1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đề nghị "lùi" quy định thuê nhà tối thiểu 20m2 mới được thường trú ở Hà Nội

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Do trình tự các bước về thời gian "không đảm bảo" nên UBND TP Hà Nội đã đề nghị Thường trực HĐND TP xem xét lùi thời gian trình ban hành Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở bình quân để ĐKTT.

Tối 23/11, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã ký, ban hành văn bản hỏa tốc gửi Thường trực HĐND TP về việc đề nghị lùi thời gian trình ban hành Nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu đối với nhà thuê, mượn, ở nhờ để công dân được đăng ký thường trú (ĐKTT) ở Hà Nội.

Đề nghị lùi quy định thuê nhà tối thiểu 20m2 mới được thường trú ở Hà Nội - 1

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, việc quy định 20m2/người mới được giải quyết thủ tục thường trú ở Hà Nội là "quá cao" nên đề nghị Hà Nội cần làm rõ căn cứ, cơ sở khi đưa ra điều kiện này (Ảnh minh họa: Nguyễn Trường).

Trước đó, ngày 17/10, UBND TP Hà Nội đã xây dựng Tờ trình số 353/TTr-UBND gửi Thường trực HĐND TP về việc đề nghị xây dựng Nghị quyết nêu trên và sau đó được đồng ý chủ trương xây dựng.

Ngay sau đó, UBND TP đã chỉ đạo, giao các Sở, ban, ngành liên quan phối hợp xây dựng hoàn thiện hồ sơ đề nghị ban hành Nghị quyết này. Tuy nhiên, theo trình tự về thời gian quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (gồm: thời gian hồ sơ đề nghị xây dựng, thời hạn đăng tải, thời hạn thẩm định, thời hạn trình thẩm…) thì các tiến độ không đảm bảo đề trình HĐND TP Hà Nội vào kỳ họp cuối năm 2022.

Do đó, UBND TP Hà Nội đã đề nghị Thường trực HĐND TP xem xét lùi thời gian trình ban hành Nghị quyết này để đảm bảo đúng trình tự ban hành văn bản.

Như đã đưa tin, vừa qua, UBND TP Hà Nội đã tiến hành lấy ý kiến người dân về Dự thảo Nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiếu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn thành phố.

Theo đó, dự thảo quy định đối với nhóm nhà ở cũ có nguồn gốc sở hữu nhà nước thì hạn mức diện tích bình quân tối thiểu là 8m2. Đây là nhà do các cơ quan đơn vị bố trí phân phối, cho thuê trước đây hoặc có hợp đồng thuê nhà ở cũ do Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội (thuộc UBND TP Hà Nội).

Riêng đối với nhóm nhà ở còn lại (không có nguồn gốc sở hữu nhà nước), dự thảo quy định diện tích bình quân tối thiểu là 20m2, tính theo m2 sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ.

Về điều kiện đăng ký thường trú, tại Khoản 3 Điều 20 Luật Cư trú 2020 quy định "Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người".

Thông tin thành phố lấy ý kiến dự thảo có nội dung quy định diện tích bình quân tối thiểu là 20m2, tính theo m2 sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.

Trao đổi với báo chí, đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định, TP Hà Nội hiện nay có hơn 9 triệu dân, mật độ dân số trong nội thành cao, khiến hạ tầng đô thị bị quá tải. Điều đó dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến phố, trường học và cơ sở y tế chưa đáp ứng được yêu cầu.

Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa "ủng hộ" TP Hà Nội đưa ra quy định diện tích tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn thành phố cao hơn quy định trong Luật Cư trú.

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Hòa cho rằng, việc quy định 20m2/người mới được giải quyết thủ tục thường trú ở Hà Nội là "quá cao" nên đề nghị Hà Nội cần làm rõ căn cứ, cơ sở nào để thành phố đưa ra điều kiện đăng ký thường trú lên tới 20m2. Đồng thời, cần xin ý kiến nhân dân, chuyên gia để đưa ra quy định phù hợp với điều kiện của người dân.