Dạy chữ cho tử tù

Tới gần buồng giam của Nguyên, người quản giáo già không nghe tiếng la hét mệt mỏi, câu chửi thề thường thấy ở các tử tù mà là tiếng của Nguyên nói với tử tù ở buồng giam bên cạnh: “Mày đọc báo to lên, cho tao nghe với...”.

Gần 2 năm qua đi nhưng kỷ niệm về những buổi dạy chữ cho tử tù Đào Xuân Nguyên luôn đầy ắp trong tâm trí thiếu tá Lưu Văn Thắm, Trại tạm giam Công an Hải Phòng.

 

Thấy Nguyên khao khát con chữ, người quản giáo già chợt nhận ra rằng, trong mỗi con người kể cả một tử tù đang đếm sống từng ngày đều có một chút hướng thiện.

 

Dịp đó, Ban giám thị Trại tổ chức lớp xóa mù chữ cho các can, phạm nhân. Hiểu được những khát vọng hướng thiện của tử tù Nguyên, quản giáo Thắm đã đề xuất được dạy chữ cho Nguyên. Đây là trường hợp đặc biệt vì nhiều người nghĩ Nguyên đâu còn cơ hội, học chữ để làm gì. Nhưng ông Thắm nghĩ rằng, còn một cơ hội tức là còn một hy vọng nhen nhóm. 
 
Dạy chữ cho tử tù - 1

Quản giáo Lưu Văn Thắm và đồng nghiệp đang xem lại những bài viết của phạm nhân.

 

Kể về những ngày đó, trong căn buồng giam chật chội, nóng bức, quản giáo Thắm ngày ngày mang cái chữ đến cho Nguyên. Anh ta ham học đến kỳ lạ.., những tiếng đọc ê a liên tục vang lên trong buồng tử tù.

 

Học chữ đã vất vả, nhưng dạy Nguyên cầm bút còn khó khăn hơn nhiều, trong khi chiếc bút lại là vật cấm kỵ không được mang vào buồng tử tù. Ngoài áp lực dạy chữ cho Nguyên, quản giáo Thắm còn phải làm sao đảm bảo đúng quy chế của trại tạm giam.

 

Lần ấy, người vợ trẻ của Nguyên tìm đến thăm chồng... Hết thời gian thăm nuôi, cô rụt rè đưa cho quản giáo Thắm một lá thư chứa chan tình cảm với người chồng lầm lạc. Lúc ấy, quản giáo Thắm mới bảo rằng: Nguyên có thể tự đọc và viết thư gửi về gia đình.

 

Người vợ ngỡ ngàng, không dám tin đó là sự thật. Cha của Nguyên thì lặng đi. Trong những ngày cuối cùng của căn bệnh ung thư hiểm nghèo, ông vẫn lặn lộn hơn 20 cây số tìm đến thăm con. Tâm sự với quản giáo, ông nói: “Ngày trước tôi cho nó đi học, nó không học. Thế mà vào đây, nó lại biết đọc biết viết”.

 

Trước khi thi hành án, di vật cuối cùng mà Nguyên để lại cho vợ và những người thân là lá thư tạ từ do tự tay anh ta viết ra, trong đó là nỗi ân hận và cáo lỗi với những người đã sinh thành ra mình.

 

Thượng tá Phạm Quang Hợp, Phó giám thị, cho biết ý tưởng mở lớp dạy chữ ở cho các can phạm xuất phát từ những lần gần gũi phạm nhân đang cải tạo trong các phân trại. Không biết chữ, việc truyền đạt của cán bộ quản giáo cũng khó hơn, phạm nhân không thể tự tay viết các bản kiểm điểm mỗi khi mắc sai lầm...

 

Lớp học đầu tiên có 14 can, phạm nhân. Phòng học là hội trường của trại tạm giam, “cô giáo” là một quản giáo còn trẻ... Có một điều lạ khi vào lớp chẳng ai bảo ai họ đều cố gắng học, song phải mất hàng tháng, các phạm nhân mới thuộc được các bảng chữ cái, nhưng đến phần ghép vần thì chẳng dễ dàng.

 

Hai năm trôi qua từ lớp học đầu tiên đó, giờ Trại tạm giam Công an Hải Phòng đã tổ chức được nhiều buổi học văn hóa cho các phạm nhân mù chữ đang trong quá trình cải tạo và giam giữ tại trại. Mỗi nét chữ họ học được sẽ là một phần hành trang giúp họ trong cuộc sống sau này.

 

Theo Xuân Mai
Công An Nhân Dân