1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đề xuất giải thưởng Hồ Chí Minh cho công trình tạo giống lúa thơm Sóc Trăng

Cao Xuân Lương

(Dân trí) - Công trình "Nghiên cứu, chọn tạo và phát triển giống lúa thơm Sóc Trăng ST24 và ST25" của kỹ sư Hồ Quang Cua và cộng sự được tỉnh Sóc Trăng đề xuất xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.

Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, UBND tỉnh này đã tổ chức cuộc họp Hội đồng cấp tỉnh xét tặng giải thưởng cấp Quốc gia. Trong đó, công trình "Nghiên cứu, chọn tạo và phát triển giống lúa thơm Sóc Trăng ST24 và ST25 giai đoạn 2008 - 2016" của kỹ sư Hồ Quang Cua và cộng sự (đồng tác giả) là tiến sĩ Trần Tấn Phương, thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương được đề xuất xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.

Công trình nhân giống lúa ST24 và ST25 đã nâng tầm gạo Việt, được thế giới công nhận, đặc biệt là nâng cao giá trị sản phẩm để giúp nông dân trồng lúa có thu nhập cao hơn, điều đó mới là ý nghĩa thật sự.

Những năm qua, người tiêu dùng trong nước rất ấn tượng với thương hiệu gạo thơm Sóc Trăng (ST) của kỹ sư Hồ Quang Cua cùng các cộng sự. Đặc biệt hơn, gạo mang thương hiệu ST của ông đã chinh phục đỉnh cao trong làng gạo ngon thế giới.

Đề xuất giải thưởng Hồ Chí Minh cho công trình tạo giống lúa thơm Sóc Trăng - 1

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT trong một lần đến khảo sát giống lúa thơm ở Sóc Trăng.

Năm 1978, tốt nghiệp kỹ sư ngành trồng trọt, kỹ sư Hồ Quang Cua trở về Sóc Trăng và công tác tại Phòng Nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên. Sau đó, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho đến lúc nghỉ hưu.

Từ năm 1991, ông tham gia nhóm nghiên cứu của Viện Lúa ĐBSCL và Đại học Cần Thơ sưu tập, thử nghiệm các giống lúa thơm cổ truyền của Việt Nam, Thái Lan và Đài Loan. Cũng trong thời gian này, ông đã có ý tưởng làm lúa thơm cao cấp cho Việt Nam, mà trước hết là cho quê hương Sóc Trăng của mình.

Năm 1996, trong một lần xuống đồng, ông phát hiện có những cây lúa lạ, gốc màu tím, hạt thon dài rất đẹp. Vốn là người mê cây lúa, đang ôm ấp ước mơ nâng tầm cây lúa Sóc Trăng và là người có tư duy nhạy bén, khi thấy những cây lúa "không giống ai" đó, ông như người trúng số đặc biệt.

Từ sự tình cờ, công trình lai tạo, nhân giống với hàng loạt giống lúa thơm mang tên ST được ra đời. Có khoảng 1.050 cá thể đột biến đầu tiên được ông cùng các cộng sự thu thập và sau đó tiến hành trồng thử nghiệm, rồi cho lai tạo theo nhiều cách khác nhau để chọn những cá thể vượt trội nhất đưa vào sản xuất.

Đề xuất giải thưởng Hồ Chí Minh cho công trình tạo giống lúa thơm Sóc Trăng - 2

Kỹ sư Hồ Quang Cua.

Năm 2017, tại Hội nghị Quốc tế lần 9 về mua, bán gạo do tổ chức The Rice Trader (Tổ chức thương mại gạo) tổ chức tại Ma Cao, gạo ST24 có những phẩm chất vượt trội như ngắn ngày, hạt gạo dài, trắng trong, dẻo cơm, thơm thoảng hương lá dứa... đã được chọn và vinh danh là một trong 3 loại gạo ngon nhất theo tiêu chuẩn gạo ngon thế giới.

Năm 2019, gạo ST25 của nhóm kỹ sư Hồ Quang Cua đã xuất sắc vượt qua gạo Thái Lan, giành giải nhất cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới được tổ chức tại Philippines. Đến năm 2020, gạo ST25 đạt giải nhì tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới tổ chức tại Hoa Kỳ.

Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, gạo thơm ST25 được nghiên cứu lai tạo từ năm 2008. Năm 2016, gạo ST25 bắt đầu nổi tiếng tại các thị trường tiêu thụ gạo mạnh ở trong nước, được người tiêu dùng đánh giá là loại gạo thuộc nhóm hảo hạng. Đặc biệt, loại gạo này có hàm lượng đạm cao nên phù hợp với người mắc bệnh đái tháo đường, cả người già và trẻ em. 

Về đặc tính, ST25 là giống lúa cứng và cao cây (110cm - 115cm), lá xanh bền, lâu tàn nên nuôi hạt tốt, thân cứng nếu bón phân cân đối không đổ ngã. Giống lúa này không nhiễm bệnh sọc trong, đạo ôn lá và khoan cổ bông... Trong điều kiện thời tiết tốt, năng suất ST25 có thể đạt 8,5 tấn/ha, trung bình khoảng 6 - 7 tấn/ha.

Gạo ST25 (cùng các loại gạo mang thương hiệu ST) đã "đóng dấu" được tên tuổi của mình trong lòng các nhà khoa học, nhà nhập khẩu và các đầu bếp nổi tiếng thế giới. Lúa thơm ST cũng đã góp phần đưa sản lượng lúa ở tỉnh Sóc Trăng có sự bứt phá ngoạn mục: Năm 2017, tổng sản lượng lúa toàn tỉnh đạt trên 2 triệu tấn, trong đó lúa thơm và lúa đặc sản chiếm trên 50%; năm 2018, tổng sản lượng lúa đạt trên 2,1 triệu tấn; năm 2019, sản lượng lúa cũng đạt trên 2 triệu tấn, lúa đặc sản ước đạt trên 1 triệu tấn.

Với những đóng góp cho ngành Nông nghiệp, kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm nghiên cứu của ông đã nhận được 7 Huân chương Lao động của Chủ tịch nước, 2 giải thưởng Bông lúa vàng của Bộ NN&PTNT, đoạt hạng Nhất trong tất cả các cuộc thi trong nước, được Tổ chức Lương nông quốc tế (FAO) chứng nhận thành tựu.

Riêng cá nhân kỹ sư Hồ Quang Cua 2 lần vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề cử là đại biểu dự Vinh quang Việt Nam (năm 2014 và 2017). Năm 2011, ông được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và năm 2012 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động.