1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Để Việt Nam đến được với lòng người

(Dân trí) - “Chúng ta nên “sòng phẳng”: đất nước Việt Nam hay cũng có, dở cũng có. Nghệ thuật của PR là chọn góc độ trình bày hay nói cách khác, nên đem một lăng kính thú vị và độc đáo cho người ngoài nhìn vào mình”. Đây là phát biểu của bà Tôn Nữ Thị Ninh trong cuộc toạ đàm “PR và hội nhập” ngày 14/10.

Cuộc toạ đàm này do CLB PR ứng dụng, Viện nghiên cứu & phát triển doanh nghiệp, doanh nhân Đông Nam Á tổ chức, Báo điện tử Dân tríVnMedia bảo trợ thông tin đã thu hút rất đông đảo những người làm PR. Tại đây, những phương pháp PR đất nước, PR doanh nghiệp ra bên ngoài đã được các chuyên gia, những người làm PR “xới” lên qua nhiều khía cạnh thú vị….  

Đưa đến một lăng kính thú vị

Ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc Công ty phần mềm FPT mở đầu cuộc toạ đàm bằng một câu chuyện rất đời thường nhưng đã “gài” yếu tố PR. Một lần ông ra sân bay đón những vi khách nước ngoài lần đầu tiên đến Việt Nam, ông đã nói với họ rằng, các ngài sắp bước vào một chuyến đi mà các ngài chưa từng được trải qua ở những nơi khác.

Sự “dẫn dắt” của ông Nam đã khiến các vị khách sau khi hoàn thành chuyến đi vào nội thành đã tỏ ra rất ngạc nhiên và ngỡ ngàng. Điều đọng lại trong họ là tại sao, các phương tiện giao thông chằng chịt, người vượt trái, người vượt phải trông khá thiếu qui củ nhưng... không ai va vào ai.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại quốc gia “bình” câu chuyện của ông Nam: giao thông Việt Nam rất lộn xộn nhưng có một tổ chức vô hình. Các phương tiện vẫn đi lại được, không va chạm đã thể hiện sự ứng phó linh hoạt của người Việt… Câu bình này đã làm hội trường rộ lên những tràng vỗ tay.

Bà Ninh nói tiếp, chúng ta nên “sòng phẳng”: đất nước Việt Nam hay cũng có, dở cũng có, phát triển cũng có, chậm phát triển cũng có. Nghệ thuật của PR là chọn góc độ trình bày hay nói cách khác, nên đem một lăng kính thú vị và độc đáo cho người ngoài nhìn vào mình.

Theo bà Ninh chủ của thương hiệu quốc gia không phải chỉ là nguyên thủ mà còn là mỗi người dân. Một dân tộc vô tâm, vô tư, vô thức không thể xây dựng được một thương hiệu quốc gia. PR quốc gia theo bà là tầm rộng nhất, cao nhất trong một tương đối nhất định.

Bà Ninh thừa nhận, ở tầm vĩ mô chúng ta chưa có những thông điệp ấn tượng. Năm 1998, trong lúc khủng hoảng kinh tế Thái Lan đã đưa ra được một khẩu hiệu rất được lòng khách quốc tế “Amazing Thái Lan” (Ngạc nhiên Thái Lan). Thông điệp của Việt Nam hiện nay “Vietnam the hidden charm” (Việt Nam - nét quyến rũ tiềm ẩn) theo bà Ninh là hiền hoà, tĩnh tại chưa thể hiện được sức vươn lên của chúng ta.

Việc chọn hình ảnh cô gái Việt Nam với chiếc nón ở những năm trước theo bà Ninh cũng là phương pháp PR sai. Cô gái tròn trịa và trắng trẻo không biểu trưng cho châu Á và sức hấp dẫn của Việt Nam. Các du khách nước ngoài thường có ấn tượng với những cô gái “góc cạnh” hơn.

