Đề xuất Quỹ phòng chống thiên tai Trung ương có vốn điều lệ 500 tỷ đồng
(Dân trí) - Vốn điều lệ Quỹ phòng chống thiên tai Trung ương là 500 tỷ đồng do ngân sách Trung ương cấp. Quỹ còn có nguồn tài chính từ hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân...
Theo hồ sơ dự thảo Nghị định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai đang được Bộ Tư pháp thẩm định, đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập để hỗ trợ cho công tác phòng, chống thiên tai, bao gồm Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh do UBND cấp tỉnh quản lý.
Vốn điều lệ của Quỹ phòng chống thiên tai Trung ương là 500.000.000.000 đồng (năm trăm tỷ đồng) do ngân sách Trung ương cấp. Ngoài ra, Quỹ còn có nguồn tài chính từ hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; điều tiết từ Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh và các nguồn hợp pháp khác.
Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Tên giao dịch quốc tế của Quỹ Trung ương là Vietnam Disaster Management Fund, viết tắt là VNDMF.
Quỹ ở Trung ương sẽ chi cho các hoạt động cứu trợ, hỗ trợ các hoạt động ứng phó thiên tai khẩn cấp khi vượt quá khả năng ứng phó của địa phương; hỗ trợ đầu tư, sửa chữa các công trình, nhà chống lũ, bão và một số loại hình thiên tai khác cho người dân và các công trình phòng, chống thiên tai.
Đồng thời hỗ trợ các hoạt động thông tin, truyền thông, đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức phòng chống thiên tai cho người dân; hỗ trợ các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai cho các địa phương chịu thiệt hại bởi thiên tai vượt quá khả năng khắc phục của địa phương và hỗ trợ, trợ cấp đột xuất cho các nạn nhân, gia đình nạn nhân và người trực tiếp tham gia phòng, chống thiên tai bị thiệt hại do thiên tai…
Hàng năm, thông tin về hoạt động của Quỹ phòng chống thiên tai Trung ương được trao đổi với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật và phải công bố trên trang thông tin điện tử và tại trụ sở chính của Cơ quan quản lý Quỹ Trung ương.
Việc thành lập quỹ là cần thiết
Tờ trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam là 1 trong 5 nước bị tổn thương lớn nhất của biến đổi khí hậu. Khi thiên tai xảy ra, Việt Nam nhận được nhiều hỗ trợ nhân đạo, phi Chính phủ từ quốc tế thông qua Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai nhưng chưa có cơ chế quy định cụ thể việc tiếp nhận và phân bổ kịp thời cho các địa phương sử dụng.
Ví dụ như năm 2016, các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ 16,2 triệu USD cho các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn. Trên cơ sở được Chính phủ giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải xây dựng dự án ODA để tiếp nhận nên mất 2 năm mới triển khai được hoạt động này.
Năm 2017, gặp khó khăn trong việc tiếp nhận viện trợ của Tổng thống Nga Putin hỗ trợ 520 tấn hàng hóa (tương đương 2,71 triệu USD và 5 triệu USD) để khắc phục hậu quả của bão Damrey gây ra.
"Hiện nay, nguồn lực để hỗ trợ ngay cho các địa phương chịu ảnh hưởng thiên tai nghiêm trọng (nhất là các địa phương có nguồn thu thấp, khu vực miền núi) chưa đáp ứng được nhu cầu. Do vậy, việc xây dựng, ban hành Nghị định về thành lập và quản lý Quỹ phòng chống thiên tai, trong có bao gồm các quy định về Quỹ phòng chống thiên tai Trung ương là cần thiết"- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay.
Đối tượng được miễn đóng góp
Theo dự thảo nghị định, nguồn tài chính của Quỹ phòng chống thiên tai cấp tỉnh được bổ sung theo đúng quy định, bao gồm hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; đóng góp bắt buộc của các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn; công dân từ đủ 18 tuổi đến tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường theo quy định của pháp luật về lao động; điều tiết từ Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương và các nguồn hợp pháp khác.
Mức đóng góp bắt buộc của công chức, viên chức, hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức và người lao động trong các doanh nghiệp đã được điểu chỉnh giảm 50% so với mức đóng góp quy định tại Nghị định số 94/2014 của Chính phủ.
Đối tượng được miễn đóng góp gồm người hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; quân nhân làm nghĩa vụ trong lực lượng vũ trang, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân đang hưởng phụ cấp sinh hoạt phí; sinh viên, học sinh đang theo học tập trung, dài hạn tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, Dạy nghề; người khuyết tật hoặc bị suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; người mắc bệnh hiểm nghèo hoặc mắc bệnh tâm thần có chứng nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên; người đang trong giai đoạn thất nghiệp hoặc không có việc làm từ 6 tháng trong 1 năm trở lên; người lao động nữ đang nghỉ việc để hưởng chế độ thai sản khi sinh con,…