Đề xuất dùng lưới bắt cá ngừ để "vây bắt" cụ Rùa
(Dân trí) - Ông Nguyễn Ngọc Khôi, GĐ Tập đoàn Thương mại KAT, Đội trưởng đội lai dắt rùa Hồ Gươm đưa ra phương án, dùng lưới đánh bắt cá ngừ để lai dắt cụ Rùa về nơi chữa trị. Lưới này sẽ được thiết kế tốt nhất có thể để không bị cụ Rùa "đục" thủng.
Sáng nay 9/3, nhóm chuyên gia “lai dắt” cụ Rùa về nơi chữa trị đã họp và đưa ra giải pháp thay thế tấm lưới bị rách do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Chi cục thủy sản Hà Nội đặt làm tại Hải Phòng. Phương pháp được ông Nguyễn Ngọc Khôi, Giám đốc Tập đoàn Thương mại KAT (đơn vị được Phó Chủ tịch UBND thành Phố Nguyễn Văn Khôi giao thiết kế lưới dẫn dắt cụ Rùa lần hai) đưa ra trong cuộc họp là phải thiết kế lưới hoàn toàn mới, thời gian làm lưới kéo dài khoảng 7 ngày. Kinh phí làm dưới sẽ do Tập đoàn KAT ủng hộ thành phố.
Tấm lưới dắt cụ Rùa ngày 8/3 đã bị chọc thủng
Tấm lưới dùng để “lai dắt” cụ Rùa lần này sẽ do Tập đoàn KAT tự thiết kế. Theo ông Khôi, đó sẽ là loại lưới chuyên dùng đánh bắt cá ngừ đại dương. “Lưới mới sẽ được thiết kế tốt nhất có thể để đảm bảo cụ Rùa không thể “đục” thủng trong bất kỳ tình huống nào” - ông Khôi nói.
Cũng theo ông Khôi, tấm lưới dùng để dẫn dắt cụ Rùa lần này sẽ có túi dài 20m, chiều rộng miệng túi là 3m và chiều cao 4m. Ngoài ra, túi lưới sẽ có 2 lớp (đảm bảo không bị cụ Rùa “đục” thủng), lớp ngoài thưa, còn lớp trong được đan mau hơn; chiều dài của lưới sẽ do thành phố quyết định. “Đáy túi sẽ để hở (khi “lai dắt” sẽ buộc lại) cần thiết sẽ để cụ Rùa bò ra cả hai đầu của túi”, ông Khôi cho biết.
Đề cập đến quá trình vây bắt cụ Rùa lần 2, ông Khôi cho biết khi phát hiện phải khép nhanh hai đầu lưới lại với nhau để cụ Rùa bơi vào trong túi. Trong quá trình kéo phải đảm bảo cho tấm lưới tạo thành vòng cung. “Khi cụ Rùa đã nằm gọn trong túi thì di chuyển về hướng nào cũng được. Nhưng phải để dưới nước, còn nếu mang lên trên cạn cụ sẽ phá lưới ra ngay lập tức”, ông Khôi nói.
Để đảm bảo sao cho cụ Rùa không thoát ra ngoài như ngày 8/3, các chuyên gia cho biết khi cụ Rùa đã vào trong tấm lưới có thể dùng thêm lưới thép B40 để quây ở vòng ngoài, chân lưới này sẽ ghìm sâu xuống dưới đất. “Nếu rùa thoát ra vòng lưới vây bắt, thì cũng không thể thoát ra khỏi tấm lưới B40”, ông Nguyễn Viết Vĩnh, thành viên Hội đồng chữa trị Rùa hồ Gươm cho biết.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Viết Để, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội cho rằng, việc thiết kế lưới phải bảo đảm tiết kiệm. Phương án được ông Để đưa ra là tận dụng một tấm lưới khác Chi cục đang có sẵn nhưng chưa đưa vào sử dụng. Chính vì vậy phương án làm lưới mới phải gửi trình thành phố quyết định.
Nhân viên công ty thoát nước phấn khích khi "tóm" vào cụ Rùa - một trong những nguyên nhân khiến cụ Rùa kinh động. (ảnh: VNN)
Đề cập đến nguyên nhân thất bại trong việc vây bắt cụ Rùa ngày 8/3, các chuyên gia đều cho rằng do thao tác kỹ thuật vây bắt không đảm bảo nên cụ Rùa mới thoát ra ngoài và lưới không đảm bảo chất lượng. “Nhiều lần cụ Rùa bị nhân viên Công ty thoát nước đè lên, làm cho cụ bị kinh động từ đó mới dẫn đến việc thoát ra ngoài”, ông Nguyễn Viết Để nói.
“Vấn đề là ở ngư cụ. Nếu để lưới trên mặt đất thì sợ cụ Rùa thoát ra ngoài. Do vậy, phương án để chì ghìm xuống lớp bùn thì không kéo được lên. Vì vậy, nhiều người bị lúng túng, bí vì không còn gì trong tay nữa để vây bắt”, ông Để nói.
Ông Nguyễn Viết Vĩnh, thành viên Hội đồng chữa trị Rùa hồ Gươm cho rằng, cụ Rùa có thể “đục” thủng lưới thoát ra ngoài dễ dàng như vậy là do lưới quá mỏng, chất lượng lưới không đảm bảo.
Cũng trong cuộc họp khẩn cấp rút kinh nghiệm về quá trình vây bắt cụ Rùa nhưng thất bại vào chiều ngày 8/3, đại diện Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (đơn vị mua lưới) cho biết, do việc dẫn dắt cụ Rùa về nơi chữa trị quá gấp nên đơn vị này đã ra chợ Sắt (Hải Phòng) mua lưới về Hà Nội để dẫn dắt cụ Rùa. Loại lưới này không có chất lượng lưới như trong bản thiết kế của Sở Nông nghiệp đưa ra ngày 5/3.
Quang Phong