Để Việt Nam đến được với lòng người - 1
 Các khách mời tham gia cuộc toạ đàm “PR và hội nhập”.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban pháp chế VCCI “khắc sâu” khía cạnh PR của các địa phương với quan niệm PR là một thứ công dụng khổ tứ. Theo ông, nói tới Bình Dương nhiều người nhớ tới câu nói của một vị lãnh đạo nơi đây như một thông điệp: mỗi người lãnh đạo, khi thức dậy phải làm viêc gì đó có lợi cho doanh nghiệp. Bình Dương đã trở thành một hình ảnh đẹp trong con mắt của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trong khi đó, khi các sở ban ngành của Hà Nội đưa ra con số, hơn 96% số hồ sơ của người dân, doanh nghiệp được thực hiện đúng thời hạn thì ngay Chủ tịch UBND thành phố cũng phải thốt lên trên báo chí là “không tin” được. “Thông điệp” từ các con số của Hà Nội không những không có ý nghĩa mà còn dễ gây “phản cảm”.

Hài hước là dễ ăn tiền

Ông Nguyễn Thành Nam kể, có lần sang Nhật làm ăn ông đã định mang tới đó hình ảnh người Việt Nam thông minh, cần cù. Nhưng sau khi cân nhắc thấy đó là đức tính mà người dân của nhiều nước trên thế giới, nhất là người Nhật cũng có nên ông và các đồng nghiệp đã chọn hình ảnh người nông dân. Thật “bất ngờ”, đức tính thật thà, chất phác của người nông dân đã khiến các vị khách hàng người Nhật bị… hút. Thậm chí, một người còn nói rằng: Hãy sang Việt Nam vì ở đó người Nhật cũng thấy được “chất” của mình.

Ông Nguyễn Thành Nam bật mí thêm rằng, cần phải biết gắn thương thiệu kinh doanh và quốc gia. FPT từ một công ty chỉ có 9 người làm phần mềm xuất khẩu, đến nay đã có tới hai ngàn người làm công việc này, với các sản phẩm được xuất đi nhiều nước. Thực tế làm ăn với bên ngoài, nhiều đối tác chưa hề biết đến tên công ty nhưng tên nước Việt Nam và tên đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giúp nhiều người lựa chọn công ty.

Ông Trần Hữu Huỳnh đặt ngược lại trách nhiệm cho các doanh nghiệp. Theo ông không nên nói chung chung về thương hiệu quốc gia bởi PR trước hết là sự lựa chọn. Theo ông Huỳnh, chúng ta cần nhìn nhận lại xem 20 mươi năm đổi mới, bên ngoài đã biết đến những sản phẩm nào với dấu ấn rõ nét về xuất xứ địa lí từ Việt Nam.

Phương pháp PR tiếp tục được bà Tôn Nữ Thị Ninh đề cao. Bà Ninh kể, có một lần bà được mời phát biểu tại một cuộc toạ đàm ở nước ngoài với thời hạn là 3 phút. Suốt buổi tối hôm trước bà đã suy nghĩ và tập nói để làm sao truyền được những thông điệp mà đảm bảo được giới hạn thời gian. Những gì bà đã nói trong buổi đăng đàn sau đó là: Việt Nam là quốc gia đã nhận số bom đạn bằng cả cuộc chiến tranh thế giới thứ hai; Việt Nam là một nước năng động, nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và là cường quốc về hạt tiêu (không phải mặt hàng to tát nào); các bạn hãy đặt Việt Nam vào tầm ngắm của mình… Theo bà Ninh, cần phải biết xây dựng các thông điệp súc tích, ngắn gọn và có thể hài hước bởi theo bà “hài hước là dễ ăn tiền”.

Bà cũng nhấn mạnh tới yếu tố đào tạo con người từ phổ thông để làm sao kích thích sự sáng tạo, tự chủ của người trẻ. Trong những năm tới, giao lưu với nước ngoài nhiều hơn nên đất để phát triển PR cũng nhiều hơn 

Cấn Cường