Đề xuất quyền hạn của Chủ tịch TP Hải Phòng theo mô hình chính quyền đô thị
(Dân trí) - Bộ Nội vụ đề xuất Chủ tịch UBND TP Hải Phòng được thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức mô hình chính quyền đô thị TP Hải Phòng.
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị TP Hải Phòng vừa được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.
Dự thảo đề xuất Chủ tịch UBND TP Hải Phòng được thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.
Thứ nhất, quyết định thành lập, tổ chức lại hoặc giải thể cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận (chuyển từ nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận).
Thứ hai, quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận phù hợp với hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và các văn bản khác có liên quan (chuyển từ nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận).
Thứ ba, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ công tác Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận (chuyển từ nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận).
Thứ tư, đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND quận; đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của HĐND quận ban hành trước thời điểm thực hiện nghị quyết này.
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng còn được ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan hành chính khác, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể.
Việc ủy quyền phải bằng văn bản và quy định rõ trách nhiệm của người ủy quyền và người được ủy quyền, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.
Trong khi đó, HĐND TP Hải Phòng được đề xuất có thẩm quyền quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình, trong đó bao gồm dự toán ngân sách của chính quyền quận; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết theo thẩm quyền.
HĐND TP Hải Phòng cũng có thể lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND TP đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức. Trường hợp có từ 2/3 tổng số đại biểu HĐND trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì HĐND TP đề nghị Chủ tịch UBND TP Hải Phòng xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Thời hạn, thời điểm, trình tự lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận ở Hải Phòng được thực hiện theo quy định của Quốc hội.
Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu đến năm 2030 Hải Phòng có 9 quận gồm 7 quận hiện nay (Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An, Đồ Sơn, Kiến An, Dương Kinh), hai quận mới (An Dương, Kiến Thụy), một thành phố loại 3 là Thủy Nguyên (trên cơ sở huyện Thủy Nguyên) và 5 huyện An Lão, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Bạch Long Vỹ, Cát Hải.
Sau năm 2030, các huyện An Lão, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng sẽ được xây dựng thành thị xã, huyện Cát Hải thành quận biển đảo.
Đề nghị xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn
Bộ Nội vụ phân tích, việc thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng bắt đầu từ nhiệm kỳ 2026-2031. Do vậy để có thời gian chuẩn bị các công việc chuẩn bị tổ chức bầu cử đại biểu HĐND các cấp của Hải Phòng
nhiệm kỳ 2026-2031, nhất là chuẩn bị Đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 tại đây, Bộ Nội vụ đề nghị Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho áp dụng xây dựng dự thảo nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn; bổ sung dự thảo Nghị quyết vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024.