Đề xuất lập tuyến buýt trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai

(Dân trí) - Mạng lưới xe buýt chạy xuyên suốt 5 tỉnh thành có cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua vừa được Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đề xuất thiết lập nhằm phục vụ người thu nhập thấp đi trên tuyến.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai
 
Theo đó, VEC đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai có phương án bố trí các trạm dừng đỗ trên đường cao tốc Nội Bài -Lào Cai.

Ông Lê Kim Thành - Phó Tổng giám đốc VEC cho biết, dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai vốn vay Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) là công trình trọng điểm quốc gia, với chiều dài 245km đi qua các thành phố Hà Nội, các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai với mục đích chính lòa xóa đói giảm nghèo, đảm bảo các yêu cầu an sinh xã hội cho các vùng sâu, vùng xa và phục vụ cho người dân có thu nhập thấp. Tuy nhiên, do đặc thù của đường cao tốc, xe máy và các loại xe thô sơ không được phép lưu thông trên đường.

Trên cơ sở đó, VEC đề nghị các tỉnh và thành phố có tuyến cao tốc đi qua nghiên cứu tính toán thiết lập các tuyến xe buýt tại các điểm vào, ra trên các tuyến chính nối vào tuyến đường này để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.

Hiện tại, trên toàn tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai (giai đoạn I) có 12 nút giao thông liên thông khác mức để kết nối đường cao tốc với các trục đường chính, các khu công nghiệp và các địa bàn đông dân cư.

Hiện có 2 gói thầu trên tuyến đã thông xe và đưa vào khai thác là A1 đoạn Nội Bài-Vĩnh Phúc và gói A8 thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai, cuối tháng 3 này gói A2 qua tỉnh Vĩnh Phúc cũng sẽ thông xe kỹ thuật. Dự kiến, đến tháng 6 năm nay toàn tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai sẽ được thông xe.

Dự án cao tốc Nội Bài-Lào Cai có tổng chiều dài là 245km, được chia làm 8 gói thầu xây lắp (từ A1-A8) với tổng mức đầu tư là 1,249 tỷ USD. Khi hoàn thành dự án góp phần thực hiện thành công thoả thuận cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Trung Quốc về xây dựng, phát triển hai hành lang một vành đai kinh tế trọng điểm, bao gồm: Hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Hành lang Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng; Vành đai kinh tế duyên hải vịnh Bắc bộ. Dự án còn tạo sự kết nối các trung tâm kinh tế, các khu công nghiệp và tạo động lực cho công tác khai thác du lịch của các tỉnh thành có tuyến cao tốc đi qua.

Tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thuộc hành lang đường bộ Côn Minh-Hải Phòng, nằm trong chương trình hợp tác giữa 6 nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông là Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc.

Châu Như Quỳnh