Đề nghị sớm ban hành nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô

(Dân trí) - Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam (VATA) vừa ký văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội bày tỏ quan điểm nên sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô nhằm đáp ứng yêu cầu về tạo sự công bằng trong cạnh tranh, quản lý và công bằng về nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước.

VATA cho rằng phải đưa ra quy định làm rõ ai là người kinh doanh vận tải, chịu trách nhiệm thực hiện các điều kiện kinh doanh vận tải (như về quản lý kỹ thuật phương tiện, lái xe; đảm bảo an toàn giao thông,…), nghĩa vụ thuế với nhà nước.

Thực tế hiện nay khi áp dụng công nghệ kết nối giữa bên vận tải với khách hành khách bằng App có 2 hình thức.

Thứ nhất, nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối chỉ bán hoặc cho đơn vị vận tải thuê dịch vụ; các đơn vị vận tải vẫn quyết định mức giá, kê khai thuế với nhà nước theo quy định hiện hành; tên thương hiệu đơn vị vận tải vẫn hiện diện trên App. Trong trường hợp này đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối không phải đơn vị kinh doanh vận tải.

Thứ hai, đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối đồng thời thay mặt bên vận tải điều hành phương tiện với bên cung cấp dịch vụ kết nối. Cụ thể là mô hình GrabCar, Grab quyết định giá cước, tổ chức khuyến mãi, thu tiền cước và phân chia doanh thu giữa bên vận tải hưởng 71-80%; Grab hưởng 20-28,6%.

Đề nghị sớm ban hành nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô - 1

(Ảnh minh hoạ).

Theo VATA, về thuế, Grab đề nghị và được Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) hướng dẫn tại văn bản số 384/TCT-TNCN áp dụng riêng cho Grab. Các hội viên đã có kiến nghị đến VATA và VATA đã có văn bản về việc đề nghị thu hồi hoặc sửa đổi văn bản số 384/TCT-TNCN để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thuế tuân thủ quy định chung.

Chính vì thế, VATA khẳng định việc Khoản 2 Điều 3 dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014 làm rõ ai là người kinh doanh vận tải và phải chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các điều kiện kinh doanh vận tải và kê khai nộp thuế cho nhà nước là rất cần thiết.

Đối với ý kiến còn băn khoăn xung quanh việc áp dụng khoa học công nghệ, đưa 4.0 vào quản lý hoạt động vận tải, VATA cho biết đã lấy ý kiến các Hiệp hội vận tải ô tô địa phương, đặc biệt là Hiệp hội Taxi Hà Nội, Hiệp hội Taxi TPHCM, các đơn vị cung cấp dịch vụ này như G7, Be, Emdi,… đều thống nhất nhận định, quy định như dự thảo nghị định là rõ ràng, minh bạch, cạnh tranh và thúc đẩy đưa khoa học công nghệ vào quản lý.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ để báo cáo kết quả rà soát, hoàn chỉnh, thống nhất nội dung dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Theo đó đã thống nhất nội dung quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 của dự thảo: “Trường hợp xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải có hộp đèn với chữ “XE HỢP ĐỒNG” gắn cố định trên nóc xe, kích thước hộp đèn tối thiểu 12 x 30 cm.”

Bộ Giao thông vận tải cho rằng việc quy định gắn cố định hộp đèn trên nóc xe (lưu ý đến tâm lý, văn hóa của người thuê xe, lái xe, chủ xe... khi phải gắn cố định hộp đèn trên nóc xe) nhằm bảo đảm quản lý đúng loại hình kinh doanh vận tải, xác định rõ hình thức ứng dụng hợp đồng điện tử với loại hình taxi.

Đồng thời, phân biệt với xe cá nhân (loại xe không kinh doanh vận tải), làm rõ nhận diện của các phương tiện kinh doanh loại hình này tránh tình trạng xe cá nhân trá hình để kinh doanh dẫn đến gây khó khăn cho lượng lượng tuần tra kiểm soát và công tác tổ chức giao thông đô thị và đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Quy định này, tiếp thu và được sự đồng thuận của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội Taxi Hà Nội, Hiệp hội Taxi Đà Nẵng, Hiệp hội Taxi TPHCM, một số doanh nghiệp taxi lớn và một số Sở GTVT; đặc biệt đối với nội dung quy định này cũng đã được nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế hiện nay cũng đã có một số nước như: Thái Lan, Singapore, Washington xe ứng dụng công nghệ gắn hộp đèn trên nóc xe.

Thế Kha