1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đề nghị bảo hộ tên riêng của những người nổi tiếng

Tiệm giải khát mang tên Tài Em đang làm ăn rất phát đạt. Khi người hâm mộ gọi điện thoại chúc mừng tuyển thủ Phan Văn Tài Em thì mới vỡ lẽ, Tài Em chẳng hay biết gì về cửa hàng “của mình”.

Đó là câu chuyện được ĐB Võ Quốc Thắng (Long An) dẫn ra khi thảo luận về Luật Sở hữu trí tuệ. Ông Thắng kể: Rất nhiều người hâm mộ tuyển thủ Phan Văn Tài Em đã đến cửa hàng giải khát và điện thoại chúc mừng Tài Em có cửa hiệu kinh doanh phát đạt, mặc dù chủ tiệm này không có liên quan họ hàng gì và cũng không xin phép sử dụng tên của vận động viên này.

 

Từ đó, ông Thắng cho rằng Luật Sở hữu trí tuệ phải bổ sung quy định về tên riêng của những người nổi tiếng cũng phải được đăng ký và bảo hộ như đối với một thương hiệu.

 

Ông Thắng cũng đề nghị mở rộng phạm vi bảo hộ đối với các nhãn hiệu nổi tiếng ở tất cả các ngành hàng. Bởi vì theo ông, nếu quy định như dự thảo thì nhãn hiệu Toyota vốn được đăng ký ở ngành hàng ô tô sẽ không được bảo hộ nếu ngành hàng may mặc cũng sử dụng nhãn hiệu này.

 

Ông Thắng rất bức xúc vì hiện tại đang có một cửa hàng thời trang lấy tên là Đồng Tâm và dùng logo của gạch Đồng Tâm nhưng ông không thể khởi kiện họ vì ngành hàng mà Đồng Tâm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là gạch trong khi cửa hàng kia lại kinh doanh thời trang.

 

Cùng ngày, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật các công cụ chuyển nhượng. Nhiều đại biểu khi cho ý kiến về dự luật này đã thừa nhận rằng đây là một dự án Luật rất “chuyên sâu” và “tôi cũng nằm trong số không hiểu biết lắm về vấn đề chuyển nhượng tiền. Tuy nhiên, tên gọi của dự luật không thuận vì có lẽ đó là tên gọi dịch từ tiếng nước ngoài”- Đại biểu Vũ Tuyên Hoàng (Quảng Nam) nói.  

 

Đại biểu Dương Thu Hương (Hà Nam) cũng cho rằng: “Nên chăng lấy tên gọi là Luật hối phiếu, vì phạm vi điều chỉnh của Luật chỉ có 3 loại công cụ là hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và séc. Tên gọi như vậy cũng kế thừa được các thuật ngữ đã quen dùng trong Pháp lệnh về thương phiếu”.  

 

Phát biểu trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy bày tỏ “Thú thực với Quốc hội, bản thân tôi cũng mất rất nhiều công sức để hiểu cho được những thuật ngữ và bản chất của các vấn đề trong dự luật. Điều này bắt nguồn từ chỗ chúng ta không được tiếp cận nhiều về kiến thức  kinh tế thị trường, nhất là tín dụng thương mại. Kinh tế học Xã hội chủ nghĩa không thừa nhận tín dụng thương mại và do đó không hề dạy bất cứ khái niệm nào về những công cụ và những nguyên tắc của tín dụng thương mại”.

 

Theo Thanh Niên, Tiền phong