1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhật ký ngày giải phóng Sài Gòn:

Đêm đầu tiên Sài Gòn giải phóng, trai gái vẫn đi dạo trên vườn hoa...

(Dân trí) - "Tôi cũng không hiểu nổi làm sao người dân Sài Gòn chuẩn bị cờ đỏ sao vàng nhanh và nhiều đến thế. Cờ ở trên ban công, trên cánh cửa, nơi công sở và cả trên tay trai gái trên đường...".

Nhà văn Nguyễn Trọng Luân, cựu lính trinh sát Trung đoàn 64, Sư đoàn 320A, người từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - Xuân 1975 và vinh dự tiến vào Dinh Độc Lập trong trận đánh cuối cùng ngày 30/4/1975, đã viết những dòng nhật ký về những ngày tháng lịch sử không thể nào quên.

Đêm đầu tiên Sài Gòn giải phóng, trai gái vẫn đi dạo trên vườn hoa... - 1

Chiến sĩ trinh sát Nguyễn Trọng Luân nói chuyện với học sinh trường cấp 3 Lê Quý Đôn, quận 1, Sài Gòn ngày đầu giải phóng.

 
29 tháng 4
 
Trời đã bàng bạc đằng đông, đúng lúc phía Đồng Dù tấn công thì đồng loạt DKZ, cối 82, cối 120 ở đồng Tân Phú phát hỏa. Ngay loạt DK đầu tiên, 6 khẩu cùng bắn đồn cảnh sát cầu Bông sập hoàn toàn. Bộ binh D9 và đặc công 198 vận động dưới tầm pháo xông lên đánh cầu. Cho tới 9 giờ sáng thì cầu Bông đã về tay quân giải phóng.
 
Phía ấp Chợ, các lô cốt kiên cố bắn trả dữ dội. Quân ta không tiến lên được. Bộ binh nằm trên đồng trống bị thương vong hơn hai mươi người.
 
Tình hình trở nên căng thẳng. Tiểu đoàn lệnh trinh sát và thông tin xuất kích. Ngô Thịnh dẫn thằng Phương, thằng Tiến lao ra hướng C6. Từ phía chợ, thằng Thuận (người Đông Lao, Hoài Đức) bị đạn thẳng xiên vào cổ đang bò ra cánh đồng. Tôi châm điếu thuốc Rubi cài vào mồm cho nó rồi bò ra trận địa hướng C7.
 
Đạn từ 3 lô cốt táng dữ dội vào trận địa 12,7 của C16. Mấy thằng C16 dạt ra. Thằng Khuất Duy Hoan C7 chồm lên, ôm 12,7 ly vừa bắn vừa chửi. Được củng cố tinh thần, thằng Hòa người Cao Bang thị xã Phú Thọ bật dậy bắn liền 2 phát B41 rồi ôm khẩu trung liên từ tay một liệt sĩ bắn xối xả. Đúng lúc ấy nó trúng đạn gục xuống bên khẩu trung liên còn nóng bỏng.
 
Đại đội 7 xung phong ra phía chợ, chui vào ngóc ngách nhà dân ném lựu đạn ra đường. Trận đánh giằng dai tới 11 giờ trưa thì có tiếng xe tăng chạy ầm ầm từ phía Củ Chi về Sài Gòn. Bộ binh quay ra bắn xe tăng, 2 chiếc bốc cháy đâm sầm vào trường tiểu học Tân Phú. Đúng lúc ấy xe tăng quân ta đuổi tới nơi. Bộ binh ta thấy xe tăng cờ đỏ sướng quá rối rít chỉ lô cốt cho họ bắn. Ba lô cốt nổ tung. Ngót trăm thằng từ trận địa bên kia đường bấy giờ mới kéo ra hàng.
 
Lúc ấy là 12 giờ trưa ngày 29/4. Lúc này D9 và bộ đội E198 đã chiếm cầu Bông. Cả đoàn xe địch không còn đường nào chạy, tàn quân địch chừng ba chục xe tăng thiết giáp không dám lên cầu Bông chạy bổ nhào xuống đồng lúa Tân Phú Trung ngay phía sở chỉ huy tiểu đoàn tôi. Vài cái trực thăng chúi xuống đồng lúa để cứu những sĩ quan bị pháo 37 ta bắn rớt ngay xuống giữa đồng lúa.
 
Trên đường số 1, pháo ta hạ nòng bắn thẳng vào đoàn xe tăng. Cả đồng lúa biến thành biển lửa. Cứ điểm án ngữ cuối cùng đã mở toang. Xe tăng, pháo binh, bộ binh của các đơn vị ào ào xông vào thành phố.
 
Trời oi nồng vì nắng, vì bom, vì lửa. Tiểu đoàn phải để lại hơn ba chục tử sĩ và năm chục thương binh. Các mẹ các chị trong làng đổ ra lo khâm liệm và chôn cất những người hi sinh ngay phía trong chợ Tân Phú Trung. Cho tới đầu những năm 90 họ đã được quy tập về An Nhơn Tây.
 
Trong số những người hi sinh có một người trúng đạn vào phút cuối cùng của trận đánh là trợ lý tham mưu tên Măng người Thái Bình. Măng chết lúc đang giương khẩu chống tăng của địch để bắn xe tăng địch.
 
Cũng ở trận địa này, trong trận Mậu Thân 1968, sư đoàn 9 đã hi sinh hàng chục người mà hồi đó người dân Củ Chi đã lập miếu thờ ven đường. Trong miếu thờ đó, ba chiến sĩ C6 của chúng tôi hôm nay cũng nằm lại.
 
Chiều hôm ấy Trung đoàn 64 dừng lại ở Hóc Môn. Lính ta nấu cơm ăn ngay trên hè phố.
 
Đêm 29/4 chúng tôi nhằm hướng Sài Gòn hành quân. Phía trước đã có Sư đoàn 10 thọc sâu đang triển khai chiến đấu. Lính ta hành quân rạo rực nghĩ đến ngày về với mẹ cha sắp đến nơi rồi.
 
0 giờ 30 tháng 4
 
Chúng tôi tạt vào làng Tân Thới Nhì ngủ lại. Năm giờ sáng đang nấu cơm chưa kịp ăn thì có lệnh: Tất cả mọi đơn vị, bằng mọi giá, bằng mọi phương tiện, xốc thẳng vào Dinh Độc Lập.
 
Thế là lao ra đường, chặn xe của dân, huy động cả xe lam, cả máy cầy, xe đò…. mạnh đại đội nào đại đội nấy tìm đường tiến. Vào giờ phút ấy, khắp các ngả đường làng mạc quanh Sài Gòn đâu cũng thấy quân giải phóng. Gương mặt người lính đi đánh trận mà giãn ra tươi như đi hội. Quân phục đã được thay mới, cờ giải phóng, phù hiệu giải phóng, băng tay xanh đỏ trùng trùng điệp điệp. Con đường vào thành phố đầy rẫy lô cốt ụ súng bằng bao cát, thùng phuy cửa kẽm gai ngăn ra từng đoạn.
 
Tiểu đội trinh sát 5 thằng leo lên một cái xe lam. Người lái xe mặt xanh như tàu lá. Ông ta nói không biết đường vô Dinh Độc Lập. Tôi giở bản đồ và nói to: "Tôi biết đường". Xe chạy. Chúng tôi cứ nhè đường tắt mà chạy. Xe nhỏ luồn lách tốt nên vượt xa đội hình tiểu đoàn.
 
Tới ngã tư Bảy Hiền, trong khói đạn đơn vị bạn đang thu thập tử sĩ, chúng tôi rẽ ra Lăng Cha Cả. Ở đây một trận đánh dữ dội đã diễn ra. Trung đoàn xe tăng của ta cháy mất 3 chiếc ở đây. Chúng tôi len lỏi trong xe cháy xe hỏng vượt cầu Trương Minh Giảng tiến tới đường Phan Đình Phùng thì bị chặn lại bằng hàng loạt đạn đại liên từ trên một tháp nước từ phố Trần Quý Cáp bắn xuống. Cả tiểu đội lăn ào xuống đường dùng AK bắn tới tấp về cái tháp nước có khẩu đại liên (chỗ đó bây giờ là khách sạn 14 Võ Văn Tần).
 
Mười một giờ trưa, tiểu đoàn rải quân dọc bộ dân vận chiêu hồi. Tiểu đoàn 9 tiến đánh loạt lô cốt phía tây Dinh Độc Lập. Bộ đội D8 hạ cối 82 ngay trên đường phố. Một chiếc xe deep kính vỡ toe toét chạy lên. Nhìn ra thì là anh Thủy. Cậu liên lạc từ trên xe hét lên rối rít: "Đừng bắn nữa!".
 
