1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đề xuất lập đơn vị chống tham nhũng chuyên trách trong cơ quan thanh tra

(Dân trí) - Thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, nhiều ý kiến cho rằng nên nghiên cứu thành lập đơn vị chống tham nhũng chuyên trách trong cơ quan thanh tra các bộ, thanh tra tỉnh.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng vừa chủ trì buổi làm việc cùng đại diện Bộ Tư pháp và các đơn vị liên quan để bàn bạc kế hoạch xây dựng thể chế năm 2015 của Thanh tra Chính phủ; trong đó trọng tâm là việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) và Luật Thanh tra.​

Đại diện Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ, cho rằng việc sớm sửa đổi, bổ sung Luật PCTN năm 2005 (đã sửa đổi, bổ sung vào các năm 2007 và 2012) và Luật Thanh tra năm 2004 (đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 2010) là hết sức cần thiết. Trong đó đặc biệt chú ý tới việc sửa đổi các quy định liên quan đến việc công khai, minh bạch tài sản, thu nhập còn mang tính dàn trải; quy định về việc tặng quà, nhận quà tặng chưa phát huy tác dụng trên thực tế, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng còn bất cập.

Nhiều đại biểu đồng tình cho rằng biện pháp xử lý sau kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm cần cụ thể. Nên bổ sung quy định về thẩm quyền khởi tố và điều tra ban đầu cho cơ quan thanh tra và kiểm toán…

Đề xuất lập đơn vị chống tham nhũng chuyên trách trong cơ quan thanh tra
Quý 4/2014 đã có 8 người đứng đầu bị kỷ luật hành chính, xử lý hình sự vì để xảy ra hành vi tham nhũng.

Đồng ý với việc sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật PCTN, đại diện Bộ Tư pháp, Văn Phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội lưu ý Thanh tra Chính phủ cân nhắc về thời gian, tên hồ sơ trình Chính phủ để tránh việc phải xin ý kiến nhiều lần; vai trò của người dân và báo chí cũng cần được chú trọng hơn nữa trong luật để nâng cao hiệu quả PCTN.

Đối với việc sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, nhiều ý kiến cho rằng cần phải tăng thẩm quyền cho người đứng đầu cơ quan thanh tra trong việc chỉ đạo phối hợp hoạt động giữa thanh tra các bộ, ngành, địa phương cũng như việc xử lý sau thanh tra. Thậm chí, có thể nghiên cứu thành lập đơn vị chống tham nhũng chuyên trách trong cơ quan Thanh tra Chính phủ, thanh tra bộ, thanh tra tỉnh; quy định về phối kết hợp giữa thanh tra với cấp ủy, ủy ban kiểm tra trong Luật Thanh tra để tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý tổ chức Đảng, Đảng viên vi phạm; giao thẩm quyền ký kết luận thanh tra cho cục trưởng, vụ trưởng và trưởng đoàn thanh tra…

Như Dân trí đã phản ánh, Thanh tra Chính phủ vừa có văn bản báo cáo Chính phủ về công tác PCTN quý 4/2014. Theo đó, các cấp, ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 1.708 cán bộ, công chức, viên chức tại nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước. Ở các bộ ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan đã có 8 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng. Trong đó, 6 người bị xử lý kỷ luật hành chính và 2 người bị xử lý kỷ luật hình sự. Cơ quan điều tra trong công an nhân dân đã thụ lý điều tra 176 vụ việc với 431 bị can phạm tội về tham nhũng. Đến nay, cơ quan cảnh sát điều tra kết luận điều tra, đề nghị truy tố 48 vụ với 122 bị can.  

Ngoài ra, qua thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ quan chức năng phát hiện 11 vụ việc với 26 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng. Các cơ quan nhà nước tiến hành tự kiểm tra nội bộ cũng phát hiện 20 vụ việc, 52 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng.

Thế Kha