DNews

Đến bao giờ người miền Tây hết cảnh bị các dòng sông "đói khát" đẩy đuổi?

Nhóm phóng viên ĐBSCL

(Dân trí) - Đập tay vào cánh cửa nhà, bà Phú bảo rằng: "Cả ngày lẫn đêm, cửa cứ phải mở để có gì còn vọt lẹ".

Đến bao giờ người miền Tây hết cảnh bị các dòng sông "đói khát" đẩy đuổi?

Khi mất lượng phù sa, tài nguyên cát bị vơ vét cạn kiệt, các dòng sông bị bào mòn nghiêm trọng, làm thay đổi dòng chảy, lòng sông sâu hơn, tạo ra hiện tượng "sông khát, nước đói" - phù sa phải xâm thực bờ sông - Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp - nguyên Ủy viên Chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), phân tích trong bài viết gửi Báo điện tử Dân trí, về thực trạng sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng ở nhiều tỉnh miền Tây.

Nước đói và chạy lở

Từ đầu tháng 6 đến nay, 7 căn nhà cặp bờ Cái Sắn (An Giang) bị nghiêng ra lòng rạch, trong đó có nhà bà Phú bị nghiêng nặng nhất. 65 tuổi, lớn lên bên sông, già đi cũng bên sông, chưa bao giờ bà Phú thấy lo như bây giờ.

Năm ngoái dãy nhà cách mấy trăm mét đã đổ xuống rạch Cái Sắn, có lẽ năm nay đến dãy nhà của bà Phú và hàng xóm. Chỉ chờ sáng ngày, lão bà lại xách ghế ra hiên ngồi, bà không dám ở trong nhà vì sợ nhà sập.

"Hồi hộp lắm. Đêm cũng hồi hộp đâu ngủ được, giường ngủ ngày càng nghiêng, khi nào cũng lo nhà sập".

Đến bao giờ người miền Tây hết cảnh bị các dòng sông đói khát đẩy đuổi? - 1

Bà Phú bên căn nhà bị nghiêng xuống lòng sông (Ảnh: Nguyễn Cường).

Miền Tây liên tục xảy ra các vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, khiến người dân phải "chạy lở". Có nơi, chính quyền buộc phải cưỡng chế di dời để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản người dân. Nhưng các vụ sạt lở vẫn đang diễn ra nghiêm trọng…

Cuối tháng 5 vừa qua, liên tiếp 5 vụ sạt lở xảy ra ở hai tỉnh đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp khiến nhiều nhà dân, xí nghiệp sụp xuống sông. Tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, chỉ trong 2 ngày đã xảy ra 3 vụ sạt lở. Liên tục những ngày đầu tháng 6, các vụ sạt lở ở Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu gây thiệt hại nghiêm trọng. 

Nguyên nhân sạt lở được nhận diện từ tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đặc biệt là sự thiếu hụt lượng phù sa, cát sỏi lòng sông do việc xây đập thủy điện và chuyển nước dòng chính Mekong của các quốc gia đầu nguồn, tạo ra các tác động tiêu cực xuyên biên giới làm thay đổi sự ổn định theo quy luật tự nhiên ngàn đời nay của sông Mekong.

Bên cạnh đó còn có nguyên nhân nội tại, việc quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước, tình trạng cát tặc lộng hành, khai thác quá mức mạch nước ngầm và những lỗ hổng trong quản lý. Trên hết là hệ quả của những tác động tích lũy, liên hoàn, cộng hưởng từ các tác động tiêu cực nêu trên gây ra.

Đến bao giờ người miền Tây hết cảnh bị các dòng sông đói khát đẩy đuổi? - 2

Các tàu chở cát di chuyển dày đặc trên sông Hậu - ngày giữa tháng 5/2023 (Ảnh: Nguyễn Cường).

Khi mất lượng phù sa, tài nguyên cát bị vơ vét cạn kiệt, các dòng sông bị bào mòn nghiêm trọng, làm thay đổi dòng chảy, lòng sông sâu hơn, tạo ra hiện tượng "sông khát, nước đói" phù sa, phải xâm thực bờ sông. Khi hệ sinh thái nước bị mất cân bằng, cần được nhận diện với sự tiếp cận đa ngành, tăng cường phối hợp liên ngành.

