Đẩy nhanh đường sắt Việt - Trung để doanh nghiệp "cùng làm, cùng thắng"

Hoài Thu

(Dân trí) - Chung đánh giá tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc còn rất lớn, các đơn vị kiến nghị đẩy nhanh xây dựng tuyến đường sắt mới kết nối hai nước để tạo thuận lợi trong thông thương.

Sáng 8/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc tại thành phố Trùng Khánh, nhân chuyến công tác Trung Quốc.

Thị trưởng thành phố Trùng Khánh Hồ Hoành Hoa cho biết các sản phẩm điện tử của Trùng Khánh như ô tô, xe máy đã có mặt tại Việt Nam; còn trái cây, cà phê Việt Nam cũng được người tiêu dùng Trùng khánh yêu thích.

Sẵn sàng chia sẻ cơ hội để "cùng thắng, cùng có lợi"

Ông nhận định hợp tác hai bên đang có xu hướng phát triển tốt, tiềm năng hợp tác trong tương lai rất rộng mở. Đặc biệt, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Trung Quốc lần này sẽ mở ra cơ hội để các bên đi sâu thúc đẩy hợp tác để "cùng thắng".

Nhấn mạnh Trùng Khánh và Việt Nam có ưu thế bổ sung cho nhau trong lĩnh vực kinh tế, tiềm năng hợp tác lớn, ông Hồ Hoành Hoa mong doanh nghiệp Việt Nam tìm được đối tác tại Trùng Khánh, và Trùng Khánh cũng sẵn sàng hợp tác cùng Việt Nam trong mọi lĩnh vực, chia sẻ cơ hội mới để "cùng thắng, cùng có lợi".

Ông Jesse Choi, Tổng giám đốc Tập đoàn Sunwah khu vực Đông Nam Á, cho biết, tập đoàn đã có nhiều hoạt động hợp tác, đầu tư tại thị trường Việt Nam. Ông đề nghị Chính phủ và bộ ngành, địa phương 2 nước hỗ trợ triển khai hợp tác, thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam, nâng cao uy tín thương hiệu và giá trị trên trường quốc tế.

Trong khi đó, ông Chu Hồng Phi, Thành viên HĐQT Tập đoàn Chuỗi cung ứng Hawei Trùng Khánh, nêu quan điểm giao thông giữa Việt Nam - Trung Quốc thuận lợi nhưng quy trình thông quan cần được cải thiện theo hướng đơn giản hóa.

Ông đề nghị Việt Nam có các chính sách hỗ trợ nông sản, tăng hợp tác công nghệ kỹ thuật nhằm giúp nâng chất lượng nông sản.

Về phía doanh nghiệp Việt Nam, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết đường sắt hai nước đã và đang phát huy hoạt động logistics, tích cực đề xuất việc xây dựng 3 tuyến đường sắt mới, kết nối hoàn chỉnh, thuận tiện giữa Việt Nam và Trung Quốc, từ Trung Quốc đi nước thứ ba.

Lãnh đạo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đề nghị hai bên nghiên cứu cho áp dụng mô hình cửa khẩu thông minh tại các cửa khẩu đường sắt; đẩy nhanh xây dựng các tuyến đường sắt mới kết nối 2 nước, đặc biệt là đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, cho biết nông sản Việt Nam đã vào thị trường Trung Quốc nhưng tỷ lệ hao hụt lên tới 30-35% do điều kiện vận chuyển, bảo quản hạn chế; chi phí logistics chiếm 20-25% - cao hơn so với khu vực ASEAN.

Tuy vậy, ông nhận định có nhiều cơ hội từ Trung Quốc bởi đây là thị trường tiêu thụ trái cây nhiệt đới lớn nhất.

Ông Sơn đề xuất phía Trung Quốc mở rộng cửa khẩu nhập khẩu hàng nông sản bằng cả đường bộ và đường biển, giúp hàng hóa nâng cao năng lực cạnh tranh, rút ngắn thời gian tại cửa khẩu cũng như quy trình liên quan hải quan, kiểm dịch. 

Hợp tác kinh tế - thương mại chưa tương xứng với tiềm năng

Đẩy nhanh đường sắt Việt - Trung để doanh nghiệp cùng làm, cùng thắng - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đẩy mạnh kết nối và đầu tư (Ảnh: Dương Giang/TTXVN).

Nhắc lại mối quan hệ "núi liền núi, sông liền sông, đường liền đường, biển liền biển" giữa Việt Nam - Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định hai bên có rất nhiều điều kiện, cơ hội để thúc đẩy hợp tác với nền tảng chính trị vững chắc, nền tảng văn hóa tương đồng, nền tảng pháp lý thuận lợi, nền tảng thị trường rộng mở.

Doanh nghiệp hai nước cần phải đầu tư hợp tác nhiều hơn nữa, theo lời Thủ tướng.

Ông cho biết thời gian qua, Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 5.000 dự án với tổng mức đầu tư 30 tỷ USD. Thương mại hai chiều năm 2023 đạt hơn 173 tỷ USD, 9 tháng đầu năm 2024 đạt 190 tỷ USD (tăng 14%).

"So với quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác kinh tế - thương mại vẫn chưa tương xứng trong khi tiềm năng còn rất lớn", Thủ tướng nhận định và tiếp tục gợi mở cơ hội đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước.

Giới thiệu về tiềm năng của Việt Nam, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 nước, tương ứng với đó là gần 200 thị trường; tham gia 17 hiệp định thương mại tự do giúp Việt Nam kết nối với khoảng 60 thị trường.

Năm 2023, Việt Nam thu hút hơn 36,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn FDI ở mức kỷ lục hơn 23 tỷ USD. Riêng 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam thu hút gần 30 tỷ USD, giải ngân đạt khoảng 20 tỷ USD. 

Bên cạnh đó, Việt Nam đang tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.

Trong đó, thể chế, chính sách thông thoáng nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, cắt giảm thủ tục. Đột phá về hạ tầng nhằm tạo ra không gian phát triển mới, tạo ra giá trị mới, xây dựng hệ thống logistic giúp giảm chi phí vận tải, tăng sức cạnh tranh. Đột phá về nguồn nhân lực giúp nâng cao năng suất lao động.

Đẩy nhanh đường sắt Việt - Trung để doanh nghiệp cùng làm, cùng thắng - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc (Ảnh: Dương Giang/TTXVN).

"Thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt là quản trị thông minh" là điều được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Ông cũng chia sẻ thông điệp "4 cùng" với các nhà đầu tư Trung Quốc, đó là: cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển; cùng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam kêu gọi doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh kết nối, hợp tác đầu tư, gắn kết hai nền kinh tế với mục tiêu không những mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho hai nước mà còn mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, cùng nhau xây dựng đất nước hùng cường và vững mạnh.

Hoài Thu (Từ Trùng Khánh, Trung Quốc)