1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đầu xuân người Cơtu đi hái “lộc” rừng

(Dân trí) - Đầu xuân trên khắp núi rừng hai huyện Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam) cây bông đót(cây chít) bắt đầu phất phơ bông trắng. Đồng bào Cơtu nơi đây í ới gọi nhau vào rừng hái lộc.

Đót được xem là lộc của rừng ban tặng cho người dân nơi đây. Đót giúp trẻ em có vở bút mới, đót giúp cho những gia đình Cơtu ấm no trong những ngày xuân. Đót giúp bản làng tưng bừng lễ hội.

Vùng cao vào mùa bông đót

Các huyện vùng cao Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam) có đến 2/3 diện tích rừng có cây đót. Cây đót (tên khoa học là thysanolaenna) là cây hoang dại, mọc chen chúc rậm rạp trên những vùng đồi núi. Đót mọc thành bụi như lau lách nhưng lá to bản hơn và cạnh rất sắc. Bông đót như bông lau nhưng nhiều nhánh, bông từng chùm nhỏ li ti. Bông còn non có màu xanh nhạt, bông đót đã già chuyển thành màu tím nâu, nhiều hạt và nặng hơn. Bông đót dai, bền nên  khi phơi khô người ta “bện” thành chổi. Chổi đót tiêu thụ mạnh trong nước và cả xuất khẩu ra nước ngoài.
 
Đầu xuân người Cơtu đi hái “lộc” rừng - 1
Học sinh vào rừng kiếm đót đổi sách vở, quần áo.

Đi dọc tuyến đường ĐT 604, đường Hồ Chí Minh đoạn qua hai huyện Đông Giang, Tây Giang đã thấy thấp thoáng vài bụi đót trổ bông. Càng vào sâu trong rừng, đót nở trắng đồi trắng núi.

Chúng tôi gặp em Zơrâm Thị Blơng (Thôn Chờnệt, xã Ating- Đông Giang) đang gùi đót trên rừng về làng. Lân la hỏi chuyện em nhiệt tình "bày" cho chúng tôi cách bứt bông đót. Em cho biết: "Em cầm theo Achí (rựa) nhưng không phải để chặt cây đót xuống hái mô, làm rứa lâu lắm. Người Cơ tu có cách bứt đót rất riêng và "xịn" lắm”.

Blơng dùng tay ôm từng bụi đót đè xuống ngang tầm với, rồi tay trái nắm bông đót, tay phải nắm chắc lá đót trên cùng, tước nhẹ lấy bông đót ra để dồn một đống. Hết bụi này đến bụi khác khi đến chiều gom tất cả bó lại rồi bỏ vào gùi cõng về... Lá đót bén (sắc) lắm, bứt không cẩn thận bị cứa chảy máu cả tay chân.

Zơrâm Thị Blơng đang học lớp 6 Trường THCS BT Lê Văn Tám xã Zơ Ngây (huyện Đông Giang) học buổi chiều nên sáng ni tranh thủ vào rừng bứt đót, bán kiếm tiền mua vở bút đi học và giúp đỡ gia đình.

Trên đường làng từng tốp người Cơ tu cõng đót từ rừng về nói cười vui vẻ. Tiếng xe máy, xe tải thu mua đót rộn cả một góc làng.

Bông đót - Lộc rừng
 
Đầu xuân người Cơtu đi hái “lộc” rừng - 2
Những chuyến xe thu nhặt niềm vui ra khỏi rừng lúc sáng sớm.

Ở các địa điểm Asờ, Sông Kôn, Ating, (Đông Giang) A Vương, Bhalêê (Tây Giang) lúc gần trưa hay chiều tối, cảnh mua bán đót vô cùng nhộn nhịp. Kẻ gùi trên lưng, người vát trên vai, có người dùng xe máy để chở đót . Tất cả tập trung vào các đại lí thu mua đót ven đường.

Theo lời anh Bling Heng (Thôn Phú Mưa-xã ZơNgây) thì trong làng nhà nào cũng có người đi bứt đót, một ngày mỗi người ít nhất cũng được 20 - 40 kg đót tươi, kiếm được gần 100.000 đồng.

Già làng Bríu Abúc (thôn Chớcớ, xã ATing) cho biết thêm: “Có cây đót người dân làng mình thêm no ấm, có tiền tổ chức lễ hội xuân to hơn, vui hơn. Mấy năm trước rừng làng mình nhiều câu đót lắm nhưng chừ người ta phát rừng trồng keo hết rồi nên năm nay bứt đót xa lắm, không dễ mô”.

Mỗi ngày cứ gần trưa hay chiều tối tại các đại lí thu mua đót tấp nập người vào ra, bán hoặc đổi lấy gạo và thực phẩm. Chỉ tính riêng hai xã Zơ Ngây và Sông Kôn (Đông Giang) đã có đến 5, 6 đại lí thu mua đót (Đại lí Xuân Huỳnh, Hồng Quy, Hoàng Lệ, Châu Hà…). Mỗi ngày có vài ba chuyến xe tải của các tư thương đi dọc các tuyến đường Hồ Chí Minh, ĐT 604 thu mua đót hay mua lại từ các đại lí để chở TP Tam Kì (Quảng Nam) hay TP Đà Nẵng.
 
Đầu xuân người Cơtu đi hái “lộc” rừng - 3
Thu mua, phân loại đót tại các đại lí.

Chị Hà (đại lí Châu Hà) thu mua đót tại xã ATing có thâm niên buôn đót trên 10 năm, cho biết : “Năm nay đót tươi giá hiện tại mua “xô lô” là 3500 đ /1kg, còn đót khô chưa có giá cụ thể. Làm đót khô vất vả lắm, mua về phải ngồi chịu khó làm sạch bẹ lá rồi trải ra phơi, gặp mưa phải gom gấp nếu không đót bị mốc mục hết… Được mùa đót nên người dân nơi đây phấn khởi lắm, mới mùng 4 tết họ đã lên rừng bứt đót rồi”.

Toàn huyện Đông Giang hơn 4.600 hộ đồng bào Cơtu, có đến 2.00 hộ tham gia bứt đót, bình quân mỗi người bứt được 30kg/ngày, với giá hiện tại từ 3.00 đồng/kg thì nguồn lợi mang lại cho huyện là không nhỏ. Góp phần xóa đói gảm nghèo, giúp người dân vui xuân ấm no và trọn vẹn hơn.

 Đông Phước