1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

ĐBSCL - Sau chống lũ là chống lở!

(Dân trí) - Chuyện các dòng sông “bên lở bên bồi” là quy luật tự nhiên của dòng chảy. Thế nhưng chưa bao giờ, các vụ sạt lở ven sông Hậu, sông Tiền, các đê kè ven biển gia tăng khốc liệt như những tháng đầu năm 2017.

Từ chạy lũ đến chạy lở!

Mới đây, hàng chục ngôi nhà ven khu vực bờ sông Vàm Nao (xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đã đổ sập xuống sông. Vụ sạt lở kinh hoàng đã làm hàng trăm người dân trong khu vực phải tháo chạy thoát thân. Giờ họ đang lo lắng tìm nơi định cư mới.

Hiện trường vụ sạt lở ở bờ sông Vàm Nao (An Giang) cách đây chưa lâu
Hiện trường vụ sạt lở ở bờ sông Vàm Nao (An Giang) cách đây chưa lâu

Tại Đồng Tháp, ven sông Tiền tình trạng sạt lở cũng ngày càng khốc liệt hơn. Đáng chú ý là tình trạng sạt lở trên quốc lộ 30 dày đặc làm tình hình rất phức tạp. Trong khi đó, ngày 10/5, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT có chuyến khảo sát thực tế tình hình sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Theo đó, Cà Mau có khoảng 150km bờ biển sạt lở nghiêm trọng, bình quân mỗi năm mất khoảng 450ha đất ven biển, nhiều đất đai rừng phòng hộ cũng bị mất, đe dọa đến đời sống và sản xuất của người dân, cùng các công trình xây dựng cơ bản ven biển.

Thời gian qua, Cà Mau đã xử lý khắc phục tại những điểm xung yếu với tổng mức đầu tư hơn 650 tỷ đồng. Trước mắt, Cà Mau kiến nghị Trung ương hỗ trợ khoảng 200 tỷ đồng xây dựng 10.000m kè chống sạt lở tại những vị trí xung yếu trên tuyến rừng phòng hộ biển Đông. Cùng với đó cần phải di dời gần 4.800 hộ dân ở những nơi có nguy cơ thiên tai cao ven sông, ven biển.

Các nhà khoa học lý giải, nguyên nhân gây sạt lở bờ sông, kênh rạch có thể phân thành 2 khu vực: các sông chịu ảnh hưởng chủ yếu của thượng nguồn (sông Tiền, sông Hậu) và khu vực các sông kênh rạch chịu ảnh hưởng chủ yếu của thủy triều. Sạt lở sẽ gia tăng do thiếu hụt bùn, cát trong lòng dẫn.

Tình trạng khai thác cát tràn lan trên sông cũng là một trong những nguyên nhân làm quá trình sạt lở tăng nhanh
Tình trạng khai thác cát tràn lan trên sông cũng là một trong những nguyên nhân làm quá trình sạt lở tăng nhanh

Giải pháp được các nhà khoa học đưa ra hiện nay là nghiên cứu ứng dụng các công trình chủ động điều chỉnh phân lưu lượng hợp lý ở các đoạn sông để giảm thiểu sạt lở, nghiên cứu giải pháp hợp lý chống sạt lở các kênh rạch giao thông chính trong vùng.

Mới đây trong chuyến thị sát khu vực sạt lở bờ sông Vàm Nao, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã nhận được kiến nghị từ phía An Giang. Theo đó, tỉnh này cần di dời 20.000 hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở (cao gấp 4 lần so với Cà Mau). Hiện mỗi năm trên địa bàn An Giang xảy ra khoảng 20 vụ sạt lở bờ sông, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Hiện có khoảng 51 đoạn bờ sông đã phát đi cảnh báo nguy hiểm sạt lở, chiều dài 62km, chiếm 40% diện tích giáp sông Tiền, sông Hậu của tỉnh An Giang. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu…

Có thể nói tình trạng sạt lở diễn ra âm ỉ hàng chục năm qua ở ĐBSCL. Đỉnh điểm là sạt lở ở trung tâm tỉnh lỵ Sa Đéc của Đồng Tháp, khiến tỉnh này phải di dời trung tâm tỉnh lỵ về thành phố Cao Lãnh. Nhưng tình hình sạt lở hiện nay diễn ra một cách khốc liệt và lan nhanh ra nhiều địa phương.

Hàng trăm ngàn người dân ĐBSCL một thời phải khổ sở chạy lũ khi con nước ập về, giờ đến lượt phải chạy lở!

Cần định hình lại các tuyến, khu dân cư!

Cách đây gần 15 năm, hàng trăm ngàn người dân ĐBSCL phải luôn trong tư thế chạy lũ cục bộ khi nước lũ từ sông Mekong ập về. Đây phần lớn là những hộ dân sống rải rác theo các tuyến kênh, mương, sông dễ bị tổn thương khi nước lũ tràn về.

ĐBSCL đã có cuộc “cách mạng” để ổn định cuộc sống người dân. Cụ thể năm 2012, Chính phủ đã triển khai chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ ĐBSCL. Đến nay qua thực hiện 2 giai đoạn đã ổn định chỗ ở cho khoảng 200.000 hộ dân trước đây thường xuyên phải chạy lũ (giai đoạn I là 146.000 hộ dân, giai đoạn II là 61.000 hộ dân).

Một khúc sông ở Đồng Tháp bị hà bá ăn mòn
Một khúc sông ở Đồng Tháp bị "hà bá" ăn mòn

Câu hỏi đặt ra là vì sao tình trạng sạt lở ngày càng gia tăng ở ĐBSCL trong thời gian gần đây với mức độ ngày càng khốc liệt? Có nhiều nguyên nhân cộng hưởng tạo nên tình trạng này. Một thông tin đáng chú ý là sau trận hạn mặn lịch sử năm 2016, các nhà khoa học đã cảnh báo: Tình trạng các nước trên dòng sông Mekong ở thượng nguồn liên tiếp xây dựng các đập thủy điện không chỉ làm suy kiệt nguồn nước ở hạ lưu sông Mekong mà lượng phù sa cũng bị chặn lại ở các đập thủy điện.

Bên cạnh đó, tình trạng khai thác cát tràn lan cũng góp phần đẩy nhanh quá trình sạt lở theo các tuyến sông trong vùng. Không chỉ sạt lở mà gần đây tình trạng sụt lún cũng xuất hiện ở nhiều địa phương.

“Sụt lún không phải là vấn đề mới. Nhưng giờ người dân ĐBSCL phải đối mặt với nó với mức độ khốc liệt hơn. Tốc độ sụt lún tăng lên ở các khu đô thị và khu vực khai thác nước ngầm, tạo ra nhiều lo ngại” - PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung (Trường ĐH Cần Thơ) nhận định.

Đáng báo động nhất là thời gian gần đây, lưu lượng nước dưới đất được khai thác ngày càng tăng một cách nhanh chóng dẫn đến suy thoái về cấu trúc và trữ lượng của các tầng chứa nước dưới đất. Khai thác nước dưới đất có khả năng là yếu tố chính chi phối sự sụt lún tại ĐBSCL mặc dù không phải là nguyên nhân duy nhất.

Có thể nói với đà suy kiệt của lượng phù sa bồi bổ từ dòng Mekong đang đặt ra cho ĐBSCL nhiều thách thức trước vấn nạn sạt lở. Trong đó, cần phải xem xét lại tập quán lâu nay của người dân thích xây dựng nhà ven các tuyến kênh, sông. Bởi đặc thù kiến tạo, nền đất ở ĐBSCL thường yếu, người dân lại cất nhà ven sông càng có nhiều nguy cơ sạt lở cao. Đây là một trong những vấn đề cốt lõi khi đề cập đến sạt lở.

Các nhà khoa học cho rằng, ngay từ bây giờ chính quyền địa phương cần có những cảnh báo cần thiết để hạn chế người dân xây dựng nhà cửa gần các tuyến sông. Đồng thời, công bố rõ các quy hoạch, tiêu chí xây dựng cần thiết đối với các cụm, tuyến dân cư để người dân có thể “an cư lạc nghiệp”.

Các nhà khoa học thống kê sơ bộ: các tỉnh ven sông Tiền, sông Hậu có 18 khu vực sạt lở với tốc độ 10 m/năm, 37 khu vực sạt lở với 5-10 m/năm và 26 khu vực sạt lở với tốc độ nhỏ hơn 5 m/năm. Hầu hết các địa phương đều có hệ thống sông rạch sạt lở. Cà Mau là vùng bị sạt lở ảnh hưởng thủy triều nhiều nhất với 48 vị trí sạt lở bờ ở sông Gành Hào, Cửa Lớn, cửa Bồ Đề, Sông Đốc...

Phạm Tâm - Tường Vy