1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Để nhận diện hành vi quấy rối tình dục cần những ví dụ cụ thể

(Dân trí) - Những hành vi quấy rối tình dục (QRTD) chưa tới mức xử lý hình sự có vô vàn, ảnh hưởng không nhỏ tới người lao động và môi trường làm việc. Việc đề ra Bộ quy tắc ứng xử QRTD là điều cần thiết để triển khai những quy định của pháp luật lao động.

Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) trao đổi với PV Dân trí trong buổi Lễ công bố Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố sáng 25/5 tại Hà Nội.

Thưa ông, tại sao Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục lại được đưa ra vào thời điểm này?

Như chúng ta đã biết, Bộ luật Lao động được Quốc hội khoá XIII thông qua năm 2012 đã quy định hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên quy định này vẫn mang tính nguyên tắc, các quy định của pháp luật hiện hành vẫn còn còn chung chung, chưa cụ thể, thiếu các tiêu chí và tài liệu hướng dẫn để nhận diện hành vi nào là QRTD.

Chính vì vậy, Bộ quy tắc ứng xử này được xây dựng để đưa ra các khuyến nghị, định hướng cho việc triển khai trên thực tiễn những quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản có liên quan khác về việc phòng, chống QRTD tại nơi làm việc.

Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế
(Bộ LĐ-TB&XH)
Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH)

Bộ quy tắc ứng xử cũng khuyến nghị việc xây dựng, ban hành, thi hành, giám sát thực hiện tại nơi làm việc về QRTD. Người sử dụng lao động có thể tham khảo để lồng ghép vào nội quy, quy chế của đơn vị, của doanh nghiệp, để người lao động thông qua, làm cơ sở cho việc đấu tranh phòng, chống hành vi QRTD tại nơi làm việc, làm cơ sở cho việc áp dụng pháp luật được chính xác, có cơ sở.

“Quấy rối tình dục là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận và tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu…” - Trích Bộ quy tắc ứng xử QRTD tại nơi làm việc.

Tại sao việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử với tư cách là một khuyến nghị, không có tính quy phạm pháp luật lại chỉ hướng vào khu vực có quan hệ doanh nghiệp, tức là khu vực có quan hệ lao động, thưa ông?

Từ trước tới nay, các hành vi xâm phạm tình dục trái ý muốn đều là hành vi nghiêm cấm, tuỳ theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật, như hành vi QRTD ở mức nghiêm trọng, đủ yếu tố cấu thành tội phạm đã được điều chỉnh bởi pháp luật hình sự với những chế tài nghiêm khắc.

Ở mức độ các hành vi QRTD chưa đến mức đáng kể tuy không bị xử lý hình sự, nhưng là hành vi cần phải lên án, phải ngăn chặn. Đối với cán bộ, công chức, viên chức đã được Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của công chức, viên chức.

Ngay cả trong các nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị đều có quy định cụ thể như đối với cán bộ, công chức viên chức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và nội quy, quy chế và phải có thái độ văn minh, lịch sự đối với nhân dân, đối với đồng nghiệp.

Tuy nhiên, khu vực các doanh nghiệp vẫn chưa có văn bản quy định cụ thể, thiếu các tài liệu định hướng để làm cơ sở quy định cụ thể cho các doanh nghiệp.

Việc xây dựng Bộ quy tắc chính là cơ sở để doanh nghiệp và người lao động cùng xây dựng và cam kết thực hiện, đảm bảo phù hợp với pháp luật, không được trái đạo đức xã hội, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc. Người lao động cũng mong muốn có quy định để không bị quấy rầy và làm việc lành mạnh.

Tôi xin lưu ý, quy định các hành vi QRTD không có nghĩa là tất cả các quan hệ xã hội, quan hệ giao tiếp lành mạnh khác trong doanh nghiệp đều bị nghiêm cấm. Các quan hệ đàng hoàng, trong sáng, đúng đắn, thể hiện tình cảm chân thành, phù hợp đạo đức truyền thống và pháp luật, kể cả quan hệ trợ giúp đỡ lẫn nhau, sự giao lưu tình cảm giữa các đồng nghiệp với nhau cần phải khuyến khích.

Vì vậy Bộ quy tắc đã đưa ra tiêu chí đối với những hành vi không bị coi là quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Tất nhiên, việc phân biệt đâu là hành vi QRTD không dễ dàng chút nào, do đó đòi hỏi phải được phổ biến, giới thiệu, tập huấn đầy đủ, chi tiết, đưa ra các ví dụ cụ thể để nhận diện. Đồng thời việc xử lý phải đúng người, đúng hành vi.

Tác dụng của Bộ quy tắc ứng xử này sẽ ra sao nếu được đưa vào nội quy của doanh nghiệp, thưa ông?

Pháp luật lao động có quy định người lao động có một trong những hành vi quấy rối tình dục sẽ bị sa thải. Nhưng xác định hành vi QRTD như thế nào còn chưa rõ và ở mức độ nào, cần cụ thể hơn.

Trong khi đó, doanh nghiệp có trách nhiệm phải xây dựng nội quy, quy chế làm việc với những hành vi bị cấm và nếu vi phạm sẽ bị xử lý. Nếu đưa những nội dung về QRTD như trong Bộ quy tắc trên vào nội quy, quy chế thì sẽ có căn cứ để phát hiện và xử lý theo quy định pháp luật lao động.

Áp dụng được việc này sẽ giúp người lao động yên tâm làm việc, đảm bảo môi trường làm việc lành mạnh, tạo năng suất cho doanh nghiệp và ổn định xã hội.

“Thuật ngữ “nơi làm việc” trong Bộ quy tắc ứng xử được hiểu là: Các hoạt động xã hội liên quan tới công việc như tiệc chiêu đãi, đón tiếp được doanh nghiệp tổ chức, dành cho nhân viên hay khách hàng; hội thảo, tập huấn; chuyến đi công tác chính thức; các bữa ăn liên quan tới công việc; hội thoại trên điện thoại liên quan tới công việc…” Trích Bộ quy tắc ứng xử QRTD tại nơi làm việc.

Bộ quy tắc ứng xử chỉ điều chỉnh tới khu vực có quan hệ lao động với hơn 15 triệu người lao động. Vậy, Bộ quy tắc ứng xử sẽ không điều chỉnh tới một số lượng lao động tới hàng chục triệu người thuộc khu vực không có quan hệ lao động, thưa ông?

Đúng là Bộ quy tắc chỉ hướng tới các lao động ở khu vực có quan hệ lao động. Còn lao động thuộc khu vực không có quan hệ lao động (khu vực phi chính thức) thì còn nhiều và tuân theo các quy định khác.

Ví dụ: Người lao động sinh hoạt ở cộng đồng, làng xã ngoài việc chấp hành quy định của pháp luật nói chung, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật hình sự, các nội quy ở nơi công cộng, và các quy ước, hương ước làng xã, thôn bản…nếu vi phạm thì tuỳ theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm mà thì họ sẽ bị xử ý theo quy định của pháp luật, hoặc bị lên án theo quy ước cộng đồng.

Tôi cho rằng nếu đưa nhóm đối tượng thuộc khu vực không có quan hệ lao động vào sẽ khó điều chỉnh được. Nhóm đối tượng này không đi làm ở một tổ chức, doanh nghiệp cố định vì thế không thể đưa những nội dung QRTD để điều chỉnh được, mà họ sẽ bị ràng buộc bởi hệ thống pháp luật nói chung và các quy ước làng xã và quy ước nơi công cộng như trên đã nêu.

Xin cảm ơn ông!

“Bộ LĐ-TB&XH phấn đấu cuối năm 2016 sẽ nghiên cứu để ban hành 1 thông tư liên quan với các tiêu chí QRTD. Dự kiến trong năm 2017, chúng tôi sẽ đưa một số nội dung QRTD cụ thể trình Chính phủ ban hành trong phần bổ sung của “Nghị định 95 quy định xử phạt Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” - ông Hà Đình Bốn cho biết. 

Hoàng Mạnh (thực hiện)