Bỗng cả khung trời vỡ òa tiếng reo hò. Hóa ra là Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Hàng ngàn người nhẩy lên, ôm nhau trong nước mắt. Đường phố Sài Gòn dồn nén bao lâu bỗng nhiên ùa ra toàn những cờ đỏ sao vàng. Bỗng chốc thành phố là một bức tranh xanh đỏ. Những hàng phượng vĩ trổ hoa đầu mùa đỏ thắm, cờ đỏ thắm, dưới nền trời quân phục xanh. Một biển người mừng đến ngơ ngác. Bỗng chốc con người lơ mơ hụt hẫng giữa không gian mới lạ, mới lạ ngay cả với người đã sống ở đây từ bao năm.
 
Vào giờ phút ấy, lính ngụy trong thành phố còn đông hơn cả dân ngoài đường. Họ trút bỏ hết quần áo lính mặc quần cụt ngồi la liệt ở vỉa hè, vườn hoa, bến cảng. Những cặp mắt thất thần nhìn quân giải phóng chiến thắng. Chẳng ai để ý đến họ, đội quân đã mất sức chiến đấu, không còn phiên hiệu tơi tả khắp đô thành.
 
Đường phố ngổn ngang quân trang quân dụng mang nhãn hiệu Mỹ, xe pháo của Mỹ đứng bất động, chỉ có quân giải phóng là hân hoan, mắt nói miệng nói…
 
Thời gian như ngừng trôi và không gian trở nên chật hẹp. Tôi có cảm giác mình đang sống trong mơ, một giấc mơ huy hoàng và kỳ vỹ. Bao ngày chiến đấu trên rừng núi Tây nguyên, trong tâm trí chưa bao giờ dám nghĩ rằng có ngày mình nhìn thấy đô thành Sài Gòn. Vậy mà hôm nay tôi đã đứng giữa thành phố với tư thế của một người chiến thắng.
 
Chiều 30 tháng 4
 
Dân Sài Gòn kéo ra đường, vây kín khu vực Dinh Độc Lập. Họ đi xem quân giải phóng, họ đi tìm chồng, tìm con ở cả hai phía. Cái sự tìm người thân ấy còn kéo dài cho tới vài chục năm sau, nhưng nó bắt đầu từ chiều hôm nay.
 
Tôi cũng không hiểu nổi làm sao người dân Sài Gòn chuẩn bị cờ đỏ sao vàng nhanh và nhiều đến thế. Cờ ở trên ban công, trên cánh cửa, nơi công sở và cả trên tay trai gái trên đường.
 
Đêm đầu tiên giải phóng Sài Gòn, điện vẫn lung linh sáng và người ta vẫn đi dạo phía vườn hoa.
 
Mười một giờ đêm 30 tháng 4
 
Tôi đứng trên sân thượng nhà cố vấn Mỹ góc đường Phan Đình Phùng nhìn ra phía cảng. Tiếng còi tàu tu tu. Bình yên quá! Trời đầy sao. Gió từ cửa sông thổi vào mát rượi. Thành phố tinh khôi trong màn đêm lung linh như chưa hề có chiến tranh.
 
Đêm đầu tiên Sài Gòn giải phóng, trai gái vẫn đi dạo trên vườn hoa... - 2

Cựu chiến binh - nhà văn Nguyễn Trọng Luân viếng mộ liệt sĩ là bạn chiến đấu cùng quê xã Đan Hà, huyện Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ), hy sinh ngày 29/4/1975 trên đường tiến vào giải phóng Sài Gòn, an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Củ Chi - TPHCM.

Trong tôi ký ức về ngày hôm qua còn nóng hổi, nhưng bàn chân thì vẫn râm ran ngứa vì những vết nứt nẻ hành quân. Chúng tôi về thành phố để lại sau lưng bao nấm mồ đồng đội đang lạnh lẽo nơi rừng sâu, nơi đồng vắng. Để lại hàng ngàn ngày đói cơm thiếu thuốc trên cao nguyên. Bỏ lại những cơn sốt rừng tê tái gặm nhấm đời trẻ trai. Để lại những cánh rừng nương rẫy mà mình đã chai tay vun trồng nên khoai nên sắn.
 
Phút giây huy hoàng này có ai nhớ không những bản làng xa xăm chốn Sa Thầy Pô Cô, có những già làng đóng khố nhịn cơm đưa đường năm trước? Ai còn nhớ tới lời hò hẹn quay về nơi đã cưu mang mình, đã vực dậy trong lòng chiến sĩ niềm tin?
 
Nguyễn Trọng Luân
Cựu chiến binh Sư đoàn 320A