Cần một chiến lược tổng thể "cân bằng nước", nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý, sử dụng tài nguyên nước bền vững. Soát xét lại không gian phát triển các khu, cụm công nghiệp, dân cư, đô thị ven sông tạo gánh nặng bờ sông. Thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và tiêu dùng nước theo hướng phát triển nền công nghiệp xanh, nông nghiệp sạch đang là đòi hỏi bức bách.

Người dân đồng bằng phải thay đổi tập quán sống ôm sát bờ sông

Sạt lở bờ sông, bờ biển là tình huống thiên tai. Khi nó xảy ra cần phải hành động khẩn cấp. Tuy nhiên, không thể chỉ trông cậy vào các biện pháp khẩn cấp tạm thời như sạt lở đến đâu di dời đến đó, mà cần chủ động phòng ngừa.

Vấn đề sạt lở ở ĐBSCL cần được tiếp cận hệ thống chứ không thể quanh quẩn tại các điểm sạt lở, hay trong ranh giới hành chính một xã, một huyện, một tỉnh. Ứng phó sạt lở, rất cần các giải pháp công trình, nhưng quan trọng hơn, lâu dài hơn vẫn là các giải pháp phi công trình.

Đến bao giờ người miền Tây hết cảnh bị các dòng sông đói khát đẩy đuổi? - 3

Hiện trường vụ sạt lở bờ sông Trà Ôn - đoạn qua ấp Tích Lộc, xã Tích Thiện (Trà Ôn, Vĩnh Long) xảy ra đêm 15/6, nhấn chìm 4 ngôi nhà (Ảnh: Nguyễn Cường).

Nghị quyết 120/NQ-CP về thích ứng Biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết, xác định nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương là ưu tiên giải quyết vấn đề sạt lở bờ biển, bờ sông và sụt lún đất trong vùng; triển khai quy hoạch, thiết kế các dự án cần đầu tư quy mô lớn ở giai đoạn tiếp theo nhằm triển khai các mô hình kinh tế - xã hội của vùng một cách bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Vấn đề là việc tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình hành động này.

Cần một "bản đồ tư duy" ứng phó sạt lở trước khi vẽ ra bản đồ sạt lở. Một công trình có thể tiêu tốn nhiều tiền là cần thiết, nhưng cũng có thể gây lãng phí nếu không được tiếp cận bằng tư duy hệ thống. Bản đồ tư duy không chỉ vẽ ra chuỗi thông tin mà còn dựng lên cấu trúc tổng thể vấn đề với mức độ quan trọng của những phần riêng lẻ trong đó đối với nhau liên hoàn - mà hiện tượng sạt lở chỉ là một chỉ dấu.

Giải pháp dài hạn là phải xây dựng kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu cho mỗi địa phương và cả vùng ĐBSCL; rà soát lại quy hoạch xây dựng, giao thông, thủy lợi để có những điều chỉnh hợp lý, đảm bảo sự an toàn về nhà ở cho người dân và các công trình xây dựng.

Đến bao giờ người miền Tây hết cảnh bị các dòng sông đói khát đẩy đuổi? - 4

Một dãy nhà ôm sát bờ sông bị sạt lở đầu tháng 6/2023 tại Vĩnh Long (Ảnh: Nguyễn Cường).

Người dân đồng bằng phải thay đổi tập quán sống ôm sát bờ sông. Sự tập trung các điểm dân cư đông đúc sát bờ gây tác động quá tải đến khả năng chịu lực của nền địa chất tại chỗ. Luật Tài nguyên nước và các nghị định đã quy định rất cụ thể về hành lang bảo vệ nguồn nước, nhưng trong phần lớn vụ sạt lở vừa qua, các quy định này bị phá vỡ.

Thay vì "mất bò mới lo làm chuồng", sạt lở rồi mới di dời, chính quyền các địa phương có thể rà soát các điểm nguy cơ cao và quy hoạch lại các cộng đồng dân cư, tạo hành lang an toàn cho bờ sông. Nếu chỉ dừng lại ở các giải pháp tạm thời, người dân miền Tây sẽ không bao giờ hết cảnh bị đuổi bởi các dòng sông "đói khát".

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp

Mời quý độc giả đọc các bài liên quan:

Bài 1: Miền Tây sạt lở khắp nơi, "hà bá" nuốt chửng hàng trăm nhà dân ven sông

Bài 2: Cuộc sống ở nơi một tiếng cót két… làm cả xóm giật mình