Thừa Thiên Huế:
Để phòng dịch, lãnh đạo cấp xã phải nắm rõ từng người ngoài vào địa phương
(Dân trí) - Đó là chỉ đạo của ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tại cuộc họp giao ban trực tuyến 8/4 về phòng chống Covid-19.
Hiểu rõ cách làm “một kèm một”
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng đến thời điểm này (8/4), trên địa bàn tỉnh đã không còn ca dương tính Covid-19. Việc quan trọng hiện nay là không được chủ quan, triển khai tích cực các giải pháp để thắt chặt nguy cơ lây bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân.
Ông Thọ đề nghị các địa phương giám sát chặt chẽ các đối tượng từ các tỉnh, thành vào địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, kể cả người dân Huế từ tỉnh khác trở về. Thực hiện nguyên tắc “1 công dân đến lưu trú tại địa phương hoặc đến công tác, làm việc tại cơ sở sản xuất phải có 1 cán bộ chịu trách nhiệm giám sát dịch tễ của công dân đó”.
Sau khi người dân vào lưu trú tại Thừa Thiên Huế, UBND cấp huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan liên hệ trực tiếp với người mới vào địa phương để kiểm tra y tế. Nếu là công dân Thừa Thiên Huế trở về nhà thì gia đình phải chịu trách nhiệm giám sát người trở về; kịp thời báo cho chính quyền địa phương các thông tin phát sinh liên quan đến người trở về.
Nếu là công dân các tỉnh khác đến làm việc, công tác trong các lĩnh vực được phép hoạt động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng thì người quản lý doanh nghiệp, cơ sở mà công dân đó đến công tác, làm việc phải chịu trách nhiệm giám sát, kịp thời báo cho chính quyền địa phương các thông tin phát sinh liên quan.
Lãnh đạo từ cấp xã phải nắm rõ từng người ngoài vào địa phương
“Sau khi biết người ngoài vào, các lãnh đạo địa phương phải bắt buộc công dân đó khai báo y tế, viết giấy cam kết không ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết trong thời gian 14 ngày. Các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nếu có” – ông Thọ nêu rõ.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng nhấn mạnh: “Mỗi ngày lãnh đạo cấp xã, cấp huyện phải nắm được số lượng người bên ngoài vào, ở lại bao nhiêu ngày, tình hình sức khỏe ra sao. Phải kiên quyết hơn nữa trong xử lý vi phạm việc chấp hành Chỉ thị 16 của Thủ tướng nhằm thực hiện nghiêm kỷ cương, và quan trọng hơn là phòng ngừa dịch bệnh xâm nhập”.
Người đứng đầu tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm biện pháp cách ly toàn xã hội. Hết sức chú ý đề phòng, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các nơi thường có tập trung đông người. Đặc biệt, chính quyền địa phương và người đứng đầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lây lan dịch bệnh trên địa bàn, phạm vi mình quản lý.
Riêng đối với các cơ sở cách ly, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết cần tập trung giám sát chặt chẽ các đối tượng cách ly, tuyệt đối không để người cách ly sinh hoạt chung, hạn chế đi lại trong khu cách ly.
Số người cách ly trước khi về phải có thông báo cho các địa phương, gia đình chủ động phương án đón về. Đồng thời tiếp tục quản lý, giám sát chặt chẽ y tế thêm 14 ngày tiếp theo.
Số lượng cách ly tập trung người Việt Nam từ nước ngoài về Thừa Thiên Huế là 5.451 người. Tỉnh đã lấy mẫu xét nghiệm 3.453 (2.578 lần 1 và 875 mẫu lần 2). Số lượng giám sát tại nơi ở/lưu trú là 224 người… Kết quả xét nghiệm có 2 trường hợp dương tính (2 bệnh nhân mắc Covid-19 số 30 và 49 – đã ra viện), 2.926 mẫu âm tính, 525 mẫu đang chờ kết quả. Các đối tượng cách ly được theo dõi sức khỏe thường xuyên, hiện tại sức khỏe ổn định.
Từ ngày 27/3 đến nay, công an các đơn vị, địa phương đã tuyên truyền, vận động, kiểm tra việc chấp hành các quy định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của UBND tỉnh về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 với hơn 7.300 cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ, vui chơi giải trí. Công an đã tuyên truyền, thông báo đến các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự không tổ chức các nghi lễ và các hoạt động tập trung đông người. Kết quả đã lập biên bản, tham mưu, xử lý 77 trường hợp vi phạm hành chính về phòng, chống dịch Covid-19, xử phạt hơn 55 triệu đồng.
Đại Dương