1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

ĐBSCL: Nước mặn xâm nhập đến 70 km

Diện tích đất liền bị xâm nhập mặn lớn, cộng với tình trạng khô hạn, nhiều địa phương thuộc ĐBSCL thiếu nghiêm trọng nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt; đời sống người dân đảo lộn.

Theo đánh giá của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, từ tháng 3 đến tháng 4/2009, nước mặn 10/00 - 40/00 có thể xâm nhập sâu ĐBSCL từ 50 km - 65 km; tháng 5, sâu khoảng 70 km. Như vậy, từ tháng 3 năm nay, nước mặn xâm nhập sâu hơn vào đất liền tại hầu hết các tỉnh ven biển ĐBSCL. Trước đó, vào mùa khô năm 2008, ĐBSCL bị nước mặn xâm nhập sâu gần 65 km.

Thu hoạch lúa “chạy” mặn

Tại tỉnh Trà Vinh, trên sông Tiền và sông Hậu, xâm nhập mặn đang bắt đầu diễn biến phức tạp. Tại khu vực vàm Cầu Quan trên sông Hậu (huyện Tiểu Cần), độ mặn hiện là 3,70/00. Từ thực tế này, từ đầu năm 2009, công ty đã cho đóng tất cả các cửa cống đầu mối để ngăn nước mặn thâm nhập sâu nội đồng.

Tại tỉnh Bạc Liêu, từ những ngày đầu tháng 2 vừa qua, độ mặn ở ngã tư Ninh Quới, huyện Hồng Dân tăng cao, dao động từ 7,50/00 - 8,50/00. Khi thủy triều dâng cao, một khối nước mặn lớn được dồn từ ngã tư Ninh Quới đến ranh giới Bạc Liêu - Sóc Trăng, xâm nhập khu vực ngọt ổn định của tỉnh với diện tích lúa 5.500 ha (với độ mặn quá 40/00, lúa sẽ chết).
 
Tại khu vực Tha Na Rộn, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, nhiều nông dân đang lo âu vì diện tích lúa còn khoảng 32.000 ha đến cuối tháng 3 mới cho thu hoạch. Theo dự báo của các ngành chức năng trong tỉnh, tháng 4 hằng năm là tháng cạn kiệt nguồn nước ngọt từ sông Hậu đổ về kênh Quảng Lộ - Phụng Hiệp. Trong khi đó, nước mặn ở vùng phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu có độ mặn tương đối cao từ 250/00 - 280/00. Vì vậy, độ mặn tại ngã tư Ninh Quới sẽ bị tác động mạnh và khả năng xâm nhập mặn vào vùng ngọt ổn định là rất lớn. Do đó, nông dân địa phương được khuyến cáo thu hoạch dứt điểm vụ lúa đông trong tháng 4 năm nay để tránh thiệt hại.
 
ĐBSCL: Nước mặn xâm nhập đến 70 km - 1

Đập Mương Phèn rất mong manh, không đủ khả năng ngăn mặn. (Ảnh: NLĐ)

Ngọt hóa thành... mặn hóa

Dọc theo tuyến đê ngăn mặn từ thị trấn U Minh về Khánh Hội (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) là những mảnh vườn, ao cá xen lẫn giữa cánh đồng nuôi tôm. Trước kia, nơi đây vốn là vùng ngọt hóa, được bảo vệ bởi hệ thống cống thủy lợi khép kín nhưng các cống thủy lợi được đầu tư hàng tỉ đồng đã không trụ được, nay đã xuống cấp hoặc bị hủy hoại, biến cả vùng ngọt hóa bao la của U Minh thành vùng mặn hóa. Tình trạng ở cống Cây Bàng ngoài (xã Khánh Lâm) cũng tương tự, nắp cống không còn nên nước mặn cứ chảy cuồn cuộn qua vùng ngọt hóa. Cống Cây Bàng trong cách đó không xa cũng để nước mặn chảy ập qua. Chốt chặn cuối cùng là đập Mương Phèn có nhiệm vụ ngăn mặn nhưng cũng đã bị tàn phá từ lâu.

Ở tỉnh Bạc Liêu cũng tương tự. Do không được nâng cấp, hệ thống cống đầu mối nay hư hại nghiêm trọng, chỉ đảm trách được nhiệm vụ đóng hoặc mở để tiêu nước chứ không kiểm soát được nước mặn xâm nhập. Theo kế hoạch, việc duy tu các cống đầu mối của tỉnh Bạc Liêu năm nay cần trên 7,5 tỉ đồng nhưng mới chỉ được cấp 2,5 tỉ đồng.

Dân than trời!

Tính đến thời điểm này, hầu hết các sông ngòi, kênh rạch khắp vùng ngọt hóa của huyện U Minh (Cà Mau) đều chứa đầy nước mặn. Người dân khu vực này chỉ làm một vụ lúa. Họ hy vọng thu hoạch xong sẽ thả cá, trồng rau, trồng cây ăn trái ngắn ngày để kiếm thêm thu nhập nhưng ý định đó bất thành. Ông Võ Thành Mức, người dân ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, than thở: “Cứ đến tháng 2 trở đi là nước mặn ngấm dần vào đất ruộng, cũng may lúc này bà con vừa thu hoạch xong vụ lúa. Không con cá nào sống nổi, không thể trồng rau và cây ăn trái”. Đời sống dân địa phương vì vậy ngày càng nghèo.

Một nông dân khác, ông Trần Văn Lô, than vãn: “Dân ở đây nay không biết phải làm gì. Ruộng lúa đã thu hoạch xong, đất đai bỏ trống vì khô hạn và nhiễm phèn, nhiễm mặn, chỉ biết ngồi đợi đến mùa mưa để cải tạo đất làm ruộng. Nhiều người đi làm mướn, làm thuê để kiếm ăn, riêng tôi không tìm được ai thuê nên ngồi ở nhà chờ thời”. Hiện ông Lô đang mắc nợ ngân hàng gần 30 triệu đồng.

 
Theo Nhóm PV Miền Tây
Người lao động