TP Thủy Nguyên thuộc Hải Phòng có không quá 4 Phó Chủ tịch UBND
(Dân trí) - UBND TP Thủy Nguyên thuộc TP Hải Phòng có không quá 4 Phó Chủ tịch. Thường trực HĐND TP Thủy Nguyên gồm Chủ tịch HĐND, không quá hai Phó Chủ tịch HĐND và các ủy viên là trưởng ban của HĐND.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với UBND TP Hải Phòng vừa hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị TP Hải Phòng.
Tại dự thảo vừa được công khai lấy ý kiến, Bộ Nội vụ đã đề xuất mô hình tổ chức của TP Thủy Nguyên thuộc Hải Phòng.
Trong đó, HĐND TP Thủy Nguyên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật liên quan và một số nhiệm vụ, quyền hạn về quyết định dự toán thu ngân sách, quyết định chủ trương đầu tư, giám sát hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND phường trực thuộc.
Thường trực HĐND TP Thủy Nguyên gồm Chủ tịch HĐND, không quá hai Phó Chủ tịch HĐND và các ủy viên là trưởng ban của HĐND TP Thủy Nguyên.
Chủ tịch HĐND TP Thủy Nguyên có thể là đại biểu HĐND TP hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch HĐND là đại biểu HĐND TP hoạt động chuyên trách.
Các Ban HĐND TP Thủy Nguyên gồm Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - xã hội, Ban Đô thị.
Dự thảo đề xuất Chủ tịch UBND TP Thủy Nguyên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan.
Chủ tịch UBND TP Thủy Nguyên có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ công tác Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường trực thuộc; tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức làm việc tại UBND phường trực thuộc theo quy định pháp luật.
Chủ tịch UBND TP Thủy Nguyên cũng có quyền đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND phường trực thuộc; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp của các phòng chuyên môn thuộc UBND TP Thủy Nguyên.
UBND TP Thủy Nguyên có thể trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các phòng cho phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước ở thành phố.
Cơ cấu tổ chức UBND TP Thủy Nguyên gồm: Chủ tịch, các phó chủ tịch và các ủy viên. Ủy viên UBND TP Thủy Nguyên gồm các ủy viên là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP, ủy viên phụ trách quân sự, ủy viên phụ trách công an.
UBND TP Thủy Nguyên có không quá 4 Phó Chủ tịch. Phó Chủ tịch giúp Chủ tịch UBND TP Thủy Nguyên thực hiện các công việc theo phân công và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP Thủy Nguyên.
Trước đó, tháng 12/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định phê duyệt Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch đề ra mục tiêu, đến năm 2030 Hải Phòng có 9 quận gồm 7 quận hiện nay (Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An, Đồ Sơn, Kiến An, Dương Kinh), hai quận mới (An Dương, Kiến Thụy), một thành phố loại 3 là Thủy Nguyên (trên cơ sở huyện Thủy Nguyên) và 5 huyện An Lão, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Bạch Long Vỹ, Cát Hải.
Sau năm 2030, các huyện An Lão, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng sẽ được xây dựng thành thị xã, huyện Cát Hải thành quận biển đảo.
Huyện Thủy Nguyên có diện tích hơn 26.000ha, hiện có dân số và diện tích lớn nhất TP Hải Phòng với 35 xã, 2 thị trấn, khoảng 334.000 người.
Thủy Nguyên định hướng trở thành đô thị loại 3 vào năm 2025, đô thị loại 2 vào năm 2035, đạt tiêu chí phát triển xanh - thông minh.
Đề xuất tổ chức chính quyền đô thị tại Hải Phòng không cần thí điểm
Hải Phòng là đô thị loại I cấp quốc gia, thành phố cảng, trọng điểm kinh tế biển của cả nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, Hải Phòng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, phát triển chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng và lợi thế.
Theo Bộ Nội vụ, hiện nay mô hình tổ chức chính quyền đô thị đang được thực hiện tại TPHCM theo các Nghị quyết của Quốc hội. Hà Nội và Đà Nẵng đang thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị theo các Nghị quyết của Quốc hội nhưng đã được cấp có thẩm quyền quyết định áp dụng chính thức (Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô sửa đổi và Nghị quyết 136/2024 tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng).
Do đó, Bộ Nội vụ đề nghị thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng mà không cần thí điểm và đề xuất tên gọi của Nghị quyết của Quốc hội là "Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng"