1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đề xuất cơ chế đặc thù xây dựng cầu treo trên toàn quốc

(Dân trí) - Việc xây dựng cầu treo dân sinh cần thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhằm phát huy sức mạnh toàn dân. Vì vậy, Bộ GTVT vừa đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ một cơ chế đặc thù để xây dựng cầu treo.

Xuất phát từ thực tế việc đi lại của người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng Đề án “Xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số”. Đầu tháng 3 vừa qua, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng phê duyệt trước Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh trên địa bàn 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên dự kiến cần khoảng 1.761 ty đồng và phân kỳ đầu tư trong 3 năm.

Tuần trước, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về cơ chế tạo nguồn vốn và thực hiện Dự án cải tạo, đầu tư xây dựng mới cầu dân sinh trên toàn quốc, trong đó Bộ GTVT đã đề xuất một cơ chế đặc thù để huy động nguồn vốn và thực hiện dự án.

Một cây cầu treo trước mùa mưa bão ở khu vực Tây Nguyên (ảnh: Thiên Thư)
Một cây cầu treo trước mùa mưa bão ở khu vực Tây Nguyên (ảnh: Thiên Thư)

Về cơ chế nguồn vốn, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng đồng ý cho sử dụng một phần nguồn phí sử dụng đường bộ thu được trong thời gian vượt tiến độ thi công so với hợp đồng tại các dự án BOT. Theo Bộ GTVT, sẽ có một số dự án BOT vượt tiến độ thi công, việc này sẽ đem lại lợi ích lớn về kinh tế - xã hội, vì thế Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thu phí ngay khi hoàn thành và giữ nguyên thời gian thu phí theo hợp đồng. Phần phí đường bộ thu được trong thời gian vượt tiến độ sẽ có 30% thanh toán cho nhà đầu tư các chi phí để rút ngắn tiến độ, phần còn lại dùng để xây mới, cải tạo cầu treo dân sinh.

Để tạo vốn, Bộ GTVT cũng cho rằng sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ còn dư trong các dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Việc rút ngắn thời gian thi công cùng các giải pháp tiết giảm được chi phí đầu tư sẽ tạo ra nguồn vốn dư từ các dự án trên.

Ngoài ra, để phát huy được nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức và người dân trong cải tạo, xây mới cầu treo dân sinh, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng cho phép các doanh nghiệp được tính và hạch toán vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp đối với các khoản chi tài trợ việc cải tạo, xây mới cầu treo dân sinh theo nguyên tắc doanh nghiệp tự nguyện và không phát sinh lỗ kinh doanh.

Với cơ chế thực hiện dự án, để triển khai xây cầu treo dân sinh nhanh chóng, Bộ GTVT cũng đề nghị Thủ tướng cho áp dụng cơ chế chỉ định thầu đơn vị thi công các cầu treo treo dân sinh trên toàn quốc; đề nghị UBND các địa phương chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng theo cơ chế vận động nhân dân hiến đất, không thực hiện đền bù khi thu hồi đất (nếu có) để thi công cầu treo dân sinh; đề nghị Chính phủ hàng năm bố trí bổ sung vốn ngân sách trung ương cho các địa phương để thực hiện công tác duy tu, sửa chữa cầu treo dân sinh.

Theo tổng hợp của Bộ GTVT, ở 62/63 tỉnh và thành phố trên cả nước (trừ Hà Nội) hiện có 2.299 cầu treo nằm trên các tuyến đường huyện, xã, đường giao thông nông thôn, đường dân sinh. Tuy nhiên, chỉ có 1.365 cầu (59,3%) đủ điều kiện khai thác; 934 cầu hư hỏng xuống cấp, trong đó có 127 cầu cần dừng ngay việc khai thác do không đảm bảo an toàn, 807 cầu phải tổ chức sửa chữa ngay để tiếp tục khai thác, hoặc tổ chức kiểm định để đánh giá thực trạng công trình. Trong số 1.365 cầu đang được khai thác cần phải khảo sát và xác định khả năng chịu tải để khai thác phù hợp, đồng thời cần tổ chức quản lý, bảo dưỡng đúng quy định.

Các địa phương đều cho biết nguồn vốn cho việc quản lý, bảo trì cầu treo rất khó khăn, đặc biệ cầu treo trên đường dân sinh không được bố trí hoặc có rất ít vốn để quản lý, bảo trì; chỉ có cầu thuộc đường tỉnh, huyện được giao cho đơn vị chuyên môn quản lý, bảo dưỡng; các cầu do xã quản lý thì xã không có cán bộ chuyên trách về giao thông. Còn với cầu treo dân sinh do người dân tự đóng góp xây dựng thì việc quản lý khó khăn hơn vì dân tự quản nhưng thiếu sự hướng dẫn của chính quyền và ngành GTVT địa phương.

Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố khảo sát thực trạng và đánh giá khả năng khai thác của tải trọng các cầu treo, đặc biệt là cầu đã xuống cấp để sửa chữa đảm bảo an toàn giao thông bằng vốn từ Quỹ bảo trì đường bộ địa phương và các nguồn vốn của địa phương; rà soát cắm lại biển tải trọng cho phù hợp thực tế và hướng dẫn cho người qua cầu chấp hành để đảm bảo an toàn giao thông;

Đối với các cầu treo đã hết tuổi thọ khai thác hoặc hư hỏng, xuống cấp nặng phải tạm dừng ngay việc khai thác, tổ chức cảnh giới hướng dẫn, ngăn ngừa, nếu không có khả năng khắc phục thì tháo bỏ, làm cầu mới; Sở GTVT các địa phương chịu trách nhiệm xây dựng quy định quản lý, vận hành và bảo trì với cầu treo dân sinh hiện có...

Châu Như Quỳnh