1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đề xuất không tổ chức thi cử vào ngày Giáng sinh, Phật đản

(Dân trí) - Đại biểu Võ Thị Dung cho biết, nhiều chức sắc tôn giáo đề nghị không tổ chức thi cử vào ngày lễ Giáng sinh, Phật Đản…hàng năm để tạo điều kiện cho công tác hành lễ được thực hiện trang nghiêm. Đồng thời, nhiều đại biểu cũng góp ý, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu bằng các biện pháp hành chính vào các vấn đề nội bộ tôn giáo.

Góp ý kiến thảo luận về dự thảo luật Tín ngưỡng tôn giáo tại Quốc hội chiều 20/11, đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) cho rằng, quan điểm của Đảng, Nhà nước coi các sinh hoạt tôn giáo là nhu cầu của nhân dân và Hiến pháp quy định rõ phải bảo hộ và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng. Do vậy trong thực tế cũng cần được thể hiện một cách cụ thể.

Bà Dung lấy ví dụ, kỳ Lễ Giáng sinh của đồng bào theo đạo Công giáo rơi vào cuối năm nhưng thời điểm đó trong ngành giáo dục, các trường học lại thường tổ chức thi học kỳ I.

Theo đó, nhiều chức sắc tôn giáo đề xuất Đảng, Nhà nước quan tâm tạo điều kiện để ngày lễ Giáng sinh (25/12) không phải là ngày thi cử, tương tự với ngày Lễ Phật đản hàng năm. Cần tạo điều kiện để các nghi lễ được thực hiện trang nghiêm.

Đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) - ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) - ảnh: Quochoi.vn

Không nên can thiệp hành chính quá sâu vào nhân sự tôn giáo

Đại biểu Dung cũng cho rằng, luật pháp cần tôn trọng quyền tự chủ, tự quản lý của các tổ chức tôn giáo trong những vấn đề nội bộ, thuần túy tôn giáo, không nên có sự can thiệp quá sâu, áp dụng quá nhiều biện pháp hành chính.

Vị đại biểu đề nghị hạn chế tối đa sự can thiệp của Nhà nước vào những hoạt động nội bộ như quy định chia tách, sáp nhập, hợp nhất các tổ chức tôn giáo, thành lập trường, giải thể trường, phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc tôn giáo.

Đồng quan điểm này, đại biểu Lương Thành Công (Vĩnh Long) cũng đề nghị tách bạch việc phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử thành hai điều với nội dung khác nhau, cho hai đối tượng khác nhau là chức sắc và chức việc. Theo đại biểu Công, nếu đặt ra cả điều kiện về phong chức, phong phẩm là vi phạm đến Hiến chương của các tổ chức tôn giáo.

Vị đại biểu phân tích, “chức sắc ở đây là những chức phẩm được quy định trong Hiến chương giáo luật của các tôn giáo, căn cứ vào đạo hạnh và thời gian cống hiến cho đạo pháp mà các tôn giáo sẽ phong chức, phong phẩm cho các nhà tu hành. Vấn đề này là vấn đề riêng của tôn giáo không liên quan đến quản lý nhà nước”.

Theo đánh giá của Linh mục Lê Ngọc Hoàn (Nam Định), những quy định của dự thảo Luật về quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng tôn giáo còn nặng nề, mang tính hành chính, nhiều điều thể hiện quan hệ xin-cho. “Nếu đã quy định xin - cho thì xin có thể cho hoặc không cho”.

Vị linh mục cho rằng, điều này không thể hiện được quan điểm tốt đẹp của Đảng, Nhà nước là tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, mặt khác cũng tạo ra khả năng ai đó, cấp nào đó có thể lạm quyền trong việc giải quyết quan hệ xin – cho.

Đồng thời, đại biểu cũng lo ngại, quy định này sẽ tạo ra khe hở để một số tổ chức nước ngoài đánh giá Việt Nam chưa có tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam)
Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam)

Đề xuất có luật riêng về tín ngưỡng

Góp ý về dự thảo Luật, nhiều đại biểu cũng đánh giá, bản dự thảo chuẩn bị còn sơ sài, chưa đầy đủ.

“Chưa có cách giải thích tín ngưỡng là gì, tôn giáo là gì, như vậy không xác định được hoạt động tín ngưỡng là gì, hoạt động tôn giáo là gì, cơ sở tín ngưỡng là gì, tôn giáo là gì… Do đó cũng không thể làm rõ luật này đưa ra để quản lý cái gì, sẽ không có đủ cơ sở để quy định các điều khoản khác trong luật” - Thượng tọa Thích Thanh Quyết (đại biểu tỉnh Quảng Ninh) nhận xét.

Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu lấy ý kiến của các cấp, các ngành có liên quan, các chuyên gia các tổ chức tôn giáo để bổ sung giải thích vào các từ tín ngưỡng, tôn giáo là gì để làm cơ sở chặt chẽ, mấu chốt cho việc xây dựng luật này.

Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) thì cho rằng, không nên cho thêm nội dung tín ngưỡng vào luật và để khóa sau sẽ bàn xây dựng luật riêng cho tín ngưỡng.

Ông Lai nhận xét, “tôi có cảm giác như tín ngưỡng lần này khoác lên một chiếc áo vừa chật hẹp, vừa chắp vá. Ngay cả một tín ngưỡng đã đi sâu vào lòng dân tộc, có tác dụng rất lớn trong đời sống xã hội, đó là thờ cúng tổ tiên. Nhưng trong luật này tôi tìm hoài không thấy”.

Vị đại biểu khẳng định: “Rất nhiều người đánh giá thờ cúng tổ tiên là một yếu tố tạo nên sức đề kháng nội sinh của dân tộc để chống lại xâm lăng văn hóa. Tôi thấy trong luật này nên dừng lại, không nên đưa nội dung tín ngưỡng vào mà chỉ nên để là luật điều chỉnh về tôn giáo mà thôi”.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm