Đem tiền tỷ đổ xuống sông
(Dân trí) - Tính toán ban đầu cho thấy, có khoảng 50 tỷ đồng đã bị mất đi từ sự cố Cửa Đạt. Cho đến giờ này, từ ban quản lý dự án đến đơn vị tư vấn thiết kế đều nói nguyên nhân sự cố là do trời, do tần suất lũ vượt quá tiêu chuẩn thiết kế. Cách trả lời như vậy có hợp lý không?
Duyệt phương án PCLB vào cuối mùa lụt bão
Xét tờ trình của Ban quản lý Đầu tư và xây dựng thuỷ lợi 3 xin phê duyệt phương án và dự toán phòng chống lụt bão (PCLB) năm 2007, ngày 28/9/2007, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ra quyết định (số 3182) phê duyệt phương án và dự toán phòng chống lụt bão năm 2007 cho công trình đầu mối Cửa Đạt.
Theo quyết định này, trong phương án phòng chống lụt bão sẽ bố trí nhân lực, chuẩn bị thiết bị, vật tư sẵn sàng xử lý chống sạt lở mái đập, xói bề mặt đập khi lũ tràn qua (đoạn 210m đắp dở đến cao trình 50) nhằm đảm bảo an toàn công trình trong quá trình lũ đến và sau mỗi trận lũ để sẵn sàng ứng cứu cho các trận lũ tiếp có thể xảy ra trong năm.
Dưới góc nhìn khoa học, một cán bộ thuỷ lợi cho rằng, phương án PCLB của Bộ NN&PTNT đối với công trình Cửa Đạt là có vấn đề. Ông phân tích, thông thường mùa mưa lũ của các tỉnh Bắc Bộ kết thúc vào tháng 9 trong năm. Đối với các tỉnh Bắc Trung Bộ (trong đó có Thanh Hoá), mùa mưa lũ tuy kéo dài hơn nhưng đến tháng 11 cũng đã kết thúc mùa lũ. Với quyết định PCLB được ký ngày 28/9/2007 cho công trình Cửa Đạt, NN&PTNT đã quá chậm, vì trên thực tế, quyết định này chỉ có hiệu lực vào… cuối mùa lũ.
Nhiều người tỏ ý nghi ngờ rằng, tại sao mãi đến cơn bão số 5 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống nhân dân thì Bộ NN&PTNT mới ban hành quyết định 3182 (ngày 28/9) để lên phương án PCLB cho công trình Cửa Đạt? Có phải đây là cách “chống cháy” của bộ này trước nguy cơ con đập hàng nghìn tỷ đồng sẽ bị cuốn trôi trong trận lũ này?
Và trên thực tế, cách “chống cháy” của Bộ NN&PTN bằng quyết định 3182 cũng không thể hiện được hiệu quả gì. Sau khi quyết định có hiệu lực đúng một tuần (quyết định 3182 ký ngày 28/9/2007), thì đến ngày 5/10/2007, một phần đập Cửa Đạt đã bị nước cuốn trôi.
Lường trước hậu quả, nhưng vẫn đổ tiền vào làm?
Trong công trình Cửa Đạt, bài toán về kỹ thuật cũng như bài toán về mức độ thiệt hại cũng được các bên liên quan phân tích một cách nghiêm túc.
Đã có hai phương án dẫn dòng được đưa ra để các bên liên quan tham khảo, cuối cùng thì phương án dẫn dòng qua một đường ngầm, phần nước còn lại cho chảy qua đập tràn của đơn vị tư vấn thiết kế (nhiệm vụ này do Cty Tư vấn xây dựng thuỷ lợi Việt Nam - HEC, đảm nhiệm) đã được duyệt (gọi là phương án 2).
Lý giải của ông Hoàng Minh Dũng, Tổng giám đốc HEC cho rằng, nếu lựa chọn phương án dẫn dòng thứ nhất (tức dẫn dòng qua hai đường ngầm) thì kinh phí sẽ tăng thêm 370 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức độ thiệt hại của cả công trình sẽ thật sự nghiêm trọng nếu xảy ra sự cố. “Chúng tôi đã chọn phương án dẫn dòng thứ hai, vừa tiết kiệm được chi phí, nhưng nếu khi xảy ra sự cố thì mức độ thiệt hại cũng thấp hơn”, ông Dũng phân tích.
Tại cuộc họp ngày 11/4/2007 do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân chủ trì, thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Ngọc Thuật cũng đã “chấp nhận” rủi ro với phương án dẫn dòng đưa ra, ông Thuật cho rằng phương án dẫn dòng phải bảo vệ mái phía trước an toàn, còn phần gia cố phía sau chắc chắn sẽ bị hư hỏng khi dẫn dòng nhưng ở mức độ không lớn, sau mùa lũ có thể khắc phục.
Và như vậy, bản thân đơn vị thiết kế cũng như Bộ NN&PTNT đã không chắc chắn lắm với phương án dẫn dòng của mình, ở một góc độ nào đó họ đã tiên liệu được nguy cơ xấu có thể xảy ra với mặt đập cho cả hai phương án. Tuy nhiên, bỏ qua những điều đó, tiền vẫn được “rót” xuống công trường để tiếp tục thi công cho kịp tiến độ, bất chấp các giả định ban đầu. Và giả định này trên thực tế đã xảy ra. Đau lòng hơn, điều “giả” này đã đưa ra một con số “thật: 50 tỷ đồng đã bị mất, đó là phần thiệt hại của sự cố tại đập Cửa Đạt.
Câu hỏi đặt ra là ai phải chịu trách nhiệm cho 50 tỷ đồng tại công trình Cửa Đạt đã trôi theo dòng sông Chu? Liệu người dân có dễ dàng đồng ý với cách lý giải của các đơn vị liên quan khi họ nói rằng sự cố này là do “trời”?
Trần Hưng