1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cần Thơ:

Để dân xây nhà không phép ven sông, chủ tịch xã, phường phải chịu trách nhiệm

(Dân trí) - “Từ nay, nếu để xảy ra tình trạng dân xây nhà không phép ven sông thì Chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm”, đó là nhấn mạnh của Chủ tịch UBND TP Cần Thơ tại cuộc họp sơ kết công tác phòng, chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn 5 tháng đầu năm 2018, chiều 31/5 tại UBND TP Cần Thơ.

Hiện trường vụ sạt lở bờ sông làm 7 căn nhà ở ấp Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ mới đây.
Hiện trường vụ sạt lở bờ sông làm 7 căn nhà ở ấp Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ mới đây.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Hè - Giám đốc Sở NN & PTNT TP Cần Thơ cho biết, 5 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn Cần Thơ xảy ra 9 đợt lốc xoáy (làm sập 10 căn nhà, tốc mái 32 căn) và 9 điểm sạt lở (làm sạt lở hoàn toàn 10 căn nhà, ảnh hưởng 37 căn, tổng chiều dài sạt lở 368 m). Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính khoảng trên 32 tỷ đồng, riêng thiệt hại do sạt lở bờ sông là hơn 31 tỷ đồng.

Tại cuộc họp, Đại tá Trần Ngọc Hạnh – Giám đốc Công an TP Cần Thơ đề nghị các đơn vị liên quan hàng năm phải khảo sát, tính toán cụ thể rồi đề xuất các phương án với lãnh đạo UBND thành phố. “Chúng ta phải có phương án cụ thể khi có vụ việc xảy ra để không bị động. Chúng ta không nên để vụ việc xảy ra nhưng vẫn chưa có phương án ứng cứu thích hợp”, ông Hạnh nhấn mạnh.

Ông Hạnh cũng đề nghị: Hàng năm cần có kinh phí sẵn để phân bổ cho các đơn vị, khi có tình huống xảy ra thì có thể triển khai phương án ứng cứu kịp thời, phân công nhiệm vụ rõ ràng giữa từng cơ quan, đơn vị. Hàng năm, chúng ta cần tổ chức diễn tập cứu hộ, sạt lở, đây là hành động thiết thực để có thể ứng phó kịp thời.

Đại tá Trần Ngọc Hạnh - Giám đốc Công an Cần Thơ phát biểu tại cuộc họp
Đại tá Trần Ngọc Hạnh - Giám đốc Công an Cần Thơ phát biểu tại cuộc họp

Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ lưu ý các việc: Tăng cường công tác rà soát, dự báo trong việc phòng chống thiên tai. Trong đó, đối với sạt lở cần kiểm tra, rà soát các điểm có nguy cơ để có biện pháp phòng ngừa, đảm bảo chính xác, kịp thời, chủ động. “Chúng ta không thể chống lại được thiên tai nhưng nếu làm tốt công tác rà soát, dự báo có phương án ứng cứu kịp thời thì thiệt hại sẽ giảm”, ông Thống nói.

Đối với các lực lượng chủ lực xử lý tình huống như quân sự, công an, PCCC, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện phải có ý thức, phương án và thường xuyên sẵn sàng ứng phó với tình huống. Trong kế hoạch công tác lúc nào cũng phải đề cập đến nhiệm vụ này.

Ông Thống cũng lưu ý, nếu không may khi có sự cố xảy ra thì phải đảm bảo sự chỉ huy thống nhất. Công tác phối hợp không thống nhất thì hiệu quả sẽ không cao, do đó cần rà soát lại việc phân công, trong tình huống nào thì ai là chỉ huy để phối hợp đồng bộ.

Ông Võ Thành Thống - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Ông Võ Thành Thống - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Riêng vấn đề sạt lở, ông Thống đề nghị các quận, huyện rà soát các điểm có nguy cơ trước mắt, lâu dài để có biện pháp. Biện pháp phải bao gồm cả công trình và phi công trình, không phải cứ sạt lở là làm bờ kè kiên cố vì Cần Thơ sông rạch rất nhiều, kinh phí không đảm đương nổi. Thay vào đó, nên phát động cho người dân tổ chức thực hiện các biện pháp phi công trình, trồng cây giữ đất…

Nhấn mạnh đến việc nhà ở ven sông bị sạt lở, ông Thống chỉ đạo: Về lâu dài không thể để nhà sàn trên sông, ảnh hưởng đến mỹ quan, vệ sinh môi trường và hành lang giao thông. “Từ nay trở đi phải chấm dứt việc cấp phép cho dân xây dựng nhà trên sông. UBND các xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm chính, nếu để xảy ra ở đâu thì Chủ tịch UBND cấp đó phải chịu. Tôi giao cho lãnh đạo UBND quận, huyện phải quản lý hiệu quả vấn đề này, nếu quản lý không tốt thì lãnh đạo quận, huyện cũng sẽ bị quy trách nhiệm”, ông Thống nhấn mạnh.

Liên quan đến vụ sạt lở ở khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn mới đây làm 7 căn nhà đổ sập xuống sông và nhiều ngôi nhà khác bị ảnh hưởng, ông Thống đề nghị lãnh đạo địa phương rà soát, xem xét, ai không có chỗ ở khác thì xem xét tái định cư cho người dân, nhất quyết không để người dân xây nhà trở lại nơi cũ. Những hộ chưa bị ảnh hưởng cũng phải có phương án di dời, phải có kế hoạch lâu dài như các khu dân cư nông thôn, nhà ở xã hội…

Phạm Tâm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm