Đề xuất tiếp tục sử dụng hộp đen không hợp quy
(Dân trí) - Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp tục cho sử dụng hộp đen không còn phù hợp với tiêu chuẩn của Bộ GTVT trong một thời gian nhất định để tránh lãng phí hoặc cho phép nâng cấp thiết bị để đạt yêu cầu.
Như tin đã đưa, theo Nghị định số 91/2009/NĐ-CP, phương tiện vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) là một trong những điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Yêu cầu trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô phải có hợp đồng và bản nghiệm thu việc lắp thiết bị này trên phương tiện vận tải.
Theo Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT), đến ngày 22/6, đã có 4 doanh nghiệp cung cấp thiết bị hộp đen được cấp giấy chứng nhận hợp quy của Bộ GTVT.
Một vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp vận tải lo lắng hiện nay là “số phận” của những thiết bị mà các doanh nghiệp này lắp đặt nhưng nay không còn phù hợp với tiêu chuẩn của Bộ GTVT đặt ra. Ông Hùng cho hay, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã chính thức có văn bản kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục cho sử dụng thiết bị này trong một thời gian nhất định để tránh lãng phí hoặc có thể cho phép nâng cấp thiết bị để đạt yêu cầu.
Ông Đào Thanh Anh - Giám đốc Công ty Điện Tử Bình Anh, đơn vị sản xuất thiết bị hộp đen đầu tiên được cấp giấy chứng nhận hợp quy vào ngày 17/6 vừa qua, cho biết: “Hiện nay chúng tôi đã cung cấp gần 10.000 thiết bị ra thị trường cho một số khách hàng như: Transerco, Mai Linh, Hoàng Long, Hoàng Hà, Cổ phần xe khách Hà Nội, xe khách Bắc Giang…. Trong số này có khoảng 25% thuộc diện phải lắp thiết bị hộp đen.
Ngày 24/6, ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho biết: “Tổng cục vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện quy định bắt buộc lắp thiết bị này khi cấp giấy phép kinh doanh vận tải.
Hiện nay, nhiều địa phương đang vận dụng những cách khác nhau khi cấp giấy phép kinh doanh nên cần phải có sự thống nhất trong cách hiểu để thực hiện. Đối với các thiết bị đã lắp đặt trước đây, chưa có giấy chứng nhận hợp qui thì các doanh nghiệp vận tải cần có phương án để nâng cấp, kiểm chuẩn và có giấy chứng nhận hợp qui theo đúng qui định.”
Trước khó khăn của các doanh nghiệp vận tải khi phải đầu tư và duy trì hệ thống máy chủ và bản đồ số, ông Đào Thanh Anh cho hay, đến nay, hầu hết các doanh nghiệp lắp thiết bị này đều chọn phương án thuê dịch vụ máy chủ. Khách hàng chỉ cần trả tiền hàng năm cho mỗi xe chứ không phải tốn kém đầu tư nhân lực quản trị, duy trì, bảo mật, bảo hành, bảo trì, nâng cấp sao lưu định kỳ…
“Mô hình này phù hợp với mọi doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp chỉ có 1 xe đến vài nghìn xe, bởi vậy các doanh nghiệp vận tải vừa và nhỏ đã không còn phải lo lắng.” - ông Thanh Anh nói.
Tố Linh