Đề xuất thêm cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng phát triển
(Dân trí) - Bộ Tư pháp đang thẩm định đề xuất bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng phát triển.
Theo hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 144/2016 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng đang được Bộ Tư pháp thẩm định, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng luôn ở mức cao so với bình quân của cả nước (trong giai đoạn 2016-2018 bình quân 9,8%), khẳng định vị thế đầu tàu và động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.
Để thành phố Đà Nẵng phát triển, trong thời gian qua Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển Đà Nẵng và 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW/2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đã chỉ ra rằng trước bối cảnh thách thức của yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của quá trình hội nhập cạnh tranh quốc tế thì còn có một số hạn chế như cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng chậm được ban hành, một số rào cản, vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời…
Vì thế, dự thảo nghị định đã đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 Nghị định 144 như sau: "Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ quỹ dự trữ tài chính của Thành phố, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật ngân sách nhà nước".
Giải thích việc này, Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì soạn thảo) cho rằng, Luật ngân sách nhà nước quy định mức dư nợ vay của Đà Nẵng không quá 30% thu ngân sách được hưởng theo phân cấp. Sau khi xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2016 quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng, theo đó quy định mức dư nợ vay của thành phố không quá 40% thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.
Việc đề xuất nâng mức dư nợ vay từ 40% lên 60% nhằm tạo điều kiện cho Đà Nẵng có thêm nguồn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng do nguồn cân đối từ ngân sách chưa đáp ứng yêu cầu, không phải trả lãi khi được vay từ quỹ dự trữ tài chính của thành phố. Đồng thời huy động vốn đầy đủ, kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách; đảm bảo an toàn, bền vững nợ công với việc tăng mức dư nợ vay của thành phố được kiểm soát trong giới hạn trần nợ công cả nước…
Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 9 Nghị định số 144: "Căn cứ Quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu, Chương trình phát triển đô thị được duyệt, UBND thành phố quyết định Khu vực phát triển đô thị trên địa bàn thành phố, sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Căn cứ Quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu, Chương trình phát triển đô thị được duyệt, UBND thành phố quyết định cụ thể những khu vực được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được phê duyệt, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai; định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng".
Theo Bộ Tài chính, quy trình hiện hành tốn nhiều thời gian để thực hiện và chỉ cần thiết đối với các tỉnh, thành không có quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt. Do đó, cần phải tăng cường phân cấp cho Đà Nẵng nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục theo quy định.
Về đầu tư cụm công nghiệp từ nguồn ngân sách thành phố, dự thảo đề xuất bổ sung quy định: "Hội đồng nhân dân thành phố được xem xét, quyết định đầu tư cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng từ nguồn ngân sách thành phố trong trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo quy định hiện hành. Tổ chức sự nghiệp công lập được giao làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp thì được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án, được cho thuê lại đất sau khi đã đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp".
Thành phố Đà Nẵng không thuộc địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn; tuy nhiên, thành phố với tính chất đô thị hầu như toàn bộ (trừ huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa) nên phần lớn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hoạt động xen lẫn trong khu dân cư, khu đô thị ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.
"Do đó việc đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố để xây dựng các cụm công nghiệp tạo quỹ đất để di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường là hết sức bức thiết hiện nay. Đồng thời tạo điều kiện ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố"- Bộ Tài chính nêu lý do.