1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đề xuất người nước ngoài được mua nhà biệt thự

(Dân trí) - Bổ sung quy định cho phép việt kiều được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở như cá nhân trong nước, còn với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì mở rộng loại nhà được sở hữu sang cả nhà biệt thự và nhà ở riêng lẻ…

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý đã được Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi trong Luật Nhà ở hiện hành để trình Quốc hội thông qua. Theo đó, để không chồng chéo với Luật Đất đai, Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến sẽ bỏ các quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, thay vào đó bổ sung các quy định có liên quan đến việc công nhận quyền sở hữu nhà ở, quy định về quyền sở hữu nhà ở riêng lẻ, quyền sở hữu nhà chung cư…
 
Đề xuất người nước ngoài được mua nhà biệt thự
Luật nhà ở được đề xuất sửa đổi theo hướng tạo cơ chế thoáng cho việt kiều và người nước ngoài (ảnh minh họa)

Về phát triển nhà ở, Bộ Xây dựng đề nghị bổ sung quy định yêu cầu UBND các tỉnh phải lập Kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm, 5 năm cũng như dài hạn để có cơ sở và nguồn lực cho việc phát triển nhà ở, tránh hiện tượng đầu tư tràn lan, không theo quy hoạch, kế hoạch, gây mất cân đối cung – cầu nhà ở.

Bên cạnh đó, Luật nhà ở cần có quy định cụ thể về điều kiện để chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở, về hình thức lựa chọn chủ đầu tư và thẩm quyền quyết định lựa chọn chủ đầu tư, tránh hiện tượng xin-cho dự án như hiện nay.

Đối với phát triển nhà ở xã hội, Bộ dự kiến bỏ quy định về tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội để giao cho Chính phủ hướng dẫn cho phù hợp với từng thời kỳ, đồng thời bổ sung thêm các quy định như: hình thức xây dựng nhà ở xã hội để bán, đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, các cơ chế ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, quy định cụ thể các chế ưu đãi đối với chủ đầu tư xây dựng bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước; quản lý giá thuê, giá mua, thuê mua…

Về tài chính cho phát triển nhà ở, đây là nội dung mới dự kiến đưa thành một chương riêng trong Luật Nhà ở sửa đổi. Trong chương này, Bộ Xây dựng dự kiến sẽ quy định các nội dung như: các tổ chức cung cấp tài chính cho phát triển nhà ở, các hình thức huy động tài chính cho phát triển nhà ở, các nguồn vốn cho phát triển đối với từng loại nhà ở (nhà ở thương mại, nhà ở xó hội, nhà ở tái định cư...), về việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở tại các địa phương, về thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở…

Về các giao dịch về nhà ở, sẽ có thêm một số hình thức giao dịch như: chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở, góp vốn bằng nhà ở, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai…

Về nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Bộ Xây dựng đề nghị gộp nội dung của Luật số 34/2009/QH12 và Nghị quyết số 19/2008/QH12 vào Luật Nhà ở (sửa đổi).

Đồng thời, Bộ này đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến các đối tượng này theo hướng: Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì bổ sung quy định cho phép họ được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở để xây dựng nhà ở như cá nhân trong nước. Còn đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì quy định mở rộng đối tượng, điều kiện được sở hữu nhà ở, mở rộng loại nhà được sở hữu, mở rộng quyền được mua nhà ở từ chỉ được mua căn hộ sang được mua cả nhà biệt thự và nhà ở riêng lẻ…

Theo thống kê, so với năm 1999 thì hiện nay diện tích nhà ở của cả nước đã tăng hơn gấp 2 lần (từ hơn 709 triệu m2 lên khoảng 1,6 tỷ m2), diện tích nhà ở bình quân đầu người cũng tăng gấp đôi (từ 9,68m2 lờn 19m2). Hiện cả nước có khoảng hơn 3.700 dự án nhà ở, khu đô thị mới đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng với hơn 90.100 ha.

Lan Hương