1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Đề xuất tước bằng lái vĩnh viễn với tài xế vi phạm đặc biệt nguy hiểm

(Dân trí) - Liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 46 về xử lý hành chính vi phạm giao thông, Ban soạn thảo đề xuất tăng thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX), có thể tước vĩnh viễn GPLX đối với những hành vi vi phạm có mức độ và tính chất đặc biệt nguy hiểm.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, diễn ra tại Hà Nội, sáng 10/4.

Đề xuất tước bằng lái vĩnh viễn với tài xế vi phạm đặc biệt nguy hiểm - 1
Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ, sáng 10/4.

Hiện nay, thời hạn tước quyền sử dụng GPLX được quy định cụ thể tại Khoản 3, Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Thời hạn tước GPLX, chứng chỉ hành nghề, thời hạn đình chỉ hoạt động từ 1-24 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành. Người có thẩm quyền xử phạt, giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Tuy nhiên, Ban soạn thảo sửa đội Nghị định 46 cho rằng, trên thực tế một số hành vi vi phạm quy tắc giao thông như vi phạm về nồng độ cồn, điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm quy định về giao thông trên đường cao tốc... có tính chất, mức độ vô cùng nguy hiểm, khả năng gây tai nạn giao thông (TNGT) với hậu quả rất nghiêm trọng. Việc quy định hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng GPLX từ 4-6 tháng hoặc 22-24 tháng là chưa đủ sức răn đe.

Ban soạn thảo Nghị định 46 đề xuất: “Tăng thời hạn tước quyền sử dụng GPLX, có thể tước quyền sử dụng GPLX vĩnh viễn đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có mức độ, tính chất đặc biệt nguy hiểm, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước.”.

Ở góc độ là cơ quan thực thi quy định xử lý vi phạm, trao đổi với PV Dân trí, Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an - nêu quan điểm: “GPLX là giấy phép hành nghề, chỉ thực hiện tước vĩnh viễn khi Luật quy định. Đây là quyền lao động của mỗi con người. CSGT phải căn cứ theo Luật, quy định như thế nào phải thực hiện như thế.

Những đề xuất được đưa ra cần phải tính tới hiệu ứng của xã hội, người dân có đồng tình hay không, việc đó có phù hợp với Luật hay không, có ảnh hưởng như thế nào tới đời sống của người lao động... phải đánh giá trên nhiều khía cạnh”.

Đề cập tới việc các lái xe sử dụng ma tuý gây tai nạn thảm khốc thời gian qua, theo Phó Cục trưởng Cục CSGT cần phải có những chế tài mạnh để xử lý nghiêm, vì đây là những trường hợp vi phạm gây tác động rất lớn tới dư luận xã hội, tác động nghiêm trọng tới an toàn giao thông.

Tuy nhiên, với việc tước GPLX vĩnh viễn đối với các lái xe sử dụng ma tuý, lãnh đạo Cục CSGT cho rằng phải căn cứ theo Luật, bởi khi gây TNGT chết người thì người vi phạm đã bị tòa án tuyên phạt và tước quyền công dân, sau đó là cấm hành nghề trong thời hạn nhất định đối với họ. Luật hiện hành không quy định tước GPLX vĩnh viễn, vì vậy việc áp dụng sửa đổi trong Nghị định 46 là khó khả thi.

Đề xuất tước bằng lái vĩnh viễn với tài xế vi phạm đặc biệt nguy hiểm - 2
Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an

“Chế tài xử lý vi phạm nặng hay nhẹ không quan trọng bằng ý thức thượng tôn pháp luật. Người vi phạm sử dụng rượu bia, lái xe gây tai nạn chết người thừa biết rằng sẽ phải đi tù, nhưng họ vẫn không sợ, vậy thì phạt hành chính 5 triệu đồng, 10 triệu đồng hay 20 triệu đồng cũng không phải là vấn đề người vi phạm quan tâm.

Ở đây, quan trọng nhất người thực thi công vụ cần phải xử lý nghiêm khi phát hiện vi phạm và mỗi người tham gia giao thông cần phải nhận thức được rằng uống rượu mà lái xe là rất nguy hiểm, sẽ bị xử lý hành chính và mức cao nhất là xử lý hình sự.” - Thiếu tướng Lê Xuân Đức nhấn mạnh.

Một vấn đề khác được đề cập tại Hội nghị là các hành vi vi phạm thường xuyên xảy ra có mức phạt rất cao, vượt quá thẩm quyền xử phạt của Giám đốc Công an tỉnh, Chánh Thanh tra Sở, Trưởng phòng CSGT cấp tỉnh, dẫn tới tình trạng phải chuyển hồ sơ vi phạm lên cấp có thẩm quyền để ra quyết định xử phạt, làm chậm và phát sinh khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý vi phạm.

Để giải quyết vấn đề nói trên, trong sửa đổi Nghị định 46 lần này, Ban soạn thảo đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm hành chính lên tối đa, từ 40 triệu đồng lên 80 triệu đồng đối với cá nhân, đồng thời điều chỉnh tỉ lệ % phạt tiền so với mức phạt tối đa của các chức danh...

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm