cần cân nhắc miễn thuế VAT cho các doanh nghiệp đang thực hiện "3 cùng" tại các nhà máy, xí nghiệp. "Tôi đề nghị, năm 2021 không nên ban hành bất kể quy định nào khiến tăng chi phí của doanh nghiệp. Thậm chí là tạm dừng một số chi phí không cần thiết như lắp camera cho xe kinh doanh vận tải"- vị đại biểu đề xuất.