ĐBSCL: Đất nứt nẻ, lúa chết khô do hạn, mặn lịch sử
(Dân trí) - Người dân đồng bằng sông Cửu Long đang trải qua mùa hạnn hán, xâm nhập mặn lịch sử trong vòng 100 năm qua. Rất nhiều nơi đất nứt nẻ, hàng chục ngàn ha lúa chết khô ngoài đồng.
Tại tỉnh Trà Vinh, chưa bao giờ nước mặn đã bao vây toàn bộ tỉnh như hiện nay. Tất cả hệ thống cống được đóng kín để bảo vệ lúa nhưng có gần 1.000 ha bị mất trắng và thiệt hại từ 30 đến 70%.
Ông Nguyễn Văn Trưởng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Trà Vinh cho biết: “Năm nay hạn hán, xâm nhập mặn khắc nghiệt nhất từ trước đến nay khi nước mặn đã theo 2 nhánh sông Hậu, sông Cổ Chiên lên đến giáp ranh tỉnh Vĩnh Long, cách biển gần 80 km. Một số diện tích lúa bị thiệt hại vì khô hạn”.
Tại thắng cảnh Ao Bà Om (phường 8, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) lần đầu tiên trong lịch sử ao cũng bị khô trơ đáy, đất nứt nẻ. Theo những cụ cao niên ở địa phương, Ao Bà Om vào mùa mưa tích nước nên tới mùa khô mực nước thấp nhất cũng còn hơn 1m, chưa bao giờ cạn khô như năm nay.
Hạn hán, xâm nhập mặn trầm trọng khiến cho hơn 12 ngàn ha trong tổng số 14,7 ngàn ha lúa đông xuân của tỉnh Bến Tre bị thiệt hại nặng nề. Số còn lại cũng khó cầm cự được khi trổ bị nghẹn đòng, nông dân đành cắt cho bò ăn.
Bên cánh đồng rộng 3 ha, ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) thất thần nhìn lúa hơn 1 tháng tuổi bị trụi dần, cháy khô vì nước mặn. Toàn bộ cánh đồng nhuộm một màu trắng toát và bị nứt thành nhiều rãnh sâu xẻ ngang, xẻ dọc.
Ông Tuấn ngậm ngùi: “Khi sạ được 22 ngày thì đồng khô, tôi ráng bơm nước cầm cự nhưng khi xung quanh toàn là nước mặn nên lúa chết dần chết mòn. Vậy là tôi bỏ mặc cho ruộng khô, lúa chết, đất nứt nẻ cho đến nay. Bây giờ số tiền nợ hơn chục triệu đồng thuê máy cày, lúa giống, phân bón không biết chừng nào mới trả hết”.
Ở cánh đồng kế bên, ông Nguyễn Văn Sơn cũng tất tả chạy ngược, chạy xuôi để cứu gần chục công lúa đang trổ đồng. Tuy nhiên, dù tìm mọi cách nhưng lúa trổ lên bị khựng lại rồi lép xẹp do nước độ mặn 2 phần ngàn đã ở chân ruộng. Ông Sơn nói mà giọng buồn so: “Nghe nói năm nay nước mặn về sớm nên tôi tranh thủ sau khi thu hoạch thì xuống giống liền. Dù đã xuống giống trước hơn 1 tháng nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi nước mặn và thậm chí thiệt hại còn lớn hơn những cánh đồng mới xuống giống vì đã đầu tư tiền phân bón, thuốc rất lớn”.
Ông Nguyễn Thành Lâm, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Ba Tri cho biết: “Hiện tại toàn huyện có hơn 8.000 ha trên tổng số 11.200 ha đã gieo sạ bị thiệt hại. Tuy nhiên, diện tích lúa còn lại cũng khó cầm cự được lâu vì nước mặn đã bao vây, lúa không trổ được và có trổ cũng bị lép nên nông dân thiệt hại rất nặng nề”.
Ngoài ra, cuộc sống người dân cũng bị ảnh hưởng khi thiếu nước ngọt sử dụng. Một số hộ trắng tay do mất mùa nên đi làm thuê, làm mướn kiếm sống.
Minh Giang