1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

ĐBSCL: Tìm phương kế “sống chung với hạn - mặn”!

(Dân trí) - Chưa bao giờ câu chuyện hạn hán, nước mặn xâm nhập lại trở thành vấn đề nóng như hiện nay đối với người dân ĐBSCL. Tính đến ngày 11/3, đã có khoảng 2 triệu người dân ĐBSCL (khoảng 12% dân số trong vùng) chịu ảnh hưởng nặng nề do hạn mặn gây ra. Người dân ĐBSCL một thời cực khổ tìm cách chung sống với lũ. Giờ lại chuyển sang tìm phương cách “chung sống với hạn - mặn”!?

Cơ hội nằm trong thách thức!

Trong chuyến đi kiểm tra thực tế và làm việc với lãnh đạo vùng ĐBSCL về các giải pháp chống hạn - mặn hồi đầu tháng 3/2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu một vấn đề đáng quan tâm: “Trong thách thức luôn ẩn chứa cơ hội, tạo hóa thiên nhiên dường như định sẵn điều đó. Nếu chúng ta tranh thủ biến thách thức thành cơ hội, thì sẽ vượt qua được thiên tai khắc nghiệt. Nước mặn xâm nhập cũng là cơ hội để phát triển vùng nuôi tôm ven biển”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý, tôm đang được giá, các địa phương ven biển cần tận dụng cơ hội hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật để nông dân nuôi tôm tăng thu nhập.


Hiện ĐBSCL có khoảng 1,5 triệu nông dân trồng lúa và 500 ngàn người dân thiếu nước ngọt sinh hoạt

Hiện ĐBSCL có khoảng 1,5 triệu nông dân trồng lúa và 500 ngàn người dân thiếu nước ngọt sinh hoạt

Hiện ĐBSCL có khoảng 1,5 triệu nông dân trồng lúa và 500 ngàn người dân thiếu nước ngọt sinh hoạt. “Hạn - mặn không còn là câu chuyện nhất thời. Biến đổi khí hậu ngày càng tác động lớn hơn. Sự đe dọa với ĐBSCL là trầm trọng và nghiêm trọng hơn dự báo. Những gì chúng ta thấy hôm nay sẽ lặp lại mức độ khốc liệt hơn. Ứng phó với nó phải tính đến câu chuyện dài hạn, để đảm bảo đời sống người dân và kinh tế ĐBSCL. Trước hết là điều chỉnh cơ cấu sản xuất” – Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Cao Đức Phát nhận định.

Theo ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, tỉnh này đang dự định chuyển một phần diện tích đất trồng lúa nhiễm mặn sang trồng cỏ, để các hộ chăn nuôi chủ động tìm nguồn cung cấp thức ăn cho bò!

Thực tế, nếu sâu sát với thực tiễn thì vẫn có thể giảm thiệt hại cho nông dân sản xuất. Sóc Trăng là một trong những điển hình đã giảm thiểu tối đa mức thiệt hại do khô hạn và xâm nhập mặn gây ra. Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, tỉnh đã dự lượng được độ khốc kiệt của hạn – mặn, nên cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. Cụ thể, tỉnh đã chủ động vận động người dân ở 1 thị xã không sản xuất lúa, 2 huyện bỏ 1 vụ lúa nên thiệt hại rất thấp (chỉ khoảng 12.000ha bị ảnh hưởng). Trong đó, địa phương đã chủ động mua sắm thêm các thiết bị quan trắc để kiểm tra, độ mặn... Mỗi cửa cống ngăn mặn, dẫn ngọt có người quản lý chịu trách nhiệm cụ thể.

Đầu tư thông minh, ít hối tiếc!

Các tỉnh, thành ĐBSCL đang khẩn trương cùng lúc thực hiện hai giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt và hoàn thiện các công trình thủy lợi xung yếu. Tại Bến Tre, tỉnh đã huy động đến cả xe bồn (chữa cháy của công an) để chở nước đến cung cấp cho các bệnh viện, trường học, các cơ sở sản xuất... và khẩn trương hoàn thành thêm 1 nhà máy nước để cung cấp cho các vùng thiếu nước.


Lúa Sỏi phá quang kỷ phát triển tốt trên vùng đất mặn huyện Hồng Dân tỉnh Bạc Liêu (ảnh Tường Vy)

Lúa Sỏi phá quang kỷ phát triển tốt trên vùng đất mặn huyện Hồng Dân tỉnh Bạc Liêu (ảnh Tường Vy)

Tình hình hạn - mặn gần như đã được khoanh vùng. Song, có ý kiến cho rằng, mỗi tỉnh chỉ đạo khác nhau. Đầu tư xây dựng cơ bản còn manh mún: tỉnh nào cũng tranh thủ, nhưng các công trình mang tính liên vùng chưa chặt. Còn xảy ra mâu thuẫn, giải quyết rất khó. Điển hình là một số vùng Bạc Liêu cần nước mặn nuôi tôm, Sóc Trăng cần nước ngọt trồng lúa...!? "Trong bối cảnh hiện nay cần rà soát hoàn thiện khoanh vùng hạn - mặn cụ thể để gắn với những khuyến cáo nuôi - trồng cụ thể thích ứng với vùng sinh thái. Tất nhiên, đây là câu chuyện dài vì còn liên quan đến đầu ra của nông sản" – Bí thứ Tỉnh ủy Sóc Trăng, Nguyễn Văn Thể kiến nghị!

Ông Nguyễn Chí Dũng – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng: "Cần có cơ chế chính sách riêng cho vùng ĐBSCL để đầu tư cơ sở hạ tầng và chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong bối cảnh hạn – mặn ngày càng gia tăng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế xã hội ĐBSCL, bản kế hoạch châu thổ của Chính phủ Hà Lan (MDP), Bộ KH-DT đề xuất: xây dựng chiến lược tổng thể về phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn và sạt lở. Trong đó, có nhiều cách tiếp cận... khi đầu tư phải giảm thiểu - tránh xung đột mặn – ngọt. Đầu tư thông minh, ít hối tiếc và phải chú trọng giải quyết sinh kế đảm bảo đời sống cho người dân”.

Theo thạc sĩ Võ Đăng Ký-Giám đốc Trung tâm thực nghiệm và chuyển giao khoa học công nghệ huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, cách đây 4 năm, huyện đã liên kết với Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu, thử nghiệm giống lúa chịu mặn. Đến nay, huyện đã có 2 giống lúa gieo sạ ở những vùng phèn mặn cao sản xuất. Trong đó giống lúa Một Bụi Đỏ cải tiến lần 2 được canh tác từ 6.000 – 15.000 ha/vụ, năng suất khá cao gần 6 tấn/ ha. Giống này có khả năng chịu mặn từ 6 - 8‰ vào giai đoạn đầu và giai đoạn cuối vụ chịu mặn từ 5 - 6‰. Riêng giống lúa Sỏi phá quang kỳ có thời gian sinh trưởng từ 95 đến 110 ngày với khả năng chịu mặn giai đoạn đầu rất cao trên 10‰; giai đoạn trổ đến chín chịu mặn 4 - 5‰.

Khô hạn nghiêm trọng, kéo theo “lưỡi mặn” quét sâu vào nhiều cánh đồng trồng lúa ở vùng ven biển ĐBSCL gây thiệt hại nghiêm trọng. Cùng lúc này, một tin vui cho nông dân ĐBSCL đã đến. Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Võ Công Thành, Trưởng bộ môn Di truyền giống nông nghiệp - Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (Trường đại học Cần Thơ), ông cùng các cộng sự của mình vừa nghiên cứu thành công một giống lúa mới. Qua trồng thử nghiệm ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, giống lúa này chịu được độ mặn 12,7‰ ở giai đoạn cuối, có thể sống thiếu nước trong 15 ngày và chịu ngập khoảng 1 tuần.

Nhiều địa phương chịu tác động của hạn - mặn đã chủ động chuyển đổi một số cây trồng cho phù hợp với điều kiện thiếu nước ngọt hiện nay. Câu chuyện gợi mở của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về tận dụng nước mặn xâm lấn nuôi tôm vùng ven biển và chuyện lai tạo, “thuần phục” các giống lúa chống chịu mặn của các nhà khoa học là những “phát pháo” đầu tiên để ĐBSCL “chung sống với hạn – mặn” trong lâu dài!

Tường Vy

ĐBSCL: Tìm phương kế “sống chung với hạn - mặn”! - 3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm