Đến 2040, Thành phố Thủ Đức 5 năm mới ngập 1 lần (?)
(Dân trí) - Thành phố Thủ Đức sẽ dành 1/10 diện tích làm công viên, trong đó 30% diện tích công viên sẽ trở thành hồ điều tiết. Đến năm 2040, đảm bảo chống ngập tần suất 80% - 5 năm mới xảy ra ngập 1 lần.
Tại Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa XI diễn ra ngày 16/10, ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM (Đoàn đại biểu khối Dân - Chính - Đảng TP) - trình bày báo cáo tham luận: "Phát triển Thành phố Thủ Đức - Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố giai đoạn 2020-2035".
Theo Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc, UBND TP chỉ đạo xây dựng Đề án “Hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố”, tiến hành song song với công tác nghiên cứu lập quy hoạch không gian đô thị.
Khu vực phía Đông thành phố bao gồm: Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.000 ha (khoảng 10% diện tích TPHCM) và quy mô dân số hơn 1 triệu người (chiếm 12% tổng dân số TPHCM). Hiện nay, khu vực này đang sở hữu nhiều thế mạnh nổi trội.
Trong đó, Khu công nghệ cao tại Quận 9 và khu Đại học Quốc gia TPHCM tại quận Thủ Đức có vị trí chủ đạo, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố.
Ngoài ra, khu vực đã cơ bản hình thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc tại Quận 2 với chức năng chính là trung tâm thương mại - tài chính quốc tế, dịch vụ và dân cư hiện đại.
Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao sẽ trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của thành phố và khu vực dựa trên nền tảng phát triển mũi nhọn là nền kinh tế tri thức và hợp tác phát triển.
Bằng cách phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, TPHCM sẽ hình thành được nguồn nhân lực tiên tiến, tăng cường kết nối để tạo cơ hội mới, cân bằng phát triển và môi trường thiên nhiên. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, xã hội và quản lý nhà nước hướng đến thành lập thành phố phía Đông (thành phố Thủ Đức).
Về mục tiêu đóng góp phát triển kinh tế, Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông sẽ có 20.000 việc làm trình độ cử nhân, kỹ sư và chuyên gia cho giai đoạn 2020-2025, giai đoạn 2025-2030 là 50.000 và giai đoạn 2030-2040 là 150.000 việc làm.
Trong khi đó, dân số cư trú sẽ đạt mức 1,5 triệu người vào năm 2030, đạt mức 1,9 triệu người vào năm 2040 và đạt mức 3 triệu người vào năm 2060. Quy hoạch đô thị sẽ tính toán cho mức dân số tối đa để chuẩn bị cho nhu cầu tương lai.
Tại Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, giao thông công cộng cần đáp ứng 50% - 60% nhu cầu đi lại; mạng lưới đường trục chính đô thị cần hoàn thiện với khoảng cách giữa các tuyến đường từ 4-6 km.
Đáng chú ý, 10% diện tích Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố sẽ là công viên. Trong đó, 30% diện tích công viên sẽ trở thành hồ điều hòa để giảm rủi ro ngập (tương đương 630ha đất làm hồ điều hòa).
"Đến năm 2040, đảm bảo chống ngập tới tần suất 80%, tức 5 năm mới xảy ra ngập 1 lần", ông Nhã nói.
Theo Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc, TPHCM xác định các trung tâm đổi mới sáng tạo gồm: Khu đô thị mới Thủ Thiêm - Trung tâm công nghệ tài chính; Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc - Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Khu công nghệ cao - Trung tâm sản xuất tự động hóa và Khu công viên khoa học; Khu Đại học Quốc gia thành phố - Trung tâm công nghệ thông tin và công nghệ giáo dục; Khu Tam Đa, Long Phước - Trung tâm công nghệ sinh thái; Khu Trường Thọ - Đô thị tương lai; Trung tâm kết nối giao thông Vùng Đông Nam Bộ, Khu cảng quốc tế Cát Lái; Trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Trước đó, chiều 12/10, HĐND TPHCM đã tổ chức kỳ họp thứ 21 (kỳ họp chuyên đề). Các đại biểu có mặt tại kỳ họp đã biểu quyết đồng ý thông qua chủ trương thành lập một đơn vị hành chính mới từ việc sáp nhập 3 quận (2, 9 và Thủ Đức) và thống nhất tên gọi cho đơn vị hành chính mới này là TP Thủ Đức.
Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, sau khi được HĐND thông qua, UBND TP sẽ hoàn chỉnh lại đề án, trình ra Bộ Nội vụ để lập hội đồng thẩm định đề án. Sau đó, Chính phủ sẽ cho ý kiến và nếu được thống nhất đề án sẽ được báo cáo với Ủy ban Tư pháp Quốc hội và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua.