1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

ĐB Hoàng Hữu Phước sẽ tiếp tục viết blog “nhạo” đồng nghiệp?!

(Dân trí) - Sau vụ lùm xùm vì “nhạo báng” ĐB Dương Trung Quốc mắc “tứ đại ngu”, ĐB Hoàng Hữu Phước lại vừa khiến dư luận dậy sóng vì bài viết trên blog cá nhân công kích ĐB Trương Trọng Nghĩa và khẳng định, sẽ tiếp tục vì “viết blog là quyền”.

Bài viết phản bác ĐB Trương Trọng Nghĩa đăng trên blog của ông Hoàng Hữu Phước.
Bài viết phản bác ĐB Trương Trọng Nghĩa đăng trên blog của ông Hoàng Hữu Phước.

Bài viết trên blog cá nhân của ông Phước về ĐB Trương Trọng Nghĩa với tựa đề: “Về Phát Biểu Của Ông Trương Trọng Nghĩa trên báo Tuổi trẻ”. Ông Phước dẫn dắt bằng nội dung: “Một cử tri bức xúc gởi tin nhắn cho tôi nói về một phát biểu của ông Trương Trọng Nghĩa trên báo Tuổi Trẻ về tình trạng “gánh nhiều vai” của Đại biểu Quốc hội và cái gọi là “lương tâm” nên có nơi những Đại biểu Quốc hội nên “từ nhiệm” nếu không thể “gánh nhiều vai” ấy”.

Bài viết của ông Phước có 5 điểm phân tích về vấn đề đưa ra của ông Nghĩa và đều phản bác về những nhận định của ông Nghĩa. Đáng chú ý, trong đó ông Phước viết: “Ông Trương Trọng Nghĩa chắc là muốn nêu lên sự hồ nghi đối với chất lượng chuyên nghiệp, cái tâm, cái tầm, cái bản lĩnh, và cái quyết tâm vì nước vì dân của đại đa số ĐBQH Việt Nam vốn không là đại biểu chuyên trách chăng?”

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa mới đây đã gửi báo có tới Chủ tịch nước và lãnh đạo đoàn ĐBQH TPHCM để phản ánh việc ông Hoàng Hữu Phước (đại biểu cùng đoàn TPHCM) viết blog có nội dung công kích, vu khống, bôi nhọ và có chủ đích làm nhục ông.

Trả lời “chất vấn” của báo chí bên lề phiên thảo luận sáng 3/11 về việc một lần nữa “gây sóng” dư luận này, ĐB Hoàng Hữu Phước vẫn nhận định “bản thân coi đây là chuyện cá nhân” dù sắp tới, đoàn ĐBQH TPHCM có thể có ý kiến về việc ông viết blog phản bác đồng nghiệp.

“Tôi nghĩ trong cùng trong một đoàn không có nghĩa là mọi người đều nói chung một ý kiến. Khi đúc rút ra một vấn đề nào đó, qua thảo luận và tất cả mọi người đều đặt trên cơ sở là lợi ích chung đối với từng dự án luật. Còn đối với phát ngôn của mỗi người thì người nào chịu trách nhiệm trước phát ngôn của người đó. Vậy nên, không đồng tình với phát ngôn của ông Nghĩa, thấy không đúng nên tôi viết tranh luận chống lại phát ngôn đó chứ không phải là một ĐBQH chống lại một ĐBQH trong một đoàn” – ông Phước giải thích.

Tại sao ông lựa chọn thời điểm đang họp Quốc hội để công kích ông Trương Trọng Nghĩa?

Không, tôi chỉ lựa chọn những ý, phát ngôn nào vừa mới được nghe để tranh luận. Đây là tranh luận mang tính cá nhân.

Ông nghĩ sao khi ông Nghĩa cho rằng các bài viết đó là công kích, bôi nhọ và đang đòi cung cấp những bằng chứng liên quan đến bài viết của ông?

Việc đó là quyền của ông Nghĩa. Ông Nghĩa thấy những lời lẽ cho rằng là nặng, mang tính cá nhân thì ông ấy có quyền nói lại. Phát ngôn đó thuộc về vấn đề hùng biện, cho nên chừng nào ĐB TPHCM đặt vấn đề thì tôi sẽ trả lời trong buổi họp ấy.

Ông có sẵn sàng để trả lời mọi vấn đề?

Đó là sự công bằng. Tôi không đồng tình với lập luận của ông Nghĩa và tôi nêu chính kiến của mình. Ông Nghĩa phản bác lại là quyền của ông Nghĩa. Đây là hai người đang thực hiện cái quyền tự do ngôn luận của mình.

Trước và sau khi có bài viết, ông có trao đổi gì với ông Nghĩa không?

Tôi không có trao đổi gì với ông Nghĩa và đến nay chưa có ý kiến trực tiếp gì. Trên toàn thế giới và ngay cả Việt Nam cũng không có luật nào bắt người ta phải trao đổi trực tiếp. Trao đổi trực tiếp cũng là một lựa chọn song tôi có quyền tự do và tôi không lựa chọn cách đó.

Trong bài viết về ĐB Trương Trọng Nghĩa, ông không sử dụng những từ ngữ kiểu như “tứ đại ngu”, “5 điều xằng bậy”, “ăn quàng nói xiên”, “loạn ngôn”, “bất tri, vô trí”… đã từng nói với ĐB Dương Trung Quốc nhưng ông Nghĩa vẫn bức xúc cho rằng nhiều từ ngữ ông dùng thể hiện sự không tôn trọng giữa các đại biểu với nhau?

Không có quy định nào nói về những từ ngữ ấy là xúc phạm hay không tôn trọng cả.

Nếu một ĐB khác mà phát biểu tương tự như vậy về ông, ông có phản bác không?

Tiến trình tôi sẽ rút kinh nghiệm. Ví dụ khi tôi vào Quốc hội vào năm 2011, mọi cái với tôi là sự phấn khởi, vui vẻ, trẻ trung, hừng hực và tôi muốn thể hiện việc tự do ngôn luận của mình. Từ từ tôi rút ra kinh nghiệm nữa, tức là một khi đã nói lên quan điểm thì anh cứ nêu quan điểm, đừng có nêu tên người nữa. Cho nên kinh nghiệm của tôi sắp tới là như vậy. Bài mới trên blog sắp tới của tôi sẽ không nêu tên người nói nữa.

Học sinh, sinh viên rất cần nghe những lập luận như vậy, vì đó là hùng biện. Tôi sẽ không nêu tên người đó ra rồi nói “Ông này nói vậy là tầm bậy” mà chỉ nói là trên quan điểm tôi suy nghĩ là điều đó là không nên.

P.Thảo (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm