Đề nghị quy hoạch điểm dừng chân, ngắm cảnh trên các cung đường đẹp

Hoài Thu

(Dân trí) - "Các cánh rừng Tây Bắc, ven biển miền Trung có phong cảnh rất đẹp. Tôi đề nghị dự thảo luật ngoài điểm dừng chân cần bổ sung điểm ngắm cảnh trên đường", đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh nêu ý kiến.

Đề xuất này được đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Nguyễn Văn Cảnh nêu ra khi thảo luận về dự án Luật Đường bộ, sáng 24/11.

Khó làm chỗ để xe tại TP lớn vì "bỏ tiền chẵn, thu tiền lẻ"

Nhấn mạnh tính văn minh, hiện đại của một đất nước thể hiện phần lớn qua hệ thống giao thông, ông Cảnh muốn Việt Nam tham khảo mô hình của nước ngoài về các trạm dừng chân và điểm ngắm cảnh.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, hiện Bộ GTVT đã quy hoạch các điểm dừng nghỉ trên quốc lộ nhưng chỉ có một loại, trong khi "non sông gấm vóc của Việt Nam rất đẹp".

Đề nghị quy hoạch điểm dừng chân, ngắm cảnh trên các cung đường đẹp - 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Ảnh: Phạm Thắng).

Vị đại biểu chỉ ra thực tế với đường cao tốc, chỉ đi qua không được dừng, còn ở đường quốc lộ được dừng nhưng lại không có điểm dừng. Vì thế, xe máy và ô tô đỗ lại dọc đường rất nguy hiểm.

Nhắc đến bài học ở một số nước thường chọn nơi có vị trí đẹp làm điểm ngắm cảnh, tạm thời nghỉ ngơi, ông Cảnh ví von các cánh rừng Tây Bắc, ven biển miền Trung có phong cảnh rất đẹp. Ông đề nghị dự thảo luật ngoài điểm dừng chân, cần bổ sung thêm điểm ngắm cảnh. "Điểm dừng chân muốn hiệu quả thì phải xã hội hóa, còn điểm ngắm cảnh thì Nhà nước phải làm", ông Cảnh nói.

Góp ý về quy hoạch chỗ để xe, ông Cảnh cho biết trong các thành phố hiện rất khó làm bởi "đầu tư tiền chẵn, thu lại tiền lẻ". Ông đề nghị ngoài khuyến khích tư nhân đầu tư làm nhà để xe, cần có chính sách cho tư nhân được chuyển nhượng một phần chỗ để xe như một tài sản hình thành trong tương lai.

"Nếu có chính sách này, tư nhân sẽ có một nguồn tiền ban đầu để đầu tư, dùng tầng trệt để kinh doanh thương mại, cho thuê", ông Cảnh cho biết mô hình này đang được nhiều nước áp dụng.

Băn khoăn khi "một nội dung, hai luật cùng quy định"

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) góp ý về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng ô tô.

Theo nữ đại biểu, việc pháp luật có quy định riêng để quản lý chặt chẽ hoạt động đưa đón học sinh đi lại giữa nơi ở và nơi học tập, hoặc tham gia các hoạt động khác của nhà trường là rất cần thiết. Lý do, trẻ em là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, thực tiễn đã xảy ra không ít các vụ tai nạn đáng tiếc, nhất là liên quan đến việc đưa đón học sinh.

Đề nghị quy hoạch điểm dừng chân, ngắm cảnh trên các cung đường đẹp - 2

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa (Ảnh: Phạm Thắng).

Đại biểu tỉnh Hải Dương đánh giá cao sự cố gắng của cơ quan soạn thảo khi cùng quy định về nội dung này ở cả Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ mà không trùng nhau.

Nhận định các nội dung quan trọng nhất của hoạt động này đã được quy định tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Vì thế, dự thảo Luật Đường bộ chỉ cần quy định, hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng ô tô là một trong các loại hình vận tải hành khách, phải tuân thủ đầy đủ các quy định chung về vận tải hành khách.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) lại cho rằng có rất nhiều vấn đề cần phải phân định và cân nhắc việc quy định về xe đưa đón học sinh bằng ô tô ở một luật hay hai luật.

Đề nghị quy hoạch điểm dừng chân, ngắm cảnh trên các cung đường đẹp - 3

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Dũng (Ảnh: Phạm Thắng).

Ông Dũng cho biết xe đưa đón học sinh có lái xe và quản lý học sinh. Dự thảo Luật Đường bộ đang quy định lái xe phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm vận tải hành khách, còn dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ chỉ có quy định đối với người quản lý.

"Một xe, hai người, lại được điều chỉnh bằng hai luật. Như vậy, khi áp dụng thực tiễn sẽ rất phiền phức cho đơn vị kinh doanh vận tải, nhà trường và cơ quan xử lý", ông Dũng nêu bất cập và đề nghị đưa thâm niên người lái xe vào